11 thg 12, 2011

Yêu cầu hạn chế cho cá nhân vay đầu tư bất động sản

Thủ tướng Chính phủ vừa có chỉ thị về tăng cường quản lý thị trường bất động sản thông qua các chính sách thuế, tín dụng bất động sản.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 11 của Chính phủ, bảo đảm tín dụng bất động sản có tốc độ tăng trưởng và tỷ trọng hợp lý, an toàn, phù hợp với chính sách điều hành tín dụng chung.

Trước mắt, giảm tăng trưởng và tỷ trọng tín dụng bất động sản với lộ trình hợp lý, tránh gây sốc, đồng thời áp dụng các biện pháp tăng tính thanh khoản, tránh đóng băng thị trường, tác động xấu lan truyền đến hệ thống các tổ chức tín dụng và đời sống xã hội.

Bên cạnh đó, Ngân hàng nhà nước Việt Nam phối hợp với Bộ Xây dựng nghiên cứu để có hướng dẫn các tổ chức tín dụng thực hiện chính sách tín dụng phù hợp với tiến trình tái cơ cấu thị trường bất động sản; chỉ đạo các tổ chức tín dụng bố trí nguồn vốn để cho vay đầu tư các dự án phát triển nhà ở để bán, cho thuê phục vụ đối tượng thu nhập thấp, công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế; cho các đối tượng có nhu cầu thực sự vay mua nhà để ở.

Trước mắt hạn chế cho vay bồi thường, giải phóng mặt bằng, các dự án khởi công mới, các dự án bất động sản cao cấp; giám sát chặt chẽ để hạn chế việc cho các cá nhân vay kinh doanh bất động sản.

Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước cũng có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và các địa phương rà soát, tiếp tục cho vay đối với các dự án bất động sản sẽ hoàn thành và có khả năng bán, thu hồi vốn đầu tư trong năm 2012.

Thủ tướng cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình cấp tín dụng bất động sản của các tổ chức tín dụng, phát hiện và xử lý kịp thời các khoản nợ quá hạn, ảnh hưởng tới chất lượng tín dụng của các tổ chức tín dụng.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải rà soát, kiểm tra các dự án phát triển nhà ở trên địa bàn, có biện pháp đảm bảo các dự án được triển khai đồng bộ hệ thống hệ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; kiên quyết thu hồi hoặc dừng các dự án chậm triển khai, đã giao đất nhưng không sử dụng quá thời gian quy định của pháp luật.

Tùy theo tình hình và điều kiện của các địa phương, cho phép chuyển đổi các dự án nhà ở thương mại sang phục vụ cho mục đích tái định cư và các loại hình nhà ở xã hội để cho thuê giá rẻ nếu phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển các loại hình nhà ở này của địa phương; cho phép điều chỉnh cơ cấu sản phẩm của từng dự án nhà ở thương mại, nhà ở thu nhập thấp cho phù hợp với nhu cầu của thị trường.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng giao Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất và báo cáo Chính phủ trong quý 2/2011 về thuế bất động sản nhằm hạn chế đầu cơ, sử dụng có hiệu quả tài nguyên đất đai, bất động sản; nghiên cứu, sửa đổi quy định về thuế thu nhập cá nhân đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản cho phù hợp với tình hình thực tế.

Đồng thời, Bộ Tài chính trình Chính phủ trong quý 1/2012 nghị định hướng dẫn thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, trong đó điều chỉnh mô hình quỹ đầu tư bất động sản nhằm hỗ trợ vốn cho thị trường thông qua kênh thị trường chứng khoán.

Ngoài ra, Thủ tướng yêu cầu bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Xây dựng phải nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý trong việc kiểm tra, thẩm định, cho phép đầu tư các dự án phát triển nhà ở, đầu tư kinh doanh bất động sản.

Phải đẩy mạnh các chương trình xây dựng nhà ở xã hội, yêu cầu chủ đầu tư các dự án phát triển nhà ở triển khai thực hiện nghiêm chỉnh quy định dành 20% diện tích đất xây dựng nhà ở đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật của dự án để xây dựng nhà ở xã hội, báo cáo Thủ tướng kết quả rà soát, kiểm tra trong quý 1/2012.

Đối với các địa phương, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về đất đai, đầu tư, phát triển nhà ở, kinh doanh bất động sản, kịp thời xử lý vi phạm, kể cả thu hồi giấy phép. Đồng thời phải tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, người dân, tăng cường công tác quản lý hoạt động của thị trường, của các sàn giao dịch bất động sản, bảo đảm yêu cầu về tính công khai, minh bạch của thị trường bất động sản.


Xem tiếp...

5 thg 12, 2011

Bất động sản khởi sắc nhờ ngân hàng tiếp sức

Nhờ sự tiếp sức Ngân hàng mà nhiều nhà đầu tư đã được giải thoát khỏi tình cảnh phải bán tống bán tháo bất động sản để trả nợ vay.
Điều này phần nào đem lại kỳ vọng về khả năng ấm lên thị trường trong thời gian tới.


Khách hàng đã được đáo hạn
Sau khi ngân hàng nhà nước đưa ra quyết định nới tín dụng cho một số khoản mục đầu tư bất động sản. Mặc dù còn nhiều ý kiến trái ngược nhau khi bình luận về các động thái này của Ngân hàng nhà nước.

Nhưng điều không thể phủ nhận rằng, việc các ngân hàng tiếp tục được bơm vốn cho bất động sản đã tạo cú hích lớn, giải tỏa tâm lý cho các nhà đầu tư, người mua nhà vốn đang căng như dây đàn khi thời gian đáo nợ đang đến gần. Đặc biệt, thông điệp Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng đưa ra tại phiên chất vấn tại kỳ họp thứ II Quốc hội lần thứ XIII về việc Chính phủ sẽ có giải pháp cứu thị trường bất động sản và chứng khoán lại càng làm cho giới đầu tư kỳ vọng.

Thực hiện yêu cầu Ngân hàng nhà nước, tuần qua một số ngân hàng thương mại đã quyết định hạ lãi suất cho vay mua bất động sản nhằm kích cầu thị trường vốn đang èo uột. Điển hình ngân hàng Ocean bank vừa có thông báo tới khách hàng về việc hạ lãi suất cho vay xuống 19%/năm. Ngay sau đó, ngân hàng An Bình cũng đưa ra chính sách mới hỗ trợ ngân hàng mua nhà bằng cách kéo dài thời gian vay và ân hạn cho khách hàng…..

Điều này không chỉ giúp khách hàng có cơ hội vay tiền để thanh toán các khoản tiền đóng tiến độ cho các dự án đang triển khai mà nó còn tạo cơ hội cho khách hàng được đáo nợ.
Ảnh minh họa
Với việc hoàn thiện hạ tầng, khu đô thị Văn Phú
hiện đã thu hút được lượng lớn người dân về sinh sống
Chị Hoài Anh (nhà đầu tư bất động sản) cho biết, chị đang có khoản nợ gần 3 tỷ đồng tại ngân hàng Vietcombank sắp đến thời điểm thanh toán. Cách đây 2 tháng, chị đã phải ráo riết tìm khách để bán bất động sản lấy tiền trả nợ cho ngân hàng tuy nhiên do thị trường quá ế ấm, hàng không bán được vì vậy chị buộc phải tiếp tục gõ cửa vay ngân hàng nhưng khi mang hồ sơ đến các ngân hàng thì chị đều nhận được câu trả lời là “ngân hàng dừng cho vay bất động sản”. Tuy nhiên, chỉ sau khi ngân hàng nhà nước phát đi tín hiệu cho vay mua nhà, chị đã có thể thế chấp sổ đỏ để vay tiền tại ngân khách khác để trả khoản nợ vay ngân hàng Vietcombank. Thậm chí, nhờ vậy chị cũng thoát khỏi cách phải bán tống bán tháo bất động sản để trả nợ nữa.
“Cách đây hơn 1 tháng, tôi chấp nhận bán rẻ đi 15 triệu đồng/m2 một lô đất dự án Geleximco (Lê Trọng Tấn) thế nhưng chào bán mãi không có người mua. Vừa rồi, tôi đã vay được tiền để trả nợ vì vậy mà tôi có thể vẫn tiếp tục giữ bất động sản chờ thị trường tốt lên mới bán bởi bán lúc này thì quá thiệt” chị Hoài Anh cho biết.
Một số chuyên gia tài chính cho rằng, các ngân hàng thương mại đang nỗ lực hết sức để tìm mọi các giúp khách hàng giãn nợ trong đó biện pháp hỗ trợ vay vốn, giảm lãi suất, kéo dài thời hạn trả nợ… là một trong những thượng sách bởi chẳng ngân hàng nào muốn chết chìm cũng khách hàng trong lúc này nhất là trong bối cảnh các ngân hàng thương mại đang phải đối mặt với lộ trình tái cơ cấu ngân hàng.

Ảnh minh họa
Nhiều gia đình đang cấp tập sửa sang nhà cửa đón Tết
Anh Đức Ân – nhà đầu tư cho biết, thời gian vừa qua các nhà đầu tư bất động sản đã phải chịu nhiều áp lực. Họ không chỉ lo khoản trả nợ ngân hàng mà còn phải đối lo khoản phạt lãi suất do chậm trả tiền. Thông thường các ngân hàng thương mại đưa ra các mức phạt khá nặng cho khách hàng. Nếu để quá hạn không trả khách hàng sẽ phải chịu mức phạt 150% năm. Tính ra, nếu vay lãi suất 24%/năm thì khách hàng sẽ phải trả thêm khoản 12% tiền phạt lãi suất. Như vậy, ngoài việc khách hàng lo trả lãi lại phải cõng thêm khoản phạt trả chậm nữa.

Không chỉ khách hàng mà các chủ đầu tư dự án cũng “mở cờ trong bụng” sau khi ngân hàng mở van tín dụng, lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản (xin được giấu tên) cho biết, trước đó, doanh nghiệp này đã ký hợp đồng hỗ trợ vốn vay cho khách hàng mua dự án nhưng khi có lệnh cấm vay bất động sản thì việc rót vốn gần như ngưng trệ. Tuy nhiên, khi van tín dụng được phép mở các khách hàng mua dự án tiếp tục nhận được sự hỗ trợ với mức lãi suất chỉ khoản 18,5%-19%/năm với điều kiện khách hàng thế chấp hợp đồng mua bán nhà ở thuộc dự án. Ngoài ra, ngân hàng cũng đồng ý kéo dài thêm thời hạn trả nợ từ 15 năm lên thành 20 năm cho khách hàng.

Nhiều phân khúc bất động sản kỳ vọng sôi động
Với sự nỗ lực phía ngân hàng và chủ đầu tư, nhiều nhà đầu tư bắt đầu đặt ra nhiều kỳ vọng vào sự chuyển biến của thị trường trong thời gian tới.

Khảo sát tại một số chợ đất lớn tại Hà Nội, PV ghi nhận giá đất tại một số dự án bất động sản lớn đặc biệt dự án đang trong quá trình hoàn thiện hoặc đã bàn giao nhà nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư. Giao dịch mua bán cũng đã bắt đầu rậm rịch chuyển động từ hai tuần nay đặc biệt những lô đất có giá cạnh tranh đã được các văn phòng nhà đất mua vào.
Đơn cử, như dự án Văn Khê giá bán hiện khoảng trên 75-77 triệu đồng/m2; dự án An Hưng giá liền kề 62- 64 triệu đồng/m2 loại đường bé, tùy lô. Đường to trên 70 triệu đồng/m2, biệt thự giao động khoảng 52-55 triệu đồng/m2. Dự án Văn Phú đường to 40 m2 khoảng 130 triệu đồng/m2, đường 17,5 m2 giá 65-68 triệu đồng/m2, đường nhỏ khoảng 55 triệu đồng/m2…

Ảnh minh họa
Hà Nội đang rất thiếu khu đô thị hoàn chỉnh hạ tầng 
Anh Nguyễn Văn Mạnh (Giám đốc văn phòng nhà đất Đại Phát - Lê Trọng Tấn) cho biết, thị trường sau thời gian dài trầm lắng, giảm giá khá sâu đã bắt đầu có giao dịch trở lại. Cuối tuần trước,  văn phòng anh vừa giao dịch thành công 1 lô đất thuộc dự án Văn Phú với mức giá trên 60 triệu đồng. Lô đất này nếu bán khi thị trường sốt nóng, giá trị khoảng gần 7 tỷ đồng nhưng hiện tại giá đã giảm khoảng 1 tỷ đồng vì vậy với người mua nhà ở thực thì thời điểm này đang là cơ hội tốt bởi bất động sản đã trở về vùng giá rất hấp dẫn.

Theo anh Mạnh, hầu hết những người mua nhà thời điểm này đều là mua để ở, khách mua đầu tư rất ít vì vậy họ thường lựa chọn dự án đã hoàn chỉnh phần xây thô hoặc dự án đã và sắp bàn giao nhà bởi giá nhà hiện đã ở mức quá rẻ. Còn những dự án vẫn chưa hoàn thành xong giải phóng mặt bằng hoặc dự án chưa xây dựng hạ tầng thì gần như giao dịch “bất động”.

“Tâm lý mua bất động sản của dân đã thay đổi rất nhiều trong thời gian vừa qua. Họ không còn thích mạo hiểm lướt sóng cùng những dự án chưa hoàn chỉnh pháp lý nữa mà họ thận trọng hơn khi lựa chọn dự án có độ an toàn cao và chấp nhận lợi nhuận có phần kém hơn. Thậm chí, với nhiều người họ cũng đã đặt ra bài toán trong trường hợp thị trường xấu không thể thanh khoản được chí ít cũng có thể khai thác cho thuê lại để đồng vốn không bị “chết”. anh Mạnh cho biết.

Chính vì vậy, mà những dự án hoàn chỉnh là một trong những phân khúc được kỳ vọng nhiều nhất hiện nay. Tuy nhiên, tại Hà Nội những dự án đã đi vào hoàn thiện là không nhiều đơn cử chỉ tính riêng quận Hà Đông có đến gần 60 dự án bất động sản nhưng đa phần là chung cư cao tầng còn dự án đô thị mới đã đi vào hoạt động chỉ tính trên đầu ngón tay.

Theo nhìn nhận của nhiều chuyên gia, việc Chính phủ quyết tâm điều chỉnh giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới sẽ là đòn bẩy cho thị trường bất động sản chuyển động trở lại. Thời điểm này là thời điểm thích hợp cho những người có nhu cầu thực mua nhà bởi giá bất động sản đã về vùng giá rẻ và khó có thể giảm sâu thêm như kỳ vọng của nhiều người nhất là khi áp lực tài chính đã được giải quyết ổn thỏa. 


Xem tiếp...

30 thg 11, 2011

Tín dụng bất động sản: Có tiền đâu dễ cho vay !

Có một điều khá lạ lùng là cả ngân hàng và doanh nghiệp đều “kêu” gặp khó trong các giao dịch liên quan đến bất động sản hiện nay.

Ngay cả với những ngân hàng “sẵn tiền”, chuyện cho vay đối với các dự án bất động sản cũng không còn như mấy năm về trước.
Thế nên mới dẫn đến thực tế, trong khi các chủ đầu tư bất động sản đang “sống dở chết dở” vì đói vốn, không thể tiếp cận được nguồn tiền từ ngân hàng, thì các tổ chức tín dụng cũng loan tin, họ đang “đốt đuốc tìm doanh nghiệp”.


“Dặt dẹo” vì thiếu vốn

Ngay sau khi quyết định của Ngân hàng Nhà nước về việc loại 4 nhóm tín dụng bất động sản ra khỏi lĩnh vực phi sản xuất, đã có nhiều ý kiến bình luận trái chiều về tác động của chủ trương này tới thị trường bất động sản. Đồng thuận có, phản đối có, khen có, chê có... nhưng rốt cục thị trường bất động sản dường như vẫn chưa được hưởng lợi nhiều từ động thái được xem là “cởi trói” này.

