19 thg 2, 2011

Bất động sản 2011: Những thách thức có thể phải đối mặt

Chính sách, lãi suất và nguồn cung thị trường là 3 vấn đề lớn nhất mà các doanh nghiệp bất động sản có thể phải đối mặt dù năm 2011 được xem là năm "vượng" của bất động sản.
Thứ nhất, khung pháp lý hiện nay tạo khá nhiều áp lực cho các DN phát triển BĐS, đặc biệt là chính sách bồi thường, quy định chuyển nhượng BĐS và các điều luật quy định điều chỉnh hoạt động mua bán đất, căn hộ và các hợp đồng góp vốn.

Chẳng hạn, một số DN BĐS chỉ được bù lại một phần số tiền đền bù theo giá thỏa thuận cho người sở hữu đất, vì cơ quan có thẩm quyền thường chỉ đồng ý mức bồi thường không cao hơn mức quy định theo luật. Trong khi đó, giá đền bù theo luật quy định lại thấp hơn nhiều so với mức chi phí đền bù thực tế.

Khu chung cu
Nhiều doanh nghiệp bất động sản TP HCM đã "Bắc tiến" nhằm tìm cơ hội tại Hà Nội vốn rất tiềm năng
Hơn nữa, các DN đầu tư BĐS không còn được phép chuyển nhượng một phần hay toàn bộ dự án trước khi hoàn thành cơ sở hạ tầng tối thiểu. Điều này cũng ngăn cản các DN phát triển BĐS tập trung vào những dự án chính của họ thông qua việc tái cấu trúc danh mục dự án đầu tư, cắt giảm các dự án không phải là trọng yếu. Do đó, các quy tắc kế toán không cho phép DN BĐS ghi nhận doanh thu từ việc bán các dự án chưa được tiến hành hoặc đã có đầu tư nhưng chưa hoàn thành.

Thứ hai, phân khúc chung cư cho người có thu nhập thấp hoặc trung bình đã cung cấp hàng ngàn căn hộ mới cho thị trường, chưa tính đến rất nhiều dự án chung cư mới đang trong giai đoạn thi công và sẵn sàng chào bán sản phẩm trong thời gian tới. Mức độ cạnh tranh đã tăng nhanh ở phân khúc này khiến các DN BĐS ngày càng khó kiếm lời, thậm chí có những dự án còn chịu thua lỗ. Nhiều công ty BĐS mà chúng tôi tới thăm đã gặp không ít khó khăn để hoàn thành kế hoạch của năm 2010 và hiện tại rất khó để đề ra một kế hoạch tăng trưởng hợp lý cho năm 2011.

Các DN phát triển BĐS phía Nam dự đoán phân khúc chung cư sẽ giảm và họ đang chuyển sự tập trung sang phân khúc nhà thấp tầng để đảm bảo tiến độ kế hoạch bán hàng của dự án. Các căn hộ có giá 12 - 15 triệu đồng/m2 vẫn được kỳ vọng là thanh khoản nhất ở khu vực phía Nam. Một số DN BĐS địa phương, ngoại trừ TP. HCM, như Vũng Tàu, Đồng Nai, đang rút khỏi hoạt động xây dựng các chung cư để tập trung phát triển các lô đất có chi phí thấp ở ngoại ô thành phố.

Ở thị trường phía Bắc, các DN BĐS nhìn chung cũng chịu sức ép thanh khoản kém ở hầu hết phân khúc. Mặc dù có sự tăng giá BĐS ở một số nơi, nhưng chúng tôi vẫn cho rằng, các mức giá đó không phản ánh đúng tình trạng thực tế trong một thị trường thiếu thanh khoản, như Hà Nội hiện nay.

Phân khúc căn hộ chung cư, đặc biệt phân khúc có giá trên 1.700 USD/m2 (chưa VAT), đã có một số biểu hiện dư cung ở thị trường sơ cấp, khi nhiều nhà đầu tư thứ cấp muốn thoái vốn. Nhiều DN đã thận trọng trì hoãn tiến độ của các dự án với kỳ vọng giá bán sẽ cao hơn trong thời gian tới.

Tuy nhiên, dù giá BĐS đã bị làm méo mó và dường như đang trên đà tăng, thì các DN BĐS lớn nắm trong tay nhiều dự án lớn cũng khó kiếm lời từ việc bán được căn hộ với số lượng lớn trong điều kiện giá cả như hiện nay.