Ông Nguyễn Đỗ Việt, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Sông Đà - Thăng Long cho hay, việc nới tín dụng nói trên với ràng buộc về thời gian hoàn thiện dự án, bàn giao nhà trước 1/1/2012 thì rất khó doanh nghiệp (thiếu vốn) nào đáp ứng được.

Do đó, với chính sách này, câu chuyện “kẻ cần không được, kẻ được không cần” đã xảy ra trên thị trường bất động sản cũng như trong chính hoạt động vay vốn ngân hàng của các chủ đầu tư. Hệ quả của nó là số chủ đầu tư bất động sản đảm bảo được tiến độ xây dựng, bàn giao nhà đúng là chỉ “đếm trên đầu ngón tay”, theo như lời Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM Lê Hoàng Châu.

Người viết trong quá trình tìm hiểu thông tin về sức khỏe các doanh nghiệp bất động sản cũng như tiến độ các dự án, đã được khá nhiều chủ đầu tư chia sẻ, kể khổ về thực trạng dự án của mình. Tuy nhiên, để được ngồi nghe “trọn đầu trọn đuôi” câu chuyện làm ăn, tất yếu phải kèm một điều kiện ngặt nghèo “không được bê tên dự án của anh lên báo”.

Chỉ khi nhận được cái gật đầu, lãnh đạo một doanh nghiệp có tiếng về bất động sản mới "bật mí", hiện dự án tại Hà Đông (Hà Nội) của doanh nghiệp này mới chỉ xây được 7 trên tổng số 25 tầng theo thiết kế. Tuy nhiên, mọi kế hoạch huy động vốn từ khách hàng trước khi bắt tay vào dự án đều “bể” hết vì trong suốt 6 tháng trời vừa qua, doanh nghiệp này chỉ bán được 15 căn hộ. Số tiền huy động góp vốn của khách hàng trước đó cũng chỉ được 120 tỷ đồng, trong khi giá trị dự án tính sơ sơ cũng ngót 500 tỷ.

Khó chồng khó, nợ chồng nợ, vị này cho hay hiện số tiền thanh toán theo tiến độ cho nhà thầu doanh nghiệp này cũng đang khất, cộng với nợ gần 18 tỷ tiền thuế sử dụng đất, nên quả thật doanh nghiệp này đang rơi vào cảnh “dặt dẹo”, không biết bấu víu vào ai. Tất nhiên, ngân hàng thì lại càng không thể.

“Không riêng gì chúng tôi đâu, đố nhà báo đi tìm xem trên địa bàn Hà Nội hiện nay có doanh nghiệp bất động sản nào sống khỏe, sống tốt không. Nếu không có đầu ra, không bán được căn hộ thì không ai có thể nói tài nói giỏi được đâu”, vị này tâm sự.

Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn mới đây cũng thừa nhận, đúng là các doanh nghiệp bất động sản hiện nay đang “khó khăn thật”. Chuyện hàng loạt doanh nghiệp địa ốc nợ tiền sử dụng đất cũng có một nguyên nhân không nhỏ do họ không bán được hàng để lấy tiền nộp ngân sách và quay vòng đồng vốn.

Tuy nhiên, khó khăn thực hư của doanh nghiệp như thế nào, lãnh đạo ngành thuế cho biết sẽ lập hẳn đoàn đi kiểm tra, sau đó mới có giải pháp tháo gỡ.

Cho vay đâu dễ

Sau khi Quyết định 8844 của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực, từ trạng thái gần như “đóng băng”, các ngân hàng thương mại bắt đầu mở lại tín dụng tiêu dùng, phục vụ nhu cầu vay vốn mua, sửa chữa nhà ở.

Đi đầu trong xu hướng “mở cửa” là Ngân hàng Thương mại Cổ phần An Bình (ABBank) với chương trình “Dễ dàng vay vốn - Sở hữu căn nhà mơ ước”, hỗ trợ cho các khách hàng cá nhân có nguồn thu nhập từ tiền lương, tiền công vay vốn để sửa chữa, mua nhà/đất để ở.

Theo ABBank, chương trình này giúp khách hàng, đặc biệt là giới cán bộ, công nhân viên chức, nhân viên văn phòng - những người có khoản thu nhập hàng tháng đều đặn, có được nguồn vốn vay để phục vụ, trang trải cho chi phí mua mới, hoặc xây sửa nhà, chuẩn bị cho một năm mới đang tới gần.

Liền đó, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Dương (OceanBank) cũng tung ra chương trình cho vay mua nhà dự án với lãi suất đặc biệt ưu đãi xuống tới 19%/năm kèm hàng loạt ưu đãi về giá trị, thời hạn trả nợ vay.

Theo một đại diện của Ngân hàng Nhà nước, dù đã có cơ chế thoáng đối với tín dụng bất động sản, song không phải ngân hàng nào cũng đủ điều kiện để cho vay đối với lĩnh vực bất động sản. Bởi lẽ, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, thanh khoản các ngân hàng gặp khó, không phải ngân hàng nào cũng sẵn tiền để tung ra thị trường được. Chỉ có một số “đại gia” hoặc ngân hàng huy động tốt mới có thể triển khai được chủ trương này.

Nhưng ngay cả với những ngân hàng “sẵn tiền”, chuyện cho vay đối với các dự án bất động sản cũng không còn như mấy năm về trước, khi hệ quả của việc cho vay tràn lan trước đây đến giờ vẫn chưa khắc phục được.

Theo một lãnh đạo của OceanBank, ngân hàng này đang có trên 47 nghìn tỷ đồng vốn từ huy động, tình hình thanh khoản khá tốt, tuy nhiên, “dù Ngân hàng Nhà nước đã bật đèn xanh cho vay bất động sản, nhưng chúng tôi phải tiếp tục tìm kiếm các dự án đầy đủ tính pháp lý, hợp tác với chủ đầu tư có năng lực và kinh nghiệm mới dám cho vay được. Đối với người mua, cũng phải thẩm định kỹ!”.


Xem tiếp...

27 thg 11, 2011

Ai cứu thị trường bất động sản ?

 Bức tranh BĐS năm 2011 được nhìn với một màu tối. Doanh nghiệp rên xiết vì chính sách thắt chặt tín dụng, đã có những dự án phải bán tháo và sẽ có những tên tuổi phải rời khỏi sân chơi.

Nhà nước loay hoay với bài toán giải cứu thị trường, chủ đầu tư mỏi mòn ngóng chờ chính sách. Liệu gam màu sáng có trở lại sau những đêm tối triền miên?

Giá nào là đáy?

Đi đầu trong trào lưu bán tháo để cắt lỗ là dự án Petro Vietnam Landmark - TP HCM của Công ty Cổ phần Địa ốc Dầu khí (PVL) với việc công bố sẽ giảm giá gần 30%, từ hơn 21 triệu đồng/m2 xuống còn 15,5 triệu/m2. Tiếp đó là 500 căn hộ của dự án An Tiến của Công ty Sài Gòn Mekong được bán ra với mức giá 14,5 triệu đồng/m2, giảm tới 35% so với giá ban đầu là 18 triệu đồng/m2.

Tại Hà Nội, dù các doanh nghiệp BĐS ít phụ thuộc vào vốn ngân hàng hơn TP.HCM, song điều này không có nghĩa là các chủ đầu tư không chịu sức ép giảm giá. Chung cư giãn dân phố cổ Việt Hưng được chào bán với mức gía bình quân 14-15 triệu đồng/m2, giảm hơn 10 triệu đồng so với thời gian cách đây vài tháng. Nhiều khu chung cư khác cũng giảm giá từ 10-20 triệu đồng/m2. Phân khúc đất nền cũng giảm giá mạnh, tại Kim Chung - Di Trạch từ mức 55-60 triệu đồng/m2, nay nhà đầu tư đã phải đại hạ giá xuống trên dưới 20 triệu đồng/m2. Dự án KĐT Sài Đồng đã hoàn thành phần thô cũng chỉ còn chưa đầy 55 triệu đồng/m2 so với giá được chủ đầu tư đưa ra hồi tháng trước là 68 triệu đồng/m2.

Theo thống kê của Hiệp hội BĐS Việt Nam, hiện nay có khoảng 35.000 căn hộ trung, cao cấp tồn đọng trên địa bàn Hà Nội. Thực tế này cho thấy chắc chắn sẽ có một làn sóng giảm giá bán để chạy hàng của các nhà đầu tư. Một khảo sát của Công ty Tư vấn và quản lý BĐS CB Richard Eliss (CBRE Việt Nam) được thực hiện giữa tháng 10-2011 cho thấy, 70% số lượng dự án đã giảm giá. Mức độ giảm giá chào bán thứ cấp phổ biến trong khoảng 10-15% thậm chí 20% so với quý trước. Tốc độ giảm của mặt bằng giá đất nền Hà Nội khá nhanh trong thời gian qua, nhiều nhà đầu cơ phải bán tháo hàng để trả lãi và vốn cho ngân hàng.

GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường cho rằng, hiện tượng “bán tháo hàng” là bình thường, theo đúng quy luật của thị trường. Bởi thực tế bản thân các doanh nghiệp khi đưa ra chính sách giảm giá thì cũng chỉ là giảm lãi chứ chưa đến mức thua lỗ. “Tình trạng này sẽ ảnh hưởng tới giá cả thị trường, nhưng đó là ảnh hưởng tốt. Diễn biến như vậy sẽ khắc phục tình trạng giá bất động sản hiện nay đang chênh lệch quá lớn so với thu nhập của người dân Việt Nam” .

Tuy nhiên, ở khía cạnh khác, ông Nguyễn Hữu Cường, Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội lại cho rằng: “Nhiều người còn mong muốn bất động sản còn xuống nữa. Nhưng xuống đến mức nào, xuống đến mức doanh nghiệp, dự án bị phá sản, bị vỡ nợ và theo đó ngân hàng cũng bị vỡ nợ. Cuối cùng tất cả thảm họa ai sẽ là người gánh chịu, là người dân có tiền gửi tiết kiệm. Ngân hàng là xương sống của quốc gia, nếu ngân hàng có vấn đề thì toàn bộ hệ thống của một quốc gia sẽ bị nguy hiểm”.

Liệu sẽ có những cuộc “thế chân”?

Tác động của chính sách thắt chặt tín dụng chính là một trong những nguyên nhân cơ bản khiến thị trường BĐS lâm vào cơn bĩ cực như hiện nay. Các doanh nghiệp BĐS vốn đã chịu tác động tiêu cực từ khủng hoảng kinh tế toàn cầu, lạm phát tăng cao, chi phí xây dựng biến động thì nay cánh cửa tín dụng lại khép chặt trước mắt, việc huy động vốn vào sản xuất kinh doanh đã khó khăn, nhưng nhà xây xong cũng không biết bán cho ai vì ngân hàng đâu có cho người dân vay để mua nhà. Và việc bán hoặc chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án cho các nhà đầu tư nước ngoài là giải pháp được nhiều doanh nghiệp chọn lựa. Điển hình phải kể đến thương vụ của CapitaValue Homes (thuộc tập đoàn CapitaLand) mua vào 65% cổ phần của công ty Quốc Cường Sài Gòn (QCSG), với mức giá là 121,2 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty này còn có trong tay nhiều dự án khác từ tay các nhà đầu tư Việt Nam.

Theo đại diện Công ty Coldwell Banker Việt Nam, đơn vị chuyên tư vấn cho các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cho biết, thời gian gần đây, một loạt nhà đầu tư nước ngoài tại Mỹ, Nhật, Hong Kong, Singapore... đã liên tục kết nối với các đơn vị tư vấn để tìm hiểu về thị trường BĐS Việt Nam. Có ý kiến cho rằng, trong hoàn cảnh bi đát như hiện nay thì đây có thể coi là một lối thoát cho các doanh nghiệp. Nhưng cũng nhiều chuyên gia quan ngại về một tương lai BĐS Việt Nam sẽ bị các nhà đầu tư ngoại chi phối. Theo ông Nguyễn Hữu Cường thì việc các nhà đầu tư nước ngoài thôn tính lại các dự án khó khăn của các doanh nghiệp yếu kém về tài chính trong nước là có thật.

Nhưng những gì thể hiện ra bên ngoài chỉ là phần nổi của tảng băng chìm mà thôi. “Chúng ta phải đợi ít nhất đến giữa năm 2012 khi những tên tuổi mới thế vào những tên tuổi cũ thì mới thấy nó nhiều như thế nào, và đại gia nào sẽ được thay thế bởi những công ty mua lại, dự án nào sẽ chính thức đổi chủ”. Ông Cường cũng lo ngại về việc các nhà đầu tư quốc tế rất khôn khéo, họ chỉ mua các dự án đắc địa, có tính pháp lý cao. Nếu chúng ta không kiểm soát được các dự án này sẽ là một tổn thất rất lớn, không chỉ về vấn đề kinh tế mà còn là vấn đề an ninh. “Một dự án được hình thành thì công sức bỏ ra rất lớn, đó là việc hoàn thành các thủ tục pháp lý, giải phóng mặt bằng, thiết kế… Khi các tập đoàn nước ngoài mua lại các dự án này (với giá rẻ) thì họ đương nhiên đã được bỏ qua những giai đoạn khó khăn này. Và chúng ta cứ tưởng tượng trong vài năm tới, tất cả những dự án ở những vị trí đẹp, ở cửa ngõ thành phố sẽ nằm trong tay các nhà đầu tư ngoại thì sẽ ra sao”.

Vì vậy, nhìn ở tầm vĩ mô, sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài là cần thiết, nhưng cần phải có những quy định cụ thể nhằm giảm thiểu rủi ro không chỉ cho thị trường BĐS mà còn cho cả nền kinh tế, từ tác động của phía nhà đầu tư nước ngoài.

Chờ đợi “ánh sáng cuối đường hầm”

Dư luận đã nóng lên khi có thông tin Bộ Xây dựng đề xuất Nhà nước bơm tiền mua lại BĐS thời điểm này như một cách rót vốn ra thị trường, tạo dòng tiền trợ giúp các doanh nghiệp, chủ đầu tư ngành xây dựng. Dù Thứ trưởng Bộ Xây dựng, ông Nguyễn Trần Nam đã lên tiếng phủ nhận thông tin này nhưng nó đã kịp làm nhiều người “nóng mặt” gây nên một làn sóng phản đối. Hầu hết các chuyên gia cho rằng khả năng Nhà nước mua lại các dự án bất động sản là không tưởng bởi vì chúng ta đang ra sức kiềm chế lạm phát, về nguyên tắc phải giảm cung tiền, Chính phủ đang phải kiểm soát nợ công, nên phải giảm đầu tư công. Ngân sách Nhà nước là tiền của nhân dân, vốn cũng không có nhiều đến nỗi có thể “bơm” cho các doanh nghiệp BĐS. Thêm vào đó, các doanh nghiệp BĐS đã được quá nhiều, nay chỉ gặp khó khăn một chút thì đã kêu la ầm ĩ là việc khó chấp nhận. Nhiều chuyên gia cho rằng chưa đến mức bong bóng bất động sản sẽ đổ vỡ. Nguồn vốn tồn đọng nhiều nhất vẫn là phân khúc BĐS trung - cao cấp, nơi chỉ đáp ứng nhu cầu của khoảng 5% dân cư thành thị, và phục vụ chủ yếu cho giới đầu cơ. Vì vậy, khó khăn lớn nhất lúc này sẽ rơi vào những nhà đầu tư quá tham lam và liều lĩnh.

Động thái mới đây của Ngân hàng Nhà nước là ban hành Công văn 8844/NHNN-CSTT, trong đó nội dung quan trọng là nới rộng tín dụng cho 4 nhóm nhu cầu vay thuộc lĩnh vực BĐS bằng cách loại ra khỏi nhóm tín dụng phi sản xuất được cho là một biện pháp “cứu nguy” cho thị trường. Đó là các nhóm: Nhu cầu vốn để sửa chữa nhà và mua nhà để ở mà nguồn trả nợ bằng tiền lương, tiền công của khách hàng vay; Xây dựng nhà để bán, cho thuê cho người thu nhập thấp, công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế; Xây dựng nhà ở cho công nhân khu công nghiệp nhưng không thu tiền thuê nhà hoặc thu tiền thuê với giá thuê không vượt quá mức giá cho thuê nhà ở do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành mà chi phí xây dựng nhà ở hoặc chi phí tiền thuê nhà ở được tính là chi phí hợp lý trong giá thành sản xuất khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp; Xây dựng các công trình, dự án phát triển nhà ở sắp hoàn thiện và sẽ được bàn giao, đưa vào sử dụng trước ngày 1-1-2012 theo nội dung hợp đồng trong hoạt động xây dựng giữa chủ đầu tư và nhà thầu, hợp đồng mua bán tài sản, hợp đồng mua bán nhà ở, hợp đồng thuê tài sản.

Công văn này đã chấm dứt những tranh cãi gay gắt về việc phân loại thế nào là tín dụng BĐS phi sản xuất, thế nào sản xuất. Động thái mở van tín dụng của NHNN như một cơn giải khát trong những tháng hè ngột ngạt của thị trường BĐS, song đa số chuyên gia cho rằng tác động của nó đến thị trường là không nhiều. Nhưng dù sao đó cũng là nỗ lực lớn từ phía các cơ quan quản lý vĩ mô: “Các doanh nghiệp đã nhìn thấy ánh sáng le lói cuối đường hầm và đang hy vọng ngân hàng sẽ hé mở cánh cửa. Còn việc công văn này tác động như thế nào đến thị trường BĐS lại là một câu chuyện rất khó khăn. Nó phụ thuộc vào cả việc đối tượng có đáp ứng được cuộc chơi do ngân hàng đưa ra không, ngược lại ngân hàng có đủ tiền để thực hiện đúng nội dung mà công văn đưa ra hay không. Chúng ta phải nhìn lại sức khỏe của ngân hàng, vì sao lãi suất lại phải đẩy lên cao như vậy, đó chính là chỉ số sức khỏe của ngân hàng. Trong khi đó, các dự án BĐS ngốn rất nhiều tiền của ngân hàng, vì vậy dù chỉ hé mở cánh cửa thôi đã là nỗ lực lớn của Chính phủ, còn nếu mở toang cánh cửa thì mọi nỗ lực kiềm chế lạm phát của Chính phủ, các bộ ngành sẽ đổ xuống sông xuống bể” – ông Nguyễn Hữu Cường phân tích.

Theo các chuyên gia thì chúng ta phải chờ đợi ít nhất giữa năm 2012 mới có thể đánh giá được tác động của nó đến thị trường, và công văn này cũng cần lộ trình ít nhất như vậy để phát huy hiệu quả. Đó sẽ là thời điểm mà những doanh nghiệp và ngân hàng đã vượt qua thử thách  năm 2011 sẽ tiếp tục phải đối diện với nguy cơ đáo nợ, thu hồi nợ và lãi vay vào cuối tháng 6-2012.

Có giải cứu được thị trường BĐS?

Quý IV năm 2011 có thể là giai đoạn khắc nghiệt nhất đối với giới đầu tư và đầu cơ BĐS. Sau gần một năm chờ đợi, xoay xở thì đến thời điểm này đã xuất hiện những doanh nghiệp, thậm chí là đại gia phải rời khỏi vũ đài vì không còn đủ sức cầm cự với khối nợ vay khổng lồ và lãi suất cao chót vót của ngân hàng. Hàng loạt đại gia BĐS đã phải “chết trên đống tài sản khổng lồ” với những vụ vỡ nợ tín dụng đen làm nhiều người giật mình hoảng hốt. Khối nợ lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng của các doanh nghiệp BĐS đang bị chôn chặt ở những dự án căn hộ trung - cao cấp và một số dự án đất nền đã biến các ngân hàng và cả nền kinh tế thành “con tin” của thị trường BĐS. Các ngân hàng thương mại chắc chắn không khỏi liên lụy, còn Ngân hàng Nhà nước thì lại không thể quay lưng với các ngân hàng thương mại - quả là một bài toán quá khó nhưng cần có lời giải. Và Công văn 8844 của Ngân hàng Nhà nước có lẽ là một tín hiệu đầu tiên có thể khiến người ta lạc quan một chút về nguồn tín dụng cho BĐS trong năm tới.

Trưởng ban Nghiên cứu chính sách đầu tư (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương – Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Trần Kim Chung cho rằng thị trường bất động sản trong năm 2012 sẽ diễn biến theo chiều hướng khả quan hơn. Bởi một số nguyên nhân sau: Thứ nhất, xu thế những chu kỳ kinh tế và chu kỳ thị trường BĐS những năm qua cho thấy, sau 3-4 năm điều chỉnh suy giảm, thị trường đã tự tích lũy một số thế năng để có thể bước vào một chu kỳ tăng trưởng mới. Thứ hai, tình hình kinh tế xã hội năm 2012 sẽ dần ổn định, vì thế thị trường BĐS sẽ có những cơ hội phát triển mới. Và thứ ba, một nhóm chính sách mới có tác động thúc đẩy, khơi thông thị trường BĐS sẽ phát huy tác dụng.

Và ở thời điểm này, giới BĐS đang thấp thỏm chờ đợi những chính sách khơi thông, giải cứu thị trường. Mới đây, Bộ Xây dựng cũng đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ 3 nhóm giải pháp chính, trong đó giải pháp lớn nhất là kiểm soát hiệu quả dòng vốn đầu tư vào thị trường để chống đầu cơ, nhưng cũng tránh gây sốc, làm đóng băng thị trường. Một số khoản mục sẽ phải giảm tỷ trọng cho vay như: Vay xây dựng khu đô thị; vay xây dựng văn phòng cho thuê; vay xây dựng để chuyển nhượng TTTM, chợ, cửa hàng; vay xây dựng, sửa chữa, mua nhà để bán; vay mua quyền sử dụng đất hoặc bồi thường GPMB. Ngược lại, một số khoản sẽ tăng tỷ trọng cho vay như: Vay xây dựng hạ tầng (nhà, xưởng) phục vụ sản xuất, kinh doanh; vay mua nhà để ở; vay để hoàn thiện các dự án đã gần hoàn thành để tăng tính thanh khoản cho sản phẩm, bán và thu hồi vốn đầu tư. Nếu có sự điều chỉnh chính sách tín dụng linh hoạt, lãi suất ngân hàng ổn định, dòng tiền được hướng vào các phân khúc có tính thanh khoản cao, tạo được niềm tin vào thị trường của những người có nhu cầu thì thị trường sẽ sớm phục hồi.

Về phía ngân hàng, ngày 21-11 vừa rồi, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã chính thức ra thông điệp về Chính sách tiền tệ năm 2012, trong đó khẳng định sẽ có chính sách tín dụng cho BĐS. “Trong nền kinh tế của một nước đang phát triển như Việt Nam thì thị trường kinh doanh BDDS cũng là động lực cho việc phát triển kinh tế xã hội, nhưng nếu không có biện pháp kiểm soát chặt chẽ thì từ tích cực có thể chuyển sang tiêu cực làm cho thị trường này phát triển quá mức, tạo ra những “bong bóng” gây rủi ro cho xã hội. Nếu thị trường BđS  đóng băng thì cũng có hệ lụy cho nền kinh tế nói chung. Do vậy, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước sẽ có cách nhìn thực tế để không làm cho bong bóng BDDS tăng lên nhưng đồng thời khơi dậy hoạt động thị trường ở mức độ hợp lý”.

Sự vào cuộc của các cơ quan quản lý ở thời điểm này với những động thái trên chưa thể khẳng định sẽ vực dậy thị trường BĐS trong thời gian tới. Song chúng ta có thể hy vọng bức tranh bất động sản sẽ có những gam màu sáng. 


Xem tiếp...

23 thg 11, 2011

Doanh nghiệp bất động sản phải chấp nhận hy sinh

Nhiều doanh nghiệp cho rằng động thái nới tín dụng bất động sản mới đây của Ngân hàng Nhà nước chỉ như "món quà tinh thần".

Theo TS. Cao Sỹ Kiêm, bất động sản không còn cách nào khác là phải trở về giá trị thực.

Xung quanh vấn đề này, VnEconomy đã trao đổi với TS. Cao Sỹ Kiêm, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Ông nhìn nhận thế nào về văn bản của Ngân hàng Nhà nước vừa qua về chủ trương nới tín dụng cho 4 nhóm bất động sản?

Đó là quyết định rất cần thiết trong bối cảnh thị trường hiện nay, đồng thời cũng là hoạt động bình thường trong nghiệp vụ cho vay của ngân hàng. Tất nhiên, với khá nhiều điều kiện ràng buộc như vậy thì việc “thả” ra như thế thì cũng chỉ góp phần tạo điều kiện cho một bộ phận người dân có nhu cầu cấp thiết trong mua bán, sửa chữa nhà cửa.

Còn nói để giải quyết, khơi thông cho thị trường bất động sản thì chính sách đó cũng không có nhiều tác dụng vì số lượng rất thấp, đối tượng lại khá hẹp.

Với khá nhiều điều kiện ràng buộc như vậy, có những ý kiến cho rằng, đó là động thái nới “nửa vời” của Ngân hàng Nhà nước?

Tôi cho rằng không phải là nới nửa vời đâu, vì Ngân hàng Nhà nước sợ lượng tiền tung ra lớn cũng khó kiểm soát, tạo áp lực lên lạm phát. Bên cạnh đó, thanh khoản của ngân hàng thực tế hiện nay cũng rất khó khăn, sức chỉ đến thế thôi.

Nhưng cũng không loại trừ việc Ngân hàng Nhà nước “bật đèn xanh” cho các ngân hàng thương mại hợp thức hóa dư nợ phi sản xuất về mốc 16% vào cuối năm?

Có những doanh nghiệp bất động sản cho rằng, nếu họ “sắp chết” mà không cứu thì sẽ ảnh hưởng đến cả nền kinh tế?

Đó cũng là một vấn đề, nhưng muốn giải quyết cho mỗi ngân hàng hay doanh nghiệp thì không được. Chính sách cũng phải hướng đến người dân, phải hài hòa các lợi ích chung.

Bất động sản không còn cách nào khác là phải trở về giá trị thực. Thị trường hiện gần như đang bong bóng, nếu mình bơm thêm vốn thì chắc chắn sẽ bục ngay.

Các doanh nghiệp bất động sản phải chấp nhận thôi, vì nếu bơm thêm vốn sẽ lôi kéo cả thị trường theo một ảo tưởng mới. Chủ doanh nghiệp bất động sản từng là những người giàu nhất nước, là những doanh nghiệp siêu lợi nhuận, lại được ngân hàng ưu ái, nên giờ giảm giá thì cũng chỉ là chia sẻ lợi nhuận mà thôi.

Giá đang lơ lửng ở trên cao mà phải bắt người dân theo anh thì không thể chấp nhận được.

Tuy nhiên, những doanh nghiệp nào làm ăn đứng đắn thì có thể xem xét. Còn lại, phải chấp nhận "hy sinh". Quan điểm của chúng tôi là phải để cho thị trường này “xì hơi’ dần dần thì mới mong cứu vãn được, và người mua nhà cũng được lợi.

Có ý kiến cho rằng, các ngân hàng và doanh nghiệp bất động sản cũng không quá khó để “lách” điều kiện về thời gian trong quy định, thông qua việc sửa lại thời gian ký hợp đồng?

Tôi cho là có chuyện đó đấy, vì 30% vốn của thị trường bất động sản là do ngân hàng bơm nên chắc chắn sẽ có sự kết hợp để lách. Tuy nhiên, dù là lách kiểu gì thì các khoản nợ này là rất khó thu, nên dù cố kiểu gì thì cũng như kéo dài thời gian trọng bệnh mà thôi.

Trong các cuộc họp của Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia, vấn đề bơm vốn cho bất động sản có được bàn thảo, thưa ông?

Chúng tôi cho rằng, nếu bơm tiếp thì sẽ "giết" nền kinh tế. Do đó, chúng tôi kiến nghị rằng, tín dụng cho lĩnh vực này phải theo hướng cho thị trường "xì hơi" dần.

Ông nhìn nhận thế nào về triển vọng thị trường bất động sản trong năm tới?

Năm 2012 sẽ tiếp tục khó khăn đấy, không chỉ với riêng thị trường bất động sản. Việc cấu trúc lại nền kinh tế chắc chắn sẽ khiến cho tình hình khó khăn thêm. Nếu chúng ta cấu trúc lại thì chắc chắn sẽ lòi các khuyết điểm ra.

Hơn nữa, khâu quản lý của chúng ta trong thời gian qua đã quá yếu kém nên mới có hệ quả đó. Vinashin là một ví dụ. Bên cạnh đó, tư duy thị trường của chúng ta cũng quá yếu kém.

Về giá bất động sản trong năm tới, tôi cho rằng thị trường đóng băng thế thôi, nhưng giá cũng không biến động nhiều đâu. Tăng hay giảm không sẽ không đáng kể. Chỉ trừ giá nhà thu nhập thấp là có thể sẽ tăng, nhưng nguồn cung cũng rất hạn hữu vì vốn cả doanh nghiệp lẫn ngân hàng đều khó. Nếu có nhu cầu thì tôi cũng không mua nhà ngay đâu, chờ vài ba năm nữa.


Xem tiếp...

10 thg 11, 2011

Những nhà đầu tư bất động sản… ngược dòng

Chịu áp lực không nhỏ từ sự suy thoái của thị trường song một số dự án bất động sản quy mô lớn vẫn được triển khai thực hiện theo đúng tiến độ, cho thấy tiềm năng tài chính cũng như thái độ nghiêm túc của nhà đầu tư.

Cuối tuần qua, Công ty TNHH Gamuda Land Việt Nam đã có thông báo về tình hình triển khai dự án, trong đó nhấn mạnh đến một nội dung quan trọng là “công tác triển khai xây dựng dự án Gamuda City tại quận Hoàng Mai, Hà Nội đang được tiến hành theo đúng tiến độ”.

Công ty này cũng cho hay, dự án khu đô thị Gamuda Gardens - một dự án thành phần quan trọng của Gamuda City - cũng đã được UBND thành phố Hà Nội cấp giấy chứng nhận đầu tư. Cùng với Gamuda Lakes, Gamuda Gardens là hai dự án đô thị quan trọng nhất của Gamuda City, bên cạnh hai dự án trung tâm thương mại là Gamuda Central và Gamuda Plaza.

Ông Cheong Ho Kuan, Tổng giám đốc Gamuda Land Việt Nam cho biết đến cuối năm 2011, Gamuda Gardens sẽ chính thức khai trương và chương trình mở bán bất động sản của Gamuda City sẽ bắt đầu giao dịch duy nhất tại sàn bất động sản Gamuda Land Việt Nam.

Tại đây, chủ đầu tư sẽ xây dựng hơn 2.000 đơn vị nhà ở, bao gồm biệt thự đơn lập, biệt thự song lập, nhà liền kề, và căn hộ chung cư. Hiện tại, phòng trưng bày Gamuda City đã được xây dựng hoàn thiện trong khuôn viên dự án Gamuda City để chuẩn bị đón khách tham quan dự án.