Chúng tôi nhận thấy rằng, có nhiều dự án như Mulberry Lane, Park City, Royal City, Indochina Plaza, Hapulico Residences, Nam Cuong Residences và nhiều dự án trung bình và nhỏ khác sẽ cung cấp hàng chục ngàn căn hộ cho thị trường trong 2 năm tới. Điều này sẽ là khởi đầu cho sự cạnh tranh gay gắt như chúng ta đang chứng kiến ở TP. HCM.

Thứ ba, ban quản lý ở hầu hết công ty mà chúng tôi đi thăm đều thấy khó khăn trong việc lập kế hoạch kinh doanh năm 2011 và rất có thể họ sẽ chỉ đặt mức tăng trưởng khiêm tốn hoặc không tăng trưởng. Tất cả các DN đều thận trọng với vấn đề mở rộng kinh doanh và tăng vốn. Hiện tại, hút vốn cổ phần cũng không còn đơn giản, trong khi chi phí vay nợ vẫn giữ ở mức cao. Do đó, có khả năng chi phí vay cao sẽ gây ra áp lực trả nợ, đặc biệt khi các DN BĐS không thể bán sản phẩm của họ để thu tiền về.

Nói chung, bức tranh của ngành không mấy hấp dẫn ở nhiều mặt. Tuy nhiên, chúng tôi chia sẻ quan điểm của nhiều DN BĐS ở TP. HCM: ngành đã giảm gần tới đáy. Hiện nay, các DN có thể kiếm được lợi nhuận phần nhiều nhờ vào lợi thế chi phí đất thấp. Còn nhìn từ khía cạnh "giá trị thị trường", bản thân một DN sau khi kiếm lời từ một dự án có nhiều lợi thế về chi phí trước kia, thì DN đó sẽ gần như không thể tìm thấy các dự án tương đương với tỷ lệ lợi nhuận tương ứng dự án trước đó, do chi phí thu hồi đất đã tăng rất cao và cạnh tranh trên thị trường ngày càng diễn ra gay gắt.

Trong khi đó, tỷ lệ đô thị hóa hiện tại vẫn trên 3 - 4% mỗi năm, phản ánh nhu cầu tiềm năng lớn đối với phân khúc chung cư. Ngoài ra, chi phí đầu vào tăng và chi phí bồi thường đất cao hơn có thể ngăn thị trường TP. HCM giảm giá bán thấp hơn mức 12 - 15 triệu đồng/m2.

Chúng tôi vẫn giữ quan điểm tiêu cực về ngành BĐS đến giữa năm 2011, do những khó khăn trước mắt và trong thời gian tới. Như phân tích nêu trên, do thị trường BĐS rơi xuống gần đáy thì có khả năng thị trường sẽ hồi phục bất ngờ khi các vấn đề vĩ mô quan trọng như lãi suất và lạm phát được giải quyết phần nào.

Chúng tôi kỳ vọng những vấn đề đó sẽ được cải thiện sau quý I và ảnh hưởng của nó có thể bắt đầu ở cuối quý II. Do đó, nửa cuối năm 2011, đặc biệt quý IV, sẽ có khả năng một vài DN BĐS đầu ngành công bố kết quả kinh doanh tốt nhất năm.

Theo Đầu tư Chứng khoán
Xem tiếp...

18 thg 2, 2011

Biến động tỷ giá tạo áp lực mạnh lên thị trường bất động sản


Tỷ giá tăng lên làm chi phí đầu vào tăng, tuy nhiên việc tăng giá trong lúc này là một mạo hiểm, điều này nhiều chủ đầu tư sẽ phải cân nhắc.
 