Khi Hà Nội cấp phép dự án này vào năm 2008, không ít dị nghị rằng phải chăng Gamuda đã được ưu đãi quá mức khi được giao một dự án lớn ở một vị trí tốt như vậy?

Ít người hiểu rằng điểm khác biệt của nhà đầu tư này là thay vì triển khai nhanh chóng và bán hàng để sớm thu hồi vốn, họ lặng lẽ hoàn thiện hạ tầng và triển khai xây dựng các dự án khác nhằm cải thiện môi trường khu vực. Tiêu biểu nhất trong số này là dự án nhà máy xử lý nước thải Yên Sở, thực hiện theo hình thức xây dựng - chuyển giao, và được xem như là một trong những điều kiện ban đầu để Gamuda City được cấp phép.

Cho đến nay, Gamuda đã và đang đầu tư gần 400 triệu USD vào dự án có công suất tới 200.000 m3/ngày này để làm sạch các hồ hiện tại. Nhà máy này hiện đã hoàn thành được 95% và dự kiến sẽ chính thức đưa vào hoạt động vào đầu năm 2012.

Hàng chục triệu USD khác cũng đã được nhà đầu tư bỏ ra để hoàn thiện hạ tầng dự án, điều mà trong con mắt của các nhà đầu tư nội địa, điều đó có thể là… “dở hơi”. Với bấy nhiêu vốn liếng dưới dạng tiền mặt, các nhà đầu tư nội địa sẵn sàng làm những dự án khác sinh lợi nhanh hơn nhiều.

Ở phía Bắc, cũng được tính vào hàng “đại dự án”, dự án khu đô thị Tây Hồ Tây không được thuận lợi lắm trong việc triển khai mà nguyên nhân chính là vấn đề giải phóng mặt bằng. So với Gamuda City, dự án này ở vào vị thế đẹp hơn và có lẽ vì thế mà việc giải phóng mặt bằng cũng “khoai” hơn, nhất là trong bối cảnh các dự án khác xung quanh đã đạt được nhiều thành công quan trọng trên phương diện kinh doanh.

Thông tin mới nhất cho đến nay là nhà đầu tư này đã tiến hành trả tiền bồi thường đợt 9 cho 67 hộ dân tại xã Cổ Nhuế (huyện Từ Liêm) có đất thu hồi trong phạm vi dự án. 6 năm sau ngày nhận giấy phép, và sau 9 lần chi trả, chủ đầu tư mới hoàn tất hỗ trợ, bồi thường cho 989 hộ với tổng kinh phí là 1.167 tỷ đồng. Tuy nhiên, tổng diện tích đã bồi thường mới chỉ là 84,4 ha, đạt 72% diện tích giai đoạn 1 của dự án.

Bỏ ra bấy nhiêu thời gian và chi phí tới bấy nhiêu tiền, nhưng cho đến nay, chủ đầu tư vẫn chưa thể xác định cụ thể thời điểm khởi công dự án mà chỉ cam kết chung chung là “sẽ tiếp tục phối hợp với các bên liên quan thúc đẩy tiến độ giải phóng mặt bằng nhằm khởi công dự án trong thời gian sớm nhất có thể”.

Câu chuyện của dự án Tây Hồ Tây có thể coi là ví dụ điển hình cho việc kéo dài tiến độ, một điều mà các nhà đầu tư trong nước thường rất “ớn”. Tuy nhiên, điều đó cũng cho thấy tiềm năng thực sự và cái nhìn dài hạn của chủ đầu tư; họ sẵn sàng chi tiền chi dù chưa nhìn thấy khả năng thu hồi vốn chắc chắn từ việc bán hàng.

Điều này, về căn bản, khác với nhiều nhà đầu tư trong nước. Các dự án trong nước sau khi được cấp phép sẽ phải nhanh chóng triển khai với mục tiêu nhanh chóng đưa “hàng” ra thị trường, nhằm quay vòng nhanh dòng vốn ít ỏi của mình. Sự “liêu xiêu” của nhiều chủ đầu tư trong giai đoạn trầm lắng của thị trường hiện nay là minh chứng rõ nhất cho điều này.

Theo các chuyên gia về bất động sản, đây chính là giai đoạn thử thách đối với các nhà đầu tư. Bán hàng khó là chuyện bình thường, nhưng bán khó mà vẫn có vốn để triển khai dự án đúng tiến độ thì quả là “xứng danh anh hùng”.

Trong bối cảnh đó, trường hợp của Vingroup (tên mới của hai doanh nghiệp Vinpearl và Vincom sau khi sáp nhập) có thể coi là một ngoại lệ. Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Sài Đồng, đơn vị thành viên của Vingroup mới đây đã tiến hành bàn giao 50 biệt thự đầu tiên trong dự án khu đô thị sinh thái Vincom Village.

Sự kiện này được ví von như là một vệt sáng trong bức tranh màu xám của thị trường. Nó cũng cho thấy những cam kết của Vingroup về tiến độ xây dựng đã được đảm bảo.

Hiện tại, toàn bộ các hạng mục của dự án được triển khai đồng bộ bởi hơn 20.000 công nhân của các nhà thầu đang ngày đêm làm việc trên công trường. Bên cạnh đó, hàng trăm cán bộ và chuyên gia kỹ thuật cũng thường xuyên túc trực và có mặt để kiểm tra giám sát tiến độ và chất lượng thi công.

Hồi đầu năm nay, khi công bố dự án này, một lãnh đạo Vingroup đã nói rằng để đẩy nhanh tiến độ dự án, nhà đầu tư có thể dùng tới 10 nhà thầu chỉ để hoàn tất 1 km đường.

Tình huống đó có lẽ đã không xảy ra, nhưng với tiến độ thi công như hiện nay, dự kiến đầu năm 2012 sẽ có 300 gia đình chính thức trở thành những cư dân đầu tiên của khu đô thị Vincom Village, cho thấy câu chuyện tiến độ đã được chủ đầu tư đặc biệt chú trọng.

Những câu chuyện này rất đáng để các lãnh đạo của Hà Nội xem xét trong quá trình cấp phép các dự án sau này. Tiềm năng của nhà đầu tư phải được xem là yếu tố quan trọng nhất trong việc tiến hành phê duyệt dự án, thay vì cảnh “trăm hoa đua nở” như lâu nay.

Hàng trăm dự án khu đô thị lớn nhỏ các loại đã được phê duyệt trong vòng vài năm qua, nhưng cho đến nay, phần lớn đều triển khai nhỏ giọt. Mục tiêu cao nhất của quản lý nhà nước trong vấn đề phát triển đô thị chính là phân bổ hợp lý tài nguyên đất đai cho các nhà đầu tư thực sự có khả năng, để từ đó thúc đẩy hạ tầng đô thị phát triển, cung cấp được nhiều hàng hóa cho thị trường.

Hơn bao giờ hết, việc lựa chọn nhà đầu tư đang trở nên đặc biệt quan trọng, nhất là trong bối cảnh thị trường trầm lắng hiện nay.


Xem tiếp...

19 thg 10, 2011

Bất động sản: Manh nha những cuộc siêu giảm giá

Cuối năm thường là thời điểm sôi động của thị trường bất động sản, tuy nhiên, viễn cảnh năm 2011 rất khó khăn đang buộc các chủ đầu tư dự án tung chiêu giảm giá để kích cầu.
Giảm giá trực tiếp


Nếu như trước kia, các chương trình khuyến mại còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố may rủi như quay số trúng thưởng, bốc thăm trúng thưởng, thì nay các chủ đầu tư đã tập trung vào việc trực tiếp giảm giá cho khách hàng. Đơn cử, tại Hà Nội, CEO bán 10 ô đất biệt thự Dự án Sunny City với chương trình khuyến mại tặng luôn cho khách hàng mua mỗi lô đất một xe Toyota Altis, đồng nghĩa với giảm giá khoảng 800 triệu đồng/lô. Công ty Lâm Viên thông báo bán 30 căn hộ, trong đó có 3 căn giá 3 tỷ đồng. Theo nhân viên phòng kinh doanh của Công ty Minh Vĩnh Khang, đơn vị phân phối cho dự án, với giá bán như vậy, mỗi căn hộ đã được chiết khấu từ 900 - 1,2 tỷ đồng/căn. Với những căn hộ khác tại dự án này, mức giảm phổ biến 50 - 100 triệu đồng/căn.

Tại TP. HCM, mới đây, CTCP Vạn Phát Hưng triển khai chương trình cam kết lợi nhuận 15% cho khách hàng mua căn hộ thuộc khu phức hợp La Casa, phường Phú Nhuận, quận 7. Cụ thể, khi khách hàng mua căn hộ trong thời gian 24 tháng và thanh toán 60% tổng giá trị căn hộ, nếu không có nhu cầu mua nữa thì chủ đầu tư sẽ hoàn trả lại toàn bộ số tiền đã thanh toán, kèm theo khoản lợi nhuận đã cam kết 15%. Báo cáo quý III của Savills ghi nhận, thị trường căn hộ cao cấp tại TP. HCM có mức giảm giá tới 27%.

Ông Nguyễn Đỗ Việt, Phó tổng giám đốc CTCP Sông Đà Thăng Long cho biết, quả thực tình hình đang ngày một khó khăn hơn, tiền đổ vào bất động sản giảm mạnh. Chương trình khuyến mại, đóng trước hạn tiền mua căn hộ UsilkCity được tặng diện tích trung tâm thương mại mà Công ty triển khai vào đầu quý II đã giúp thu được 700 tỷ đồng. Ông Việt nhận xét, tung chương trình ra thời điểm này thì khó có thể thu được thành công như trước.

Khó trông chờ “phao” ngân hàng

Theo phản ánh của các ngân hàng, cho vay kinh doanh bất động sản vẫn chịu lãi suất tối thiểu 19%/năm đối với ngắn hạn và 19,5%/năm đối với trung và dài hạn. Diễn biến phức tạp của tình hình lạm phát trong năm 2011 cùng với hiệu ứng của chính sách tiền tệ thắt chặt tiếp tục được Ngân hàng Nhà nước duy trì và dự báo chưa thể sớm nới lỏng trong 3 tháng cuối năm. Mục tiêu giảm tỷ trọng cho vay phi sản xuất trong tổng dư nợ xuống tối đa 16% vào 31/12/2011 đang gây khó khăn trực tiếp về nguồn vốn đối với các DN bất động sản. Các dự án bất động sản thiết yếu như nhà ở cho người thu nhập thấp, đầu tư hạ tầng công nghiệp cũng chịu áp lực nguồn vốn tương tự như các dự án bất động sản khác.

Theo số liệu mới nhất mà thị trường cập nhật được liên quan đến tín dụng bất động sản từ Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP. HCM: đến ngày 31/8, dư nợ cho vay phi sản xuất của hệ thống NHTM trên địa bàn Thành phố là 128.000 tỷ đồng, chiếm 17% tổng dư nợ; trong đó dư nợ bất động sản khoảng 89.530 tỷ đồng, chiếm 11,96% tổng dư nợ so với con số 14% vào cuối năm 2010. Điều này cho thấy lộ trình giảm dư nợ phi sản xuất đang được các NHTM đẩy mạnh. Ngay ở những ngân hàng còn “room” tín dụng phi sản xuất cũng rất hạn chế tung vốn cho các dự án bất động sản.

Triển vọng của thị trường bất động sản nằm ở nguồn tiền ngoài hệ thống ngân hàng. Theo tính toán của Savills, số tiền ngủ yên trong dân này tương đương từ 20 - 40 tỷ USD. Tuy vậy, chỉ khi nào yếu tố tâm lý của NĐT được củng cố, khi thị trường cho thấy cơ hội kiếm lời với đầu tư bất động sản trở nên rõ ràng hơn thì dòng tiền mới này tìm đến.


Xem tiếp...

13 thg 10, 2011

Thị trường bất động sản vẫn chờ tín hiệu

Hoạt động thanh toán ở các sàn giao dịch đến cuối tháng 9 vẫn rất chậm, thời gian tới, thị trường vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn là nhận định được đưa ra tại tọa đàm “Thị trường bất động sản: Khó khăn và cơ hội”, vừa diễn ra cuối tuần qua.


Theo TS. Trần Kim Chung, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, trong 9 tháng qua, thị trường bất động sản có một số biểu hiện chính: một số phân mảng thị trường, một số địa bàn, một số chủ thể có hoạt động nhưng nhìn chung, thị trường đang chờ đợi cơ hội. Một số nguồn vốn vận hành vào thị trường, một số nguồn vốn lại rút ra khỏi thị trường nhưng không được như mong đợi.

Vì thế, khó đánh giá xu hướng chuyển động của thị trường này trong 3 tháng cuối năm 2011. Năm 2012 cũng không có sự kỳ vọng lớn.

Tuy nhiên, tình hình có thể sẽ theo chiều hướng khả quan hơn vì một số nguyên nhân. Thứ nhất, xu thế những chu kỳ kinh tế và chu kỳ của thị trường bất động sản những năm qua cho thấy sau 3-4 năm điều chỉnh, suy giảm, thị trường đã tự tích luỹ được một số thế năng để có thể bước vào một chu kỳ tăng trưởng mới. Thứ hai, tình hình kinh tế, xã hội năm 2012 sẽ dần đi vào ổn định, phát triển. Vì vậy, thị trường bất động sản sẽ có cơ hội phát triển mới. Thứ ba, một số nhóm chính sách mới trong năm 2011 và 2012 có tác động thúc đẩy, khơi thông thị trường bất động sản sẽ phát huy tác dụng.

Trong trung hạn, về cơ bản, thị trường sẽ có xu hướng tốt hơn. Trong ngắn hạn, thị trường này vẫn chưa thoát khỏi khó khăn mặc dù đã đón nhận nhiều tín hiệu tích cực. Việc bất động sản được đưa ra khỏi danh mục phi sản xuất là tín hiệu khả quan cho luồng tiền vận hành vào thị trường. Việc lãi suất cho vay giảm cũng là tín hiệu tích cực hay một số nguồn vốn đã có dấu hiệu quay lại thị trường cũng là tín hiệu tốt. Nhưng tín hiệu này chưa đủ để tạo ra được một dòng tiền đủ mạnh cho thị trường bất động sản có thể có những biến động lớn.

Bên cạnh đó, việc kiến nghị cho phép xây căn hộ nhỏ để tạo ra bất động sản giá thấp, có tính thanh khoản cao là tín hiệu tốt cho thị trường vì trên thực tế nhu cầu có khả năng thanh toán cho nhóm sản phẩm chất lượng trung bình với giá trị giao dịch thấp vẫn có thực. Song việc triển khai trong thực tiễn, nhất là trên diện rộng cần phải có thời gian và nhất là phải có kiểm nghiệm trong thực tiễn.

Từ tháng 8 đến Tết Nguyên đán là khoảng thời gian thị trường bất động sản được thanh toán nhiều nhất, sôi động nhất. Năm 2011 cũng không phải ngoại tệ. Tuy nhiên, đã hết tháng 8, tình hình mới chỉ dừng lại ở việc mua sản phẩm được bán ra từ chủ đầu tư, chưa lan sang các sản phẩm được giao dịch trên thị trường.

Hiện tại, dẫu có một vài động thái về luồng tiền, về giao dịch có thuận lợi cho thị trường nhưng không đúng như chờ đợi mà đáng ra phải có vào thời điểm này. Ngoài ra, việc hình thành và ra đời các công cụ tài chính cho thị trường bất động sản đã manh nha nhưng vì nhiều lý do, vẫn chưa đi vào hoạt động nên chưa có tác động đến thị trường bất động sản.

Trước đó, với mục đích khắc phục những khó khăn về vốn trong lĩnh vực phát triển nhà ở, Bộ Xây dựng đã đề xuất Chính phủ cho phép lập quỹ tín thác bất động sản. Đây là một trong những nội dung quan trọng trong dự thảo chiến lược phát triển nhà ở đến năm 2020, tầm nhìn 2050.

Quỹ tín thác bất động sản sẽ hoạt động dưới hình thức huy động vốn nhàn rỗi của người dân, nhà đầu tư nhỏ lẻ thông qua phát hành chứng chỉ quỹ và đầu tư vào lĩnh vực nhà ở. Đây được coi là “phao cứu sinh” cho thị trường bất động sản đang vô cùng khó khăn về nguồn vốn. Theo ông Nguyễn Văn Hoàng, Tổng giám đốc Công ty Rreit Management, quỹ tín thác bất động sản có nhiều ưu điểm, đã được triển khai ở nhiều nước phát triển trên thế giới và trong khu vực như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc...

Các thành viên Mạng các sàn giao dịch miền Bắc cũng hy vọng Nhà nước sẽ sớm đưa ra một khung pháp lý đầy đủ để hạn chế những rủi ro mà quỹ tín thác bất động sản có thể mang lại.

“Nếu có cơ chế tốt, chính sách tốt dành cho bất động sản, lập được nguồn vốn lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng từ quỹ tín thác bất động sản thì hoàn toàn có thể giải cứu bất động sản. Như vậy, bất động sản có thể tự quyết định được đường đi, nước bước của mình mà không sợ bất kỳ sự thay đổi về chính sách hay nguồn tiền cũng như các chuyển biến lớn của thị trường”, TS. Trần Kim Chung khẳng định.


Xem tiếp...

6 thg 10, 2011

Thị trường bất động sản: Sắp qua thời nằm im thở khẽ ?

Những thay đổi tích cực như giảm lãi suất cho vay tại các hệ thống ngân hàng hay chỉ số giá tiêu dùng những tháng vừa qua có xu hướng giảm... là dấu hiệu hạ nhiệt của lạm phát.
Theo nhận định của các chuyên gia trong ngành, điều này đồng nghĩa với việc thị trường bất động sản sẽ hồi phục trở lại, chậm nhất cũng chỉ đầu năm 2012.

Giao dịch bắt đầu "ấm” dần

Khảo sát một số điểm trên địa bàn Hà Nội cho thấy, chừng một tháng trở lại đây, nhiều dự án bất động sản, căn hộ chung cư sau một thời gian dài "ngắc ngoải” nay bỗng "ấm” trở lại. Chị Lê Thị Bình - một chủ đầu tư bất động sản cho biết, chị có một căn hộ 80m2 ở khu chung cư N4 (Trung Hòa, Nhân Chính) sau nhiều tháng ròng rao bán với giá 33 triệu đồng/m2 chẳng ai hỏi thăm, nay chị nhận được liên tiếp những lời đề nghị "nóng sốt” sẵn sàng mua căn hộ của chị với giá 37 triệu đồng/m2. Anh Nguyễn Minh Tuấn, ở phố Giảng Võ, Hà Nội, sau một thời gian dài "nằm im thở khẽ” vì lo thị trường bất động sản đóng băng không thể hồi phục lại, nay đã có thể thở phào nhẹ nhõm khi cho biết, căn hộ anh định bán ở khu tập thể Giảng Võ gần đây có khá nhiều người tới hỏi thăm, trong khi trước đó, anh lo sốt vó vì rao giá trên mạng mấy tháng trời không có ai đoái hoài.

Cùng với đó, một loạt các "đại gia” bất động sản cũng bắt đầu le lói tín hiệu trở lại với thị trường này. Savills Việt Nam cho biết, Công ty vừa chính thức được bổ nhiệm làm Đại lý Tư vấn tiếp thị và Đại diện Bán độc quyền cho dự án Hòa Bình Green City do Công ty Cổ phần nông sản Agrexim và Công ty TNHH Hòa Bình làm chủ đầu tư. Savills cho biết, Công ty sẽ đưa ra thị trường dự án nói trên ngay trong tháng 10 này. Tương tự, Công ty TNHH Phát triển Công nghệ (CFTD) cũng vừa công bố sẽ chào bán chính thức căn hộ dự án Star Tower ngay ngày 7-10 tới đây.

Không chỉ có vậy, thị trường này còn đón nhận sự thăm viếng của một số tập đoàn, quỹ đầu tư lớn của Mỹ và châu Á khi họ vừa sang Việt Nam để tìm kiếm cơ hội đầu tư vào một số lĩnh vực, trong đó có bất động sản. Những động thái mới mẻ trên của thị trường bất động sản cho thấy thị trường này đang "ấm” dần lên, giao dịch bắt đầu tăng trở lại, đặc biệt là các phân khúc bình dân. Theo một chuyên gia, những giao dịch hầu như tập trung vào những người có nhu cầu nhà ở thực sự, còn phân khúc biệt thự, dòng vốn đầu tư vào các phân khúc cao cấp chiếm tỷ lệ thấp.



Với đà tăng dân số như hiện nay, quỹ đất cứ hẹp dần
 thì nhu cầu nhà ở của người dân chưa bao giờ "giảm nhiệt”

Kỳ vọng cởi bỏ nút thắt của chính sách

Như vậy, đúng như dự báo của các chuyên gia, thị trường bất động sản sẽ không thể đóng băng mãi. Bởi trên thực tế, với đà tăng dân số như hiện nay, quỹ đất cứ hẹp dần thì nhu cầu nhà ở của người dân chưa bao giờ "giảm nhiệt”. Nói như Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam; "Nhu cầu và nguyện vọng có nhà ở phù hợp của người dân là rất lớn. Bất động sản vẫn luôn là một thị trường thu hút sự quan tâm đầu tư hàng đầu của các nhà đầu tư trong và ngoài nước”.

Tất nhiên, "tảng băng lớn” trên thị trường này đang tan dần không thể không nhắc đến những tín hiệu khả quan từ việc nới lỏng chính sách trên thị trường tiền tệ, cụ thể là lãi suất cho vay đã dần hạ nhiệt kể từ đầu tháng 9 vừa qua. TS. Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đánh giá: "Cùng với việc lãi suất hạ nhiệt, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) những tháng vừa qua cũng có xu hướng giảm. Đây là 2 yếu tố cho thấy có hy vọng lạm phát giảm. Nếu lạm phát được đẩy lùi, từ đầu năm 2012, thị trường địa ốc sẽ dần hồi phục”.

Tuy nhiên, để thị trường này thực sự hồi phục, phần lớn các chuyên gia trong ngành cho rằng, Chính phủ không nên siết quá chặt lĩnh vực này như thời gian vừa qua, sự thắt nút ấy vô hình trung đã khiến các lĩnh vực khác cũng bị "bóp nghẹt” như vật liệu xây dựng, nội thất, giải quyết công ăn việc làm cho khá nhiều lao động nông nhàn... Bởi vậy, dù đồng tình với việc siết chặt tín dụng phi sản xuất của Chính phủ, song chuyên gia tài chính – ngân hàng Nguyễn Chí Hiếu vẫn đề xuất, cần phải có sự bình đẳng, khách quan khi xem xét tín dụng bất động sản. Tỷ trọng cho vay không thay đổi nhưng trong đó các danh mục và phân khúc của bất động sản như nhà thu nhập thấp, nhà ở cán bộ, tái định cư, khu công nghiệp cần phải được tiếp tục cho vay vì đây là những lĩnh vực gắn liền với an sinh, xã hội hiện nay.

Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Cao Sỹ Kiêm cũng ủng hộ mở tín dụng đối với dự án nhà thu nhập thấp, bởi theo ông: "Không thể cào bằng các dự án nhà cho người thu nhập thấp với chứng khoán hay dự án bất động sản khác. Tuy nhiên, cũng cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ, rõ ràng và công khai để dân kiểm soát vì nếu "mở” quá thì chắc chắn tác động không tốt tới lạm phát”.

Theo
Đại Đoàn Kết

Xem tiếp...

3 thg 10, 2011

Thị trường đất nền Hà Nội nóng trở lại

Thị trường bất động sản Hà Nội luôn khó lý giải, nhiều đợt sốt nóng không rõ lý do đã xảy ra. Lần này cũng vậy với phân khúc đất nền ở khá nhiều khu vực.

Trên thị trường bất động sản Hà Nội, những nhà đầu tư mạnh dạn bắt đáy đất nền từ cách đây 3 tuần đang mỉm cười sung sướng, bởi giá mỗi m2 đất tại nhiều dự án đã tăng cả chục triệu đồng. Khẩu vị của dân đầu tư bất động sản Hà Nội vẫn tập trung ở đất nền bởi niềm tin mãnh liệt rằng: mặt hàng nào càng khan hiếm càng trở nên đắt đỏ.

Trong vai một người có nhu cầu đầu tư thửa đất khoảng 6 - 7 tỷ đồng, tôi tìm đến 3 - 4 văn phòng môi giới bất động sản, lời khuyên của hầu hết các sàn đều nhắm vào một địa chỉ: dự án Vân Canh của HUD. Tuy vậy, giá cả đã tăng đáng kể so với vài tuần trước, nếu như đầu tháng 9, mỗi ô đất 100 m2 tại đây có giá khoảng 40 triệu đồng/m2 thì nay đã tăng lên 52 triệu đồng/m2. Trong khi đó, giá gốc trên mỗi hợp đồng chuyển nhượng chỉ có 28,5 - 31,5 triệu đồng/m2. Các công ty thành viên của HUD đều cho biết, đã hoàn tất bán hàng các ô liền kề, biệt thự, nhưng thực tế khách hàng vẫn có thể được vào tên chính chủ với công ty. Môi giới bất động sản cho hay, tiếng là các DN đã bán hết hàng, nhưng DN nào cũng có những khách hàng có mối quan hệ thân thiết, họ đứng ra mua thứ cấp hoặc cũng chỉ ghi danh chưa chuyển tiền cho công ty. Khi có khách hàng mới, họ sẽ hủy hợp đồng mua bán, đưa khách mới vào ký với công ty và thu tiền chênh. Một môi giới bày cách, cứ sàn nào hứa vào tên chính chủ cho khách hàng, ấy là chỗ DN còn "dấm" hàng. Không chỉ các ô liền kề đắt khách, biệt thự có diện tích rộng trên 300 m2 vẫn bán được hàng.

Cách đây 1 tháng, các ô đất khu C, D dự án Geleximco có giá dưới 40 triệu đồng/m2, nay đều trở lại phong độ trên 50 triệu đồng/m2. Các khu Xuân Phương Viglacera có giá tới 70 - 75 triệu đồng/m2 và được nhiều người săn lùng. Tuy vậy, theo các môi giới, thời điểm này, người mua chủ yếu là dân lướt sóng bất động sản chứ ở mức giá như hiện nay, nhập hàng để ôm, e hơi mạo hiểm vì mỗi ô đất đã tăng giá tới cả tỷ đồng. Cũng dân trong nghề chia sẻ, đợt sóng vừa qua của đất Vân Canh có bàn tay đạo diễn của chính những tay buôn đất, chứ không phải xuất phát từ nhu cầu thực của người dân.

Tìm nguồn cung đất nền hàng hiệu

Quy hoạch chung Thủ đô đã được phê duyệt, nhưng tiến độ rà soát lại quy hoạch các dự án vẫn có tốc độ rùa. Vì vậy, tìm kiếm nguồn cung các dự án có hàng liền kề, biệt thự sát Hà Nội (có thể ở được) không dễ, điểm lại số dự án chỉ có trên đầu ngón tay. Dự án Bắc An Khánh đã hoàn tất bán giai đoạn 1 từ năm 2009, đang thực hiện các thủ tục thiết kế nhà ở liền kề, biệt thự giai đoạn 2. Số lượng thửa đất đất trong giai đoạn này ước gấp 3 lần so với giai đoạn 1 và giá cũng "khét" hơn: khoảng 3.300 USD/m2, nếu khách hàng chấp nhận mua kèm nhà chung cư thì giá mềm hơn, khoảng 55 triệu đồng/m2. Hiện chủ đầu tư đang nhận đặt cọc quyền mua các ô đất.

Dự án Bắc Quốc lộ 32 cũng đang triển khai bán hàng năm 2012, nhưng tiến độ bán rất nhỏ giọt. Mỗi ô đất tại đây có diện tích rộng, thấp nhất cũng 220 m2, giá bán trên 50 triệu đồng/m2. Dù thị trường ảm đạm, chủ đầu tư cũng nhất định không giảm giá và ồ ạt ra hàng. Trên thị trường thứ cấp, có những ô đất tại dự án này được đẩy lên tới 60 triệu đồng/m2, cao hơn cả dịp sốt đất cuối năm ngoái.

Tại những dự án khu vực Xuân Phương, hàng giá gốc cũng trở nên hiếm hoi, thậm chí có những dự án như khu nhà ở liền kề của Tổng cục 5, người mua, người bán chỉ dựa mỗi vào tờ phiếu thu tiền nhòe nhoẹt chữ, không hề có hồ sơ dự án. Tại dự án Xuân Phương 2 do Công ty An Hưng làm chủ đầu tư, người mua cũng chỉ có mỗi hợp đồng góp vốn, dự án này hiện chưa có quy hoạch 1/500.

Dân môi giới chuyên nghiệp khuyên khách ruột, giá rẻ hấp dẫn nhưng chỉ nên ôm hàng có quy hoạch 1/500 và quyết định cho phép đầu tư dự án. Những khu đất tù mù về tính pháp lý, sở hữu, nhất định không nên ham rẻ để rước lo vào người. Trên thực tế, đã có ô đất tại Xuân Phương điều chỉnh quy hoạch từ 80 m2 xuống 60m2, khách hàng vẫn phải ngậm bồ hòn làm ngọt vì đã mua bán giấy tờ góp vốn qua nhiều chủ.

Thị trường đất nền Hà Nội sẽ còn bị làm giá chừng nào nguồn cung vẫn khan hiếm và các chủ đầu tư quyết ém hàng chờ thời.


Xem tiếp...

1 thg 10, 2011

Nghịch cảnh địa ốc Hà Nội

Trong khi thị trường bất động sản Hà Nội vẫn đang trầm lắng thì một số dự án lại đột ngột tăng giá một cách khó hiểu.

Thực tế đó một lần nữa khẳng định rằng, thị trường bất động sản chưa bao giờ là một thị trường minh bạch và giá sản phẩm lên xuống theo cung cầu như những hàng hóa khác. Một bộ phận không nhỏ trong giới đầu tư vẫn đang cố gắng tạo nên những cơn sốt ảo trên thị trường, hòng vớt vát những gì đã mất trong suốt thời gian qua.

Cung không thiếu

Theo khảo sát của VnEconomy, hiện trên địa bàn Hà Nội hầu hết các dự án đều dư dả nguồn cung, giá chào bán cũng đã giảm khá nhiều so với thời điểm một năm về trước. Chỉ tính riêng trên địa bàn huyện Mê Linh đã có khoảng trên 40 dự án khu đô thị với quy mô lớn đều đang chào bán đất nền. Với lợi thế về giao thông, hạ tầng, giá đất ở khu vực này đã tăng chóng mặt từ cuối năm 2010.

Tuy nhiên, nhiều tháng nay do ảnh hưởng của việc thắt chặt tín dụng, cùng với sự sụt giảm chung thị trường, giá đất tại Mê Linh cũng đã giảm mạnh, giao dịch gần như đóng băng.

Điển hình như dự án Cienco 5 - Mê Linh được khởi công xây dựng vào cuối tháng 8/2005 với diện tích gần 50 ha, trong đó có khoảng 23 ha đất ở. Giá chào bán liền kề vào thời điểm cuối năm 2010 vào khoảng 23 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, hiện do nguồn cung khá nhiều, trong khi lượng người mua ít nên giá đã giảm khoảng 30 - 40%, chỉ còn ở mức từ 12 - 16 triệu đồng/m2, tùy từng vị trí lô đất.