Ngày 11/22011 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có quyết định điều chỉnh tỷ giá từ 18.932 đồng/USD lên 20.693 đồng/USD (tăng 9,3%). Theo lý thuyết việc tăng giá lần này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự điều chỉnh giá căn hộ chung cư đã niêm yết giá bằng đồng USD hoặc hình thức tương đương. Trong đó có cả căn hộ đang trong giai đoạn góp vốn cũng như căn hộ trong giai đoạn chuẩn bị chào bán.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc điều chỉnh tỷ giá đối với hầu hết chủ đầu tư hiện nay không còn là yếu tố bất ngờ nữa, mà hầu hết trong quá trình tính toán chi phí đầu tư cho đến quá trình chào bán sản phẩm ra thị trường, phần lớn chủ đầu tư đều lường trước yếu tố này. Do vậy, trong ngắn hạn điều chỉnh giá diễn ra rất ít với những dự án đã và đang chào bán.
Khách hàng thiệt thòi
Đối với khách hàng đã mua sản phẩm căn hộ hình thành trong tương lai niêm yết giá bằng đồng USD, đóng tiền theo tiến động xây dựng dự án thì đương nhiên việc thay đổi tỷ giá lần này họ sẽ phải mất một khoản chênh lệch tỷ giá không nhỏ khi thanh toán những đợt tiếp theo trong tương lai.
Ngoài ra, tâm lý nhà đầu tư hiên cũng rất hoang mang khi trên thị trường tự do tỷ giá luôn có biên động tăng. Mấy ngày ngần đây, tỷ giá VND/USD liên tục tăng, sáng nay (15/2) giá USD được giao dịch ở mức hơn 21.700 đồng/USD, đến chiều ngay 18/2/2011 giá USD trên thị trường tự do đã lên mức 22.220 đồng/USD. 
Ngoài ra, tâm lý nhà đầu tư hoang mang hiện nay cũng do yếu tố tác động từ những kênh đầu tư khác. Khi điều chỉnh tỷ giá tăng, đồng VND mất giá, đương nhiên việc gửi tiết kiệm bằng VND khách hàng sẽ thiệt thòi. Nhìn qua thị trường vàng, giá vàng ngày 18/2/2010 tiếp tục tăng và phá ngưỡng 37,42 triệu đồng/lượng, vàng biến động như vậy chắc chắn nhà đầu tư sẽ cần cân nhắc đầu tư vào vàng.
Thị trường bất động sản sẽ khó khăn hơn
Tỷ giá tăng, chi phí đầu vào sẽ tăng, điều đó sẽ có tác động đến lạm phát và đương nhiên lãi suất sẽ cao. Do đó, nền kinh tế sẽ không mấy sáng sủa trong năm 2011. Chắc chắn rằng thị trường bất động sản sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc huy động vốn.
Theo ông Nguyễn Đỗ Việt – Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Sông Đà Thăng Long, xét về trung và dài hạn, biến động tỷ giá như thế này có tác động tiêu cực đến nhà đầu tư. Sự biến động tỷ giá tăng như thế này, sẽ tác động đến chi phí đầu vào tăng lên, kéo theo chắc chắn CPI sẽ cao. CPI mà cao thì lãi suất chắc chắn sẽ cao.
Nếu lãi suất có thể kéo xuống được, thì mặt bằng cũng phải 16-17%, điều đấy thực sự khó khăn cho các doanh nghiệp bất động sản. Chưa nói chuyện, tỷ giá cao như thế thì mọi chi phí sẽ đẩy lên, trong khi đó Nhà nước lại đang có gắng hạn chế tăng trưởng tín dụng, điều đó có nghĩa là sẽ hạn chế tiền trong lưu thông. Trong khi đó, các ngân hàng sẽ thiếu vốn và đẩy lãi suất huy động lên cao để tạo tính thanh khoản, điều đó sẽ khiến chủ đầu tư tiếp cận với nguồn vốn sẽ khó khăn, các nhà đầu tư thứ cấp, khách hàng thanh toán sẽ khó khăn. Tôi nghĩ rằng, tỷ giá biến động tăng như thế sẽ có tác động mạnh đến thị trường bất động sản.
Còn quan điểm của ông Phạm Trung Hà – Tổng giám đốc Hòa Phát Land, thực tế hiện nay, những dự án công bố giá bán trực tiếp hay gián tiếp bằng tiền USD cũng không phải là nhiều. Thường những dự án đó gắn với yếu tố nước ngoài, hoặc là những sản phẩm cao cấp, và đối tượng khách hàng thì không phải là đại chúng.
Tuy nhiên, việc điều chỉnh tỷ giá chắc chắn là tác động đến kinh tế vĩ mô, vì nền kinh tế của mình chủ yếu vẫn là nhập siêu. Đương nhiên, các yếu tố đầu vào của dự án sẽ tăng lên, và có thể giá bán của sản phẩm căn hộ sẽ tăng lên.
Cung – Cầu sẽ điều tiết giá căn hộ
Xét về lý thuyết, khi tỷ giá tăng lên thì chi phí đầu vào hình thành nên sản phẩm căn hộ cao cấp trong tương lai sẽ tăng lên, do phải nhập khẩu nhiều thiết bị từ nước ngoài, trên lý thuyết khi giá thành tăng thì giá bán sẽ tăng lên nhằm đảm bảo tỷ suất lợi nhuận. Tuy nhiên, trên thực tế việc tăng giá bán căn hộ là một điều mà nhiều chủ đầu tư sẽ phải cân nhắc kỹ lưỡng trong bối cảnh hiện nay