Ngay cả đất biệt thự tại đây một thời được giới đầu tư đẩy lên 20 triệu đồng/m2, giờ cũng chỉ khoảng 13 triệu đồng/m2.

Một dự án nằm kề bên là khu đô thị mới Hà Phong do Công ty Cổ phần Hà Phong làm chủ đầu tư, với tổng diện tích 41,8 ha, cũng đang được rất nhiều nhà đầu tư thứ cấp chào bán với giá chỉ khoảng 17 triệu đồng/m2, giảm 5 triệu đồng/m2 so với cuối năm ngoái.

Ngoài ra, các khu đô thị khác như Minh Giang - Đầm Và, Chi Đông, Tùng Phương, dự án Diamond Park New... cũng được khá nhiều sàn giao dịch, chủ đầu tư chào bán với mức giá khá mềm, chỉ từ 11 triệu đồng/m2.

Sở dĩ giá đất tại Mê Linh giảm mạnh trong thời gian qua là do giới đầu tư đã bắt đầu tháo chạy, sau một thời gian dài thị trường rơi vào trầm lắng, ôm vốn quá lâu. Cách giảm giá, cắt lỗ từ 3 - 5 triệu đồng/m2 là lựa chọn bất đắc dĩ mà phần lớn nhà đầu tư tại đây phải áp dụng.

Trong khi đó, đất thổ cư, dự án tại các khu vực dọc Đại lộ Thăng Long, các vùng thuộc Hoài Đức, Quốc Oai, Thạch Thất... cũng có mức giảm khá mạnh, cung hàng dồi dào nhưng người mua cũng không còn như hai năm về trước.

Theo giới đầu tư đất tại đây, giá đất thổ cư khu vực này đã giảm khoảng 20% so với năm ngoái. Tuy nhiên, thay vì ôm lại giữ giá, hiện khá nhiều hộ dân, nhà đầu tư tại đây đã gật đầu bán ra mỗi khi có khách hỏi.

Khảo sát của VnEconomy cuối tuần qua cho thấy, đất tại các khu vực như Tân Xã, Phú Cát, Thạch Hòa... cách trung tâm Hà Nội khoảng 30 km hiện được rao bán với giá từ 6 - 10 triệu đồng/m2. Gần trung tâm hơn một chút, đất tại Đồng Trúc (Thạch Thất) có giá khoảng 15 triệu đồng/m2, được chào bán rất nhiều nhưng cũng không mấy người mua dù nguồn vốn tự có của người dân và giới đầu tư không phải là ít.

Tạo khan hàng ảo

Trong khi hầu hết các dự án, khu vực tại Hà Nội đang giảm giá, nguồn cung không thiếu thì tại một số dự án lại xảy ra cảnh khan hàng, sốt giá.

Dẫn đầu trong số các dự án bỗng nhiên bất thường phải kể đến dự án khu đô thị Vân Canh (Hoài Đức), với chủ đầu tư là Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị (HUD).

Dự án Vân Canh vốn được cho là rất tiềm năng khi mà đoạn đường nối Xuân Phương được thông với Vân Canh. Nếu xây dựng xong đường, khoảng cách Vân Canh cách khu đô thị mới Mỹ Đình khoảng 3 km.

Cũng chính nhờ lợi thế về hạ tầng (tất nhiên là mới ở mức tiềm năng), dự án này đã nhận được sự quan tâm rất nhiều nhà đầu tư bất động sản. Sau mỗi lần thị trường có “sóng”, giá đất tại dự án này cũng được đẩy lên mức khá cao.

Do tín dụng bất động sản bị siết chặt, cùng với những lình xình về mua bán của một số nhà đầu tư thứ cấp, đến tháng 7 vừa qua, giá đất tại Vân Canh đã giảm xuống mức kỷ lục, các lô đất được rao bán chỉ với 38 - 40 triệu đồng/m2, giảm khoảng 10 triệu đồng/m2 nhưng vẫn không có người mua.

Thế nhưng, không hiểu sao, chỉ sau chưa đầy hai tháng, giá đất Vân Canh liên tục tăng, mạnh nhất là trong hai tuần gần đây. Hiện, theo các sản giao dịch, văn phòng môi giới quanh khu vực, những lô giá rẻ dưới 40 triệu đồng/m2 không có người bán, lô đường to được đẩy giá lên trên 50 triệu đồng/m2, nhưng hỏi mua không dễ.

Anh Vương Bá Tân, trưởng một văn phòng môi giới tại Nhổn cho hay, khoảng một tuần nay giá đất Vân Canh tăng thêm khoảng 5 -7 triệu đồng/m2, trong khi phần lớn các dự án ở khu vực khác tại Hà Nội vẫn khá im ắng.

Không chỉ Vân Canh, một số dự án nằm trong khu vực này như Lideco giá cũng được đẩy lên xấp xỉ 60 triệu đồng/m2, dự án Tân Tây Đô giá giao dịch khoảng 45 -50 triệu đồng/m2 tùy vị trí, Kim Chung - Di Trạch khoảng trên 40 triệu đồng/m2…

Theo anh Tân, hiện nhìn chung thị trường đang trầm lắng trên diện rộng, giá đất nhiều dự án lớn, vị trí đẹp hơn Vân Canh vẫn đang “bất động”, không có cớ gì giá đất khu vực này lại có thể tăng nhiều đến mức vậy.

Không những thế, nếu so sánh vị trí Vân Canh với dự án khác như Văn Phú, An Hưng… thì phần kết nối hạ tầng dự án Vân Canh chưa hoàn chỉnh, trong khi giá đắt hơn dự án khác. Điển hình dự án Văn Phú đã bàn giao nhà cho khách giá 56-60 triệu đồng/m2.

Theo nhìn nhận của các sàn giao dịch, nhiều khả năng một số đại gia bất động sản trước đây gom hàng, giờ đã cùng nhau đưa ra chiêu đẩy giá lên để xả hàng, kiếm lời.

Trước thực tế này, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) Vũ Xuân Thiện, cho rằng đó chỉ là những hiện tượng cá biệt, do một số nhà đầu tư thứ cấp tạo nên nhằm thao túng thị trường, trục lợi.

Để xử lý, theo ông Thiện là khá khó khăn, vì đây thường là những nhà đầu tư nhỏ lẻ. Cơ quan quản lý chỉ có thể ra tay khi hiện tượng găm hàng, đẩy giá do chính chủ đầu tư là các doanh nghiệp, tập đoàn tạo ra.

Theo phân tích của nhiều chuyên gia bất động sản, nếu chính sách thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát vẫn được tiếp tục cho đến giữa năm 2012, nhiều nhà đầu tư lướt sóng bắt buộc sẽ phải xả hàng vì ôm vốn quá lâu hoặc không chịu nổi lãi suất ngân hàng. Người có nhu cầu nhà ở thực sự có thể sẽ còn nhiều cơ hội khi giá tiếp tục giảm thêm 10-20% nữa,về gần với giá trị thực.


Xem tiếp...

28 thg 9, 2011

Nữ tiến sĩ tâm lý nổi tiếng ...ngồi tù 20 năm vì "máu" kinh doanh bất động sản

Nữ tiến sĩ Trương Thị Bích Hà từng là giảng viên tại Trường đại học Sư phạm Hà Nội và là tiến sĩ tâm lý nổi tiếng trong chương trình tư vấn trên sóng truyền thanh.


Bà Trương Thị Bích Hà trong một buổi tư vấn tâm lý trước khi bị bắt.
Ngày 14/9 vừa qua, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Trương Thị Bích Hà về 2 tội danh: Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bản án 20 năm tù đã tuyên đối với nữ tiến sĩ tâm lý vốn được đông đảo bạn nghe đài mến mộ bởi chất giọng truyền cảm và khả năng phân tích, phán đoán tâm lý người khác đặc biệt sắc sảo…

Từ nữ tiến sĩ tâm lý được nhiều người mến mộ…

Một người bạn của tôi, công việc quanh năm gắn bó với chiếc radio, khi nhắc đến tiến sĩ tâm lý Trương Thị Bích Hà đã không ngớt lời hâm mộ. Bạn tôi bảo rằng, dù chưa gặp nữ tiến sĩ tâm lý lần nào, nhưng nghe chương trình tư vấn của bà Hà trên sóng truyền thanh, giọng nói ấm áp truyền cảm, lời nói "đi vào lòng người" khiến bạn nghe đài có cảm giác nữ tiến sĩ thân thiết như người bạn, người chị gái. Đối với những người đang có mắc mớ về tình cảm, khi gặp được nữ tiến sĩ tâm lý này quả là “được lời như cởi tấm lòng”.

Tôi còn nhớ năm 2005, tham dự một cuộc giao lưu với sinh viên về chủ đề "sống thử" đối với các bạn trẻ, tôi đặc biệt thích thú những ý kiến của nữ tiến sĩ tâm lý Trương Thị Bích Hà. Ở góc độ một nhà nghiên cứu tâm lý, đồng thời là một người phụ nữ đã trải cuộc sống, bà đã phân tích vấn đề này một cách thấu đáo ở nhiều khía cạnh, từ quan niệm truyền thống của người Việt, đến những hậu quả hôn nhân, sức khỏe sinh sản.

Trong một diễn đàn khác về vai trò của người phụ nữ trong gia đình, tiến sĩ Trương Thị Bích Hà, lúc đó là giám đốc một trung tâm tư vấn truyền thông, khiến nhiều người tâm đắc khi cho rằng người phụ nữ chính là điều phối viên quan trọng làm cho ngọn lửa yêu thương trong gia đình cháy mãi. Làm thế nào để ngọn lửa yêu thương đó được truyền đi và được tiếp nhận một cách đều đặn, đòi hỏi có một kỹ năng, đó là kỹ năng chia sẻ để gia đình thực sự là điểm tựa của người già, là chốn dừng chân của người trẻ, là nơi con trẻ muốn trở về sau những ngày vui.

Thế rồi, bất ngờ ngày 19/5/2010, tin nữ tiến sĩ tâm lý Trương Thị Bích Hà bị Cơ quan CSĐT Công an Hà Nội bắt giữ theo quyết định truy nã khiến nhiều người, nhất là bạn nghe đài truyền thanh vốn yêu mến chương trình của "chị Bích Hà" bấy lâu nay, đều ngạc nhiên và khó hiểu, vì sao một người đáng tin như vậy, bỗng chốc trở thành tội phạm?

... đến vết trượt dài của người đàn bà "máu" kinh doanh bất động sản

Đọc hồ sơ vụ án thì thật ra, nữ tiến sĩ Trương Thị Bích Hà rất máu mê kinh doanh bất động sản. Từ những năm 1994, khi Hà Nội mới manh nha vấn đề "sốt đất", bà Hà đã lặn lội lên tận Thạch Thất (Hà Tây cũ) tìm những mảnh đất có diện tích hàng nghìn mét vuông rồi rủ bạn bè, những người đồng nghiệp tại Trường đại học Sư phạm Hà Nội, nơi bà Hà công tác, cùng góp vốn mua chung. Tính ra, diện tích đất mà bà Hà đầu tư lúc đó lên đến hàng nghìn mét vuông. Người ta bảo kinh doanh bất động sản đôi khi phải có "máu liều". Bà Hà là một người như vậy.

Để có tiền kinh doanh, bà Hà sẵn sàng đi vay tiền, vàng với lãi suất cao, từ 2%-5%/tháng. Thế nhưng người phụ nữ này đã không gặp may mắn. Qua kỳ "sốt", thị trường bất động sản trầm lắng, thậm chí tụt giá thê thảm. Nếu là người có kinh nghiệm và có tiền, nhiều người chấp nhận chờ đợi đến khi thị trường "ấm" trở lại. Nhưng vì đi vay tiền, lại tính toán đầu tư chỗ khác để bù lại, bà Hà đã liều lĩnh tự ý bán đi những phần đất mua chung với người khác mà không thông báo cho người cùng đầu tư biết.

Quá trình điều tra, Cơ quan Công an đã làm rõ từ tháng 12/1995 đến tháng 5/2009, Trương Thị Bích Hà đã lạm dụng lòng tin để chiếm đoạt tài sản của 6 cá nhân với tổng số tiền lên đến 2 tỉ 895 triệu đồng. Đáng buồn là những người bị hại này đều là đồng nghiệp, bạn thân của bà Hà.

Việc đầu tư bất động sản đổ bể liên tục khiến bà Hà bắt đầu lâm vào cảnh nợ nần. Bà cứ trượt dài trong cái vòng luẩn quẩn, vay tiền lãi suất cao để trả nợ cho các khoản vay trước, để đầu tư thêm hy vọng gỡ gạc lại. Sau khi nghỉ hưu ở Trường đại học Sư phạm, bà Hà tiếp tục mở dịch vụ tư vấn tâm lý, rồi thành lập Công ty TNHH Đàm Khánh chuyên làm dịch vụ vay vốn ngân hàng. Những vết trượt dài của bà Hà chính ở thời điểm này. Không chỉ nhằm vào người thân, những khách hàng đến tư vấn tâm lý, cũng bị nữ tiến sĩ tâm lý cho vào bẫy.

Ông Nguyễn Bính, ở phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình là một nạn nhân điển hình. Đầu năm 2009, ông Bính đưa con đến điều trị tâm lý. Sau khi con khỏi bệnh, gia đình ông Khánh coi bà Hà như ân nhân, qua lại thân thiết. Biết kinh tế nhà ông Bính khá giả, bà Hà không ngại ngần hỏi vay 30.000USD, đặt CMND và hộ khẩu làm tin. Mang ơn nữ tiến sĩ tâm lý nên ông Bính đồng ý ngay. Một thời gian sau, do cần dùng đến giấy tờ tùy thân nên Hà đã mượn giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của một người ở Đông Anh, đồng thời giả mạo hợp đồng mua bán mảnh đất đó để thế chấp cho ông Bính thay sổ hộ khẩu gia đình. Cho đến nay, bà Hà vẫn chưa trả đồng nào trong số tiền vay trên cho ông Bính.

Ngoài ra, với tư cách Giám đốc Công ty TNHH Đàm Khánh, bà Hà còn nhận sổ đỏ của rất nhiều người có nhu cầu vay vốn ngân hàng để mang đến một số ngân hàng thế chấp, vay nhiều tỉ đồng. Nhưng bà Hà không đưa tiền cho người có sổ đỏ mà sử dụng cá nhân. Cho đến khi bà Hà bị bắt, nhiều người tá hỏa vì không biết sổ đỏ của gia đình đang nằm ở đâu và nơm nớp lo việc ngân hàng đến thu hồi nhà đất.

Một trong những căn cứ để Cơ quan điều tra tiến hành bắt giữ nữ tiến sĩ tâm lý Trương Thị Bích Hà là việc bà Hà chiếm đoạt 120.000 USD của bà Lê Thu Hiền ở phố Mai Dịch. Khi hỏi vay bà Hiền số tiền này với lý do đầu tư dự án, bà Hà đã dùng sổ đỏ mang tên mẹ đẻ là cụ Trịnh Thị Bính và một giấy đặt cọc mua căn hộ chung cư 118m2 tại khu đô thị Ciputra mang tên bà Đào Thanh Hương. Thực chất, tờ giấy đặt cọc này khi đó đã không còn giá trị, bởi bà Hương đã làm thủ tục hủy hợp đồng đặt chỗ mua căn hộ với chủ đầu tư. Trước đó, bà Hà có nhận tờ giấy đặt cọc này để bán suất mua căn hộ giúp bà Hương.

Sau một thời gian không bán được, khi làm thủ tục hủy hợp đồng, cả bà Hương và chủ đầu tư đã sơ suất không thu hồi lại giấy đặt cọc. Lợi dụng vào tờ giấy này, bà Hà đã lừa bà Hiền, nhận đó là căn hộ của mình và hứa nếu không trả được nợ, "căn hộ" này sẽ thuộc về bà Hiền. Ngoạn mục hơn, để "rút" sổ đỏ ra, bà Hà lấy lý do mượn lại sổ đỏ làm thủ tục thế chấp vay ngân hàng lấy tiền trả nợ cho bà Hiền.

Quá tin tưởng vào nữ tiến sĩ tâm lý, bà Hiền đưa sổ đỏ mang tên cụ Trịnh Thị Bính cho Hà. Bà Hà đã nhờ mẹ đẻ ký hợp đồng thế chấp cho Công ty TNHH Đàm Khánh do bà Hà làm giám đốc để bà ký hợp đồng ủy quyền vay vốn một ngân hàng lấy 1,6 tỉ đồng. Vay được tiền, bà Hà không đưa trả bà Hiền như hứa hẹn, sau đó lẩn trốn. Cơ quan điều tra đã ra quyết định truy nã bà Hà về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Trong số tài sản mà bà Hà chiếm đoạt của mọi người, đau xót nhất có lẽ chính là những người ruột thịt. Khi bà Hà bị bắt, đầu năm 2011, mẹ của nữ tiến sĩ tâm lý cùng anh chị em trong nhà đã phải bán ngôi nhà ở phường Phúc Xá mà bà Hà đã dùng sổ đỏ thế chấp vay tiền ngân hàng nói trên để trả nợ cho bà Hà khi tính cả tiền lãi đã lên tới 2,1 tỉ đồng.

Nỗi buồn nhân tình thế thái

Điều tra viên Kiều Hùng Đoan (Phòng PC46 Công an Tp Hà Nội), người thụ lý vụ án Trương Thị Bích Hà kể lại, quá trình điều tra vụ án, ghi lời khai, bà Hà tỏ ra khá thành khẩn, không "tiểu xảo" đối phó như nhiều đối tượng phạm tội lừa đảo khác. Bản thân là một người chuyên nghiên cứu tâm lý người khác để tư vấn, có lẽ bà Hà cũng xác định cho mình tâm lý ổn định, chấp nhận cái giá phải trả cho một loạt hành vi phạm tội của mình.

Tại phiên tòa sơ thẩm, Trương Thị Bích Hà tỏ thái độ thành khẩn khai nhận lại toàn bộ hành vi chiếm đoạt tài sản của mình đối với các bị hại theo như truy tố. Đổ bể trong việc làm ăn dẫn đến phạm tội, là nguyên nhân mà bị cáo Hà thừa nhận trước phiên tòa. TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt Trương Thị Bích Hà 20 năm tù. Mức án này cao hơn hẳn đề nghị của đại diện Viện Kiểm sát trước đó, từ 14 - 15 năm tù giam.

Một nạn nhân của bà Hà tâm sự với tôi rằng, hôm xét xử sơ thẩm, chị đã không đến dự, bởi chị biết rằng khả năng tài chính của gia đình bà Hà chẳng thể nào thu xếp nổi để trả hết số tiền bà Hà đã chiếm đoạt của mọi người. Chị chỉ buồn vì hành vi của bà Hà khiến niềm tin của chị bị đổ vỡ, bởi bà Hà là người chị rất yêu mến, tin tưởng khi những điều nữ tiến sĩ tâm lý nói ra đều hết sức thuyết phục và đầy tình người. Cũng hiếm có một vụ án nào, mà từ khi điều tra đến xét xử, trái với sự tức giận, thù hằn thường thấy của những nạn nhân đối với các đối tượng lừa đảo, lạm dụng để chiếm đoạt tiền, người bị hại trong vụ án này chưa một lần chửi mắng, nguyền rủa bà Hà. Có lẽ, vì người ta nể trọng học vị tiến sĩ của bà, tôn trọng và tin tưởng vì hai vợ chồng bà đều là những người thầy đứng trên bục giảng.

Bản án 20 năm tù là cái giá đắt của nữ tiến sĩ tâm lý phải trả khi tuổi đã xế chiều. Điều đọng lại sau vụ án chỉ là nỗi buồn cho nhân tình thế thái khi một nữ giảng viên đáng kính, một chuyên gia tư vấn tâm lý giỏi giang, một địa chỉ cho những người đang bị lung lay trong cuộc sống gửi gắm niềm tin, trút bầu tâm sự … bỗng chốc trở thành kẻ lừa đảo

Theo An Ninh Thế Giới


Xem tiếp...

27 thg 9, 2011

Bất động sản: Nên mua hay bán ở thời điểm này?

Trong bối cảnh hiện nay, nhiều nhà đầu tư cầm tiền trong tay đang lưỡng lự nên mua trong lúc này hay chờ giá giảm thêm. Còn người bán muốn đang chờ cơ hội bán ra “cắt lỗ” để thu tiền về.

Thị trường bất động sản những ngày đầu tháng 9 đã rậm rịch giao dịch trở lại trong đó một số dự án như Vân Canh, Bắc An Khánh đà tăng giá mạnh dần khiến nhiều nhà đầu tư bất động sản đang hi vọng vào sự ấm lại thị trường sau nhiều tháng liên tiếp giảm mạnh.

Chị Nguyễn Châu Anh (nhà đầu tư) cho biết, hiện chị đang đầu tư một số lô đất tại các dự án Thanh Hà và Văn Phú. Trong đó, dự án Thanh Hà mua thời điểm cuối tháng 4 với giá 35 triệu đồng/m2. Thế nhưng, hiện giá đất dự án khoảng 25-27 triệu đồng/m2. Như vậy, khoản đầu tư vào dự án này bị âm vài trăm triệu đồng/lô.

“Điều tôi hi vọng nhất bây giờ là thị trường giao dịch trở lại để bán “cắt lỗ”, chứ chờ không biết đến khi nào giá đất mới tăng được bằng giá mua lúc đầu”. Chị Anh nói.

Trong khi nhiều nhà đầu tư mong mỏi thị trường lên để bán ra thì đang có rất nhiều nhà đầu tư tìm kiếm thời điểm thích hợp để mua vào.

Cầm trong tay hơn 5 tỷ đồng, anh Trần Mạnh Kiên (cán bộ ngân hàng BIDV) đang tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các lô đất tại một số dự án xung quanh Hà Nội. Điểm anh nhắm đến là dự án Vân Canh.

Theo anh Kiên, thời điểm cuối tháng 7 âm lịch giá đất Vân Canh rớt thảm hại lúc đó đường nhỏ có lô chỉ chào bán 38 triệu đồng/m2 bao gồm cả xây thô, đường to 41-42 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, do e ngại về kết nối hạ tầng giao thông nên lượng lự chưa mua. Thế nhưng chỉ chưa đầy một tháng giá đất đã “đẩy” lên mức hơn 10 triệu đồng/m2. Điều này khiến anh Kiên không khỏi tiếc nuối.

“Giá đất Vân Canh tăng mạnh ngoài sức tưởng tượng, nếu mua vào lúc cuối tháng Ngâu giờ đã thu lãi cả tỷ bạc. Cũng vì giá tăng mạnh nên mua thời điểm này là quá mạo hiểm vì vậy mình chọn dự án khác có giá hợp lý để đầu tư. Nếu bạn là nhà đầu tư hay mua tiêu dùng thì thời điểm này là thời điểm bạn nên mua bởi vì thị trường bất động sản nói riêng và thị trường nói chung bị giảm mạnh. Nếu không quyết nhanh khi giá đất tăng lên rất khó mua” anh Kiên chia sẻ.

Trên các diễn đàn bất động sản lớn, có rất nhiều ý kiến phân tích trái chiều nhau.Có ý kiến cho rằng, thời điểm này nếu có tiền thực thì nên mua, bởi nhiều nhà đầu cơ bất động sản giờ chắc đang mắc nợ ngân hàng rồi nên giờ mua thêm chắc phải cân nhắc lãi suất. Với mức lãi suất này không chắc có người dám vay để mua đầu tư. Vì vậy, đây là thời điểm tốt để mua nhà.

Ngược lại, có ý kiến cho rằng nên chờ thêm vài tháng nữa, thị trường chưa thể tăng nhiệt được. Đây vẫn là thời điểm các nhà đầu tư sẽ xả hàng vì vậy giá đất khó có thể tăng. Nếu đầu tư sẽ bị om vốn. Khi mua rồi khó có thể bán được.

Không chỉ nhà đầu tư đau đầu mà cả các chuyên gia phân tích thị trường cũng đưa ra các phân tích trái ngược về xu hướng đầu tư bất động sản.

Trong đó, nhiều chuyên gia cho rằng, thời điểm này là cơ hội cho người có tiền thực, nhu cầu thực. Lúc này ai có tiền thực đầu tư là tốt nhất vì sau một thời gian thị trường trầm lắng, BĐS sẽ trở dần về giá trị thực và chắc chắn giá trị ảo bị mất dần đi. Cho nên người nào có tiền thật, không phải vay lãi ngân hàng thì sẽ mua được đúng giá trị của nó. Đây là cơ hội của những người có tiền thực đầu tư, còn vay ngân hàng lúc này là một rủi ro lớn. Bởi kinh tế vĩ mô đang còn nhiều bất ổn.

Theo VnMedia


Xem tiếp...

23 thg 9, 2011

Đằng sau sự tăng giá bất thường của biệt thự, liền kề Vân Canh HUD

Trên thị trường biệt thự và liền kề Vân Canh đang được giới đầu tư săn đón, và trở thành điểm nóng hiếm hoi trên thị trường, giá tăng khoảng 6-7 triệu đồng/m2 so với đầu tháng.

Trong khi thị trường bất động sản Hà Nội vẫn chưa có tín hiệu rõ ràng nào của sự khởi sắc, giao dịch kém, thanh khoản thấp thì bỗng dưng mấy ngày nay biệt thự và liền kề Vân Canh lại tạo “sóng” trên thị trường bằng mức tăng giá khoảng 7 triệu đồng/m2 so với hồi đầu tháng 9. Đằng sau sự tăng giá này nhiều người cho rằng có sự “bất thường” nào đó mà nguy cơ rủi ro được lộ rõ là rất cao khi khách hàng tham gia vào “điểm nóng” này.

Qua khảo sát một số sàn giao dịch bất động sản trên địa bàn Hà Nội nhiều sàn BĐS cho biết, hiện thị trường vẫn ảm đạm, chưa có sự khởi sắc trở lại. Thanh khoản thị trường vẫn khá thấp, giao dịch giảm đi rất nhiều so với cùng kỳ năm 2010. Giá cả biệt thự, liền kề ở một số dự án khu đô thị phía Tây vẫn chững sao khi có mức giảm giá mạnh vào giữa năm.

Chẳng hạn như khu đô thị Bắc Quốc Lộ 32 hiện đang hoàn thiện được giao dịch khoảng xấp xỉ 60 triệu đồng/m2, dự án Tân Tây Đô giá giao dịch khoảng 45-50 triệu đồng/m2 tùy vào từng ô, đất nền liền kề Kim Chung Di Trạch dao động khoảng từ 33 – 43 triệu đồng/m2 đường 12m và đường 17m,…

Những dự án này, giá chào bán trên thị trường chưa có dấu hiệu tăng kể từ khi giảm vào giữa năm đến nay. Trong tháng 7 và tháng 8, biệt thự và liền kề Vân Canh vẫn được chào bán trên thị trường khoảng 36-38 triệu đồng/m2 đối với liền kề đường nhỏ khoảng 13m, và đường to khoảng 17m giá dao động khoảng từ 45-46 triệu đồng/m2. Khi đó thị trường vẫn “hờ hững” với dự án Vân Canh, rất ít khách mua mặc dù có nhiều người bán tháo.

Ông Phạm Trung Hà – TGĐ của Hòa Phát Land cho rằng, thị trường bất động sản nhìn chung vẫn chưa có sự khởi sắc. Hiện tượng biệt thự, liền kề Vân Canh HUD gần đây trở thành điểm nóng của thị trường, một phần là do kỳ vọng của khách hàng vào dự án do tiến độ xây dựng đến nay đã cơ bản hoàn thành và đang đi vào hoàn thiện.

Bên cạnh đó, yếu tố đầu tư, đầu cơ ở đây cũng thể hiện rất rõ, đó là thực tế thì việc tăng giá của Vân Canh chỉ khoảng 10% so với hồi đầu tháng, chứ không hẳn là thực tế tăng gần 10 giá (khoảng 15%) như mọi người tưởng tượng.

Bởi thực tế mức giá giao dịch thành công trên thị trường thì cũng khó có thể xác minh được, còn hiện nhiều người thấy việc chào bán trên thị trường với mức giá cao 50 – 53 triệu đồng/m2 thì đó chỉ là việc làm giá của các nhà đầu tư. Bản thân Hòa Phát cũng đã nhận được một số khách đưa ra đề bài là chấp nhận mua ở mức giá chỉ khoảng 43 – 45 triệu đồng/m2, chứ khó có thể lên đến trên 50 triệu đồng/m2.

Thế nhưng, bỗng dưng trong mấy ngày gần đây, giá biệt thự, liền kề Vân Canh lại được “thổi” lên đến 5-7 giá, dao động ở mức khoảng 41 – 45 triệu đồng/m2 đường 13m và khoảng 49 – 52 triệu đồng/m2 đối với đường 17m. Hiện tượng này “bất thường” này khiến giới đầu tư địa ốc đang nao núng không biết thực hư ra sao, trong lúc thị trường ảm đạm như hiện nay. Nhiều người cho rằng, biệt thự và liền kề tại đây đang bị thao túng và “thổi giá” để xả hàng do bị “kẹp” hàng ở đây.


Giá bán liền kề, biệt thự dự án Vân Canh HUD đang bị thao túng trên thị trường, dẫn đến sự loạn giá, thực tế giao dịch không có nhiều và giá cũng thấp hơn nhiều so với mức chào của "cò"

Còn ông Lê Ngọc Quỳnh – GĐ sàn giao dịch BĐS Nhadat24 chia sẻ, bản chất việc tăng giá của Vân Canh thời gian qua là có thực, sau khi đã chạm đáy vào giai đoạn tháng 5 đến tháng 8 vừa qua. Tuy nhiên, yếu tố tăng giá và giá giao dịch thành công không cao như giá chào bán hiện nay.

Nhà đất 24 cũng vừa khớp một lô liền kề 23 ô 69 với giá là 45 triệu đồng/m2, mức giá này chỉ tăng nhẹ so với trước. Hiện cũng đã có 3 khách hàng chấp nhận mua liền kề Vân Canh HUD nhưng với giá thấp, chứ không hẳn là giá chào cao như hiện tại với đường 17m khoảng trên 50 triệu đồng/m2, đường to khoảng 67 triệu đồng/m2.

Còn một số dự án khác như Bắc 32 thì giá vẫn chững và giao dịch gần như đứng yên, Tân Tây Đô cũng ở thực trạng tương tự, còn đối với dự án Kim Chung Di Trach hiện cũng có thấp thoáng giao dịch tuy nhiên chỉ ở loại liền kề có mức giá 33 – 35 triệu đồng/m2.

Theo ông Quỳnh, sự tăng giá bất thường của liền kề Vân Canh khoảng 7 giá là có yếu tố đầu cơ trong đó, còn khách hàng mua thực sự khó chấp nhận mua với giá được đẩy cao như vậy. Bởi gần như các dãy liền kề của HUD Vân Canh cơ bản đã xây thô xong, và trước đó Tập đoàn HUD đã để các Công ty con thực hiện việc phân phối ra thị trường, đến nay cũng là giai đoạn cần thu dòng tiền về, cho nên họ cần tạo nên tính thanh khoản cho thị trường, nhằm mục thu tiền về.

Vì thế, việc đẩy giá lên quá cao hiện nay có sự tham gia của đại gia. Bởi bản thân hàng Vân Canh HUD trên thị trường đang được găm giữ bởi các đại gia đó, thông qua các văn phòng trung gian để chào bán, kích giá lên. Thực chất, giá giao dịch trên thị trường là không cao như vậy, và giao dịch cũng rất hiếm hoi do bản chất của thị trường vẫn ở giai đoạn ảm đạm.

Theo TTVN

Xem tiếp...

22 thg 9, 2011

Đầu tư bất động sản: Cầm tiền cũng khổ!

Nhiều nhà đầu tư bất động sản như đang đứng trước ngã ba đường, khi phải cân nhắc phân khúc và khu vực đầu tư.



Nhiều nhà đầu tư bất động sản dường như đang mất phương hướng, cho dù không quá khó khăn về vốn


Giới đầu tư chứng khoán vẫn có câu “thị trường khó khăn thì người có tiền mặt là vua”, nhưng xem ra quan niệm đó có vẻ như không đúng với những nhà đầu tư địa ốc, thậm chí là cả những nhà tạo lập ra bất động sản.

Có tiền, không biết làm gì

Với những người có tiền, người ta vẫn thường khuyên nhau rằng, cứ “ném” vào nhà, đất là an toàn nhất, sinh lợi nhiều nhất. Tuy nhiên, đó là chuyện của dăm năm về trước. Còn hiện nay, khi mà thị trường bất động sản đang ở giai đoạn khó khăn, người bán nhiều hơn người người mua thì chuyện “ném” tiền vào đất cát, nhà cửa lại không được “bở ăn” như trước.

Chỉ cần bỏ ra vài phút, bất kỳ ai cũng có thể tìm thấy đầy rẫy trên mạng Internet những thông tin rao bán, bán lại các căn hộ, ô đất tại nhiều dự án có tiếng ở Hà Nội với những mức chiết khấu, cắt lỗ lên tới 10 - 15%.

Với những người có nhu cầu mua nhà để ở, không quá khó để có thể tìm ra và kết nối được với những chủ nhân của căn hộ, lô đất trên ở hầu hết các dự án từ bé đến lớn trên địa bàn Hà Nội. Thậm chí, họ có thể đăng ký trực tiếp với các sàn, bộ phận bán hàng của các chủ đầu tư nhưng vẫn được hưởng chiết khấu ở mức cao.

Anh Việt Anh, một nhà đầu tư bất động sản nêu quan điểm, không phải là các nhà đầu tư nhỏ lẻ không có tiền, nhưng do tác động của tâm lý thị trường, đi đâu cũng thấy người người kêu bất động sản khó khăn nên họ cũng không vội xuống tiền, dù họ có nhiều, thậm chí rất nhiều.

Ngay như doanh nghiệp của vị này, là công ty cổ phần, hiện vốn góp của các cổ đông cũng lên tới trên 100 tỷ đồng dư thừa. Hai năm trước, họ còn sang tận Long Biên, Gia Lâm mua đất thổ cư rồi xây nhà để bán, cho thuê nhưng hiện nay cách làm đó cũng không còn hiệu quả khi đầu ra rất hạn hữu.

“Hiện nay chúng tôi không phải là không có tiền đầu tư, song do nhu cầu trên thị trường quá thấp nên đầu tư vào phân khúc nào cũng không có thanh khoản. Nhiều doanh nghiệp phải đi vay ngân hàng để sản xuất, kinh doanh, còn chúng tôi có tiền cũng không biết rót vào đâu, nên cuối cùng cũng lại gửi tạm ở ngân hàng gỡ chút lãi, chờ thị thường ấm lên”, anh Việt Anh cho hay.

Thực tế trên xảy ra không chỉ với các nhà đầu tư mà với các chủ đầu tư, các nhà tạo lập bất động sản cũng chịu chung số phận.

Đại diện một tổng công ty bất động sản lớn của Hà Nội, cho hay doanh nghiệp này cũng vừa được thành phố cấp cho hơn 3.000 m2 đất ở khu Trung Yên để xây chung cư cao tầng. Tuy nhiên, do không huy động được thêm vốn từ cán bộ, nhân viên trong công ty cũng như nhà đầu tư bên ngoài nên kế hoạch khởi công dự án vào cuối năm nay đã phải hoãn lại.

Vị này chia sẻ, một phần vốn dành để đầu tư dự án trên hiện công ty cũng chưa biết sử dụng vào đâu, vì chức năng chính xưa nay là phát triển nhà và đầu tư bất động sản. Nay cả mảng này đang khó khăn thì nhiều phòng, ban của công ty cũng rỗi việc hơn ban giờ hết và tiền thì cũng bất đắc dĩ phải gửi tạm vào ngân hàng nhằm bảo toàn đồng vốn.

Nhiễu thông tin đầu tư

Ông Vũ Thế Năng, một nhà đầu tư bất động sản chuyên nghiệp nói, hiện rất nhiều nhà đầu tư trong nhóm đầu tư của ông đang khá rủng rỉnh về vốn, tuy nhiên lại không biết là nên mua vào những sản phẩm nào, khu vực nào.

Theo ông, chung cư cao cấp hiện nay chắc chắn là không phải lựa chọn của các nhà đầu tư bởi tính thanh khoản của nó luôn nằm dưới cùng của bảng xếp hạng danh mục đầu tư từ vài năm nay.

Đất thổ cư trong các quận nội thành lại càng không bởi giá của nó quá cao, hơn nữa lại không có nhiều người bán nên đầu tư cũng khó.

Đích ngắm còn lại chỉ có thể là đất, các biệt thự nghỉ dưỡng ở các vùng ven thành phố. Song vùng nào có thể thành công mới chính là yếu tố quyết định. Bài học về đất Ba Vì, rồi sau đó đến Sóc Sơn, Đông Anh vẫn còn y nguyên trong nhóm đầu tư của ông.

“Một số khuyên chúng tôi nên hướng đến khu vực Ba Vì với đích đến là biệt thự, các lô đất trong các dự án ở khu vực Ba Vì, một số khác lại cho là nên hướng lên mạn Lương Sơn, Hòa Bình vì đó mới là điểm đến của những đại gia trong tương lai vì theo quy hoạch thu đô Xuân Mai mới là đô thị sinh thái của Hà Nội. Nói chung hiện chúng tôi đang bị rối thông tin về các khu vực đầu tư”, ông Năng phân trần.

Tuy nhiên, theo nhìn nhận của vị này, khu vực Xuân Mai, Hòa Bình sẽ là điểm đến tiềm năng cho những nhà đầu tư trường vốn, có ý định đầu tư lâu dài bởi hiện giá đất ở đây khá “mềm”, lại thuận tiện về giao thông, hạ tầng. Việc một số nhà đầu tư có tiếng đang âm thầm rót vốn vào khu vực này cũng không phải là không có cơ sở.

Trong một lần trao đổi mới đây với VnEconomy, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho hay, đúng là nguồn tiền trong dân, từ các nhà đầu tư nhỏ lẻ không thiếu, song thị trường chững lại là do ảnh hưởng của yếu tố tâm lý, trong đó có nguyên nhân là họ không biết đầu tư vào phân khúc nào, khu vực nào.

“Nếu như thập kỷ trước, thế giới chú trọng vào công nghệ thông tin thì thập kỷ này được xác định là của dịch vụ và sức khỏe. Chính vì vậy, cùng với chung cư có giá trung bình, thì đất thổ cư, các dự án nghỉ dưỡng ở vùng ven Hà Nội sẽ là những điểm đến tiềm năng cho giới đầu tư”, GS. Đặng Hùng Võ nhìn nhận về xu hướng đầu tư trong thời gian tới.


Xem tiếp...

6 thg 9, 2011

Giá nhà đất, nhìn từ các 'suất ngoại giao'

Thị trường bất động sản Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung từ đầu năm đến nay rơi vào trạng thái trầm lắng, tính thanh khoản lẫn giá cả hầu hết các phân khúc đều sụt giảm mạnh.






Hầu hết các dự án chung cư, đất nền liền kề, biệt thự tại các khu vực như Mỹ Đình, Hà Đông, Vân Canh, Mê Linh... gần như là án binh bất động, vì không có người hỏi mua.


Đơn cử như giá chung cư tại Văn Khê (Hà Đông), Trung Văn, Từ Liêm... chỉ khoảng 3 tháng trước vẫn được các sàn và chủ nhân rao bán 34 triệu/m2. Thế nhưng, khảo sát của người viết hồi cuối tuần trước giá chỉ còn khoảng 26 -28 triệu/m2, giảm khoảng 15%.


Trong khi đó, các lô đất liền kề ở dự án Geleximco, cuối năm 2010 vẫn ở mức trên 60 triệu đồng/m2, nhưng nay đã được khách hàng gửi bán tại các sàn với giá chỉ khoảng 47 triệu đồng/m2. Còn ở dự án Vân Canh, Nam An Khánh (Hoài Đức), trước Tết Nguyên đán, giá đất liền kề ở đây cũng trên 45 triệu đồng/m2, nay phần lớn được rao bán ở mức 35 triệu đồng/m2 nhưng cũng không có khách mua.


Thế nhưng, thật bất ngờ, trong bối cảnh thị trường trầm lắng đó, người viết vô tình biết được một thông tin mà nghe qua có thể sẽ khiến không mấy người tin nổi: vẫn có những lô đất (theo kiểu chia lô bán nền) được chủ nhân rao bán với mức chênh lên tới cả chục tỷ đồng. Ngay cả khi có khách hàng chịu chi đến 8 tỷ tiền chênh thì chủ nhân vẫn chưa buồn bán.


Thực ra, lúc được giám đốc một sàn giao dịch bất động sản chia sẻ thông tin này, bản thân người viết vẫn bán tín bán nghi bởi, trong khi cả thị trường đang gần như ngủ đông suốt cả năm, giá nhà đất liên tục rớt thảm thì không cớ gì một ai đó dễ dàng chịu bỏ ra cả chục tỷ đồng tiền chênh để mua một lô đất ở ngoại thành Hà Nội.


Tuy nhiên, khi vị giám đốc này đưa nguyên cả quyển sổ ghi chép làm ăn của sàn này cho người viết xem vị trí lô đất, giá gốc, số điện thoại người bán, số điện thoại của người đã trả đến 8 tỷ đồng tiền chênh, thì quả thật mới thấy được hết sự trớ trêu của thị trường bất động sản - một thị trường vốn vẫn được gán với cụm từ “thiếu minh bạch”.


Lô đất nói trên thuộc dự án khu đô thị Splendora (Bắc An Khánh) – khu đô thị vốn được cho là đẹp nhất Việt Nam do một doanh nghiệp nhà nước là Tổng công ty Vinaconex liên doanh với một đối tác Hàn Quốc đầu tư. Còn lô đất được rao bán trên là đất phân lô để đất xây biệt thự nên có diện tích lên tới hàng trăm m2 và cũng là một trong những ô đẹp, thuộc “suất ngoại giao”.


Chuyện chênh cả chục tỷ đồng cho một lô đất trong lúc thị trường đang trầm lắng có thể là khó tin, nhưng chênh 10 – 20 triệu đồng/m2 cho một lô đất cách trung tâm Hà Nội trên 20 km cũng không phải là chuyện quá xa lạ với giới đầu tư, buôn bán bất động sản.


Giá đất liền kề tại khu đô thị đầy “tai tiếng” Vân Canh (Hoài Đức, Hà Nội) do Tập đoàn Phát triển Nhà và đô thị (HUD) làm chủ đầu tư hiện được rao bán trên thị trường với giá từ 40 – 60 triệu đồng/m2.


Thế nhưng, theo đại diện hầu hết các sàn giao dịch khu vực phía Tây Hà Nội hiện đang “có hàng” ở khu đô thị này cho hay, giá gốc đối với đất liền kề và đất biệt thự ở Vân Canh được bán với giá gốc chỉ khoảng 23 triệu đồng/m2. Đáng chú ý, hầu hết các lô đất được bán dưới dạng “ngoại giao” hiện đều đang nằm trong sổ của các sàn giao dịch bất động sản trên khắp thành phố.


Những ví dụ trên chỉ là một vài trường hợp điển hình trong vô số trường hợp mua nhà nhà, đất phải trả tiền chênh trên địa bàn Hà Nội. Và khi mà các tập đoàn, tổng công ty nhà nước vẫn là những “đầu tàu” trong lĩnh vực bất động sản với vô vàn những đặc ân, đặc lợi từ đất đai đến thủ tục, giấy phép, thuế... thì chuyện bán nhà đất với giá rẻ tràn lan cho các “suất ngoại giao” sẽ khó mà tiêu biến được.


Theo quy định của Bộ Xây dựng, từ gần hai năm nay, tất cả các chủ đầu tư dự án bất động sản, khu đô thị khi tiến hành mở bán sản phẩm thì được phép bán 20% không phải qua sàn giao dịch.


Lý giải cho việc ban hành quy định này, khi đó Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng, đó là một chính sách có phần ưu ái cho các chủ đầu tư nhằm giúp họ “giữ quan hệ” với các đối tác... đã giúp đỡ chủ đầu tư trong quá trình triển khai dự án.


Và tất nhiên, giá cả của 20% không bán qua sàn đó khỏi cần phải nói ai cũng hiểu là nó “rẻ đến mức nào”, thậm chí có thể chỉ là “cho không, biếu không” bởi xưa nay, các doanh nghiệp, các chủ đầu tư vẫn xem đó như là một chút “lại quả” cho các mối quan hệ của mình.


Tuy nhiên, trao đổi với VnEconomy, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam thừa nhận, quy định của Bộ là mỗi doanh nghiệp chỉ được bán 20% không qua sàn, song trên thực tế có những dự án mà chủ đầu tư đã thỏa thuận bán gần hết căn hộ cho các đối tượng thân quen, sau đó chỉ dùng sàn giao dịch bất động sản để làm thủ tục hợp thức hóa.


Và mặc dù biết là có những doanh nghiệp đã “lách luật”, làm trái quy định như trên, song khi được hỏi về chuyện giá thành và chuyện “tiền chênh” tại các dự án, lãnh đạo Bộ Xây dựng lại cho rằng, chuyện mua bán như thế nào, giá cả bao nhiêu cơ quan quản lý không thể nắm hết được và cũng không được quyền can thiệp.


Theo ông Nam, hiện nay, các quan hệ mua bán trên thị trường đều phụ thuộc quy luật cung - cầu, giá trị sử dụng. Do đó, khách hàng thời nay phần lớn không quan tâm đến việc doanh nghiệp làm ra sản phẩm đó mất bao tiền (thậm chí nhiều khi đó là bí mật không được biết). Họ chỉ quan tâm giá thành sản phẩm đó có hợp lý và họ có chấp nhận hay không. Do đó, chênh nhiều hay chênh ít là câu chuyện của thị trường.


Chia sẻ với VnEconomy, TS. Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, cho rằng chuyện mất hàng chục tỷ đồng tiền chênh cho một lô đất là có thật. Và nguyên nhân khiến cho giá bất động sản bị đẩy lên quá cao như hiện nay xuất phát từ việc nó được bán quá rẻ bởi một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước cũng là một thực tế.


Cũng theo ông Nghĩa, thực tế này chỉ tồn tại ở thị trường Hà Nội, nơi vốn có khá nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước đang giữ thị phần chi phối trên thị trường bất động sản. Còn ở Tp.HCM, hiện tượng đó rất hạn hữu bởi thị trường này thuộc về các doanh nghiệp tư nhân, liên doanh là chủ yếu.


“Không ít doanh nghiệp bất động sản xưa nay ra đời không theo cơ chế thị trường mà theo quan hệ xã hội nên chuyện định giá có nhiều bất ổn và chuyện khách hàng là người dân phải trả tiền chênh cũng là điều dễ hiểu”, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nói.


Xem tiếp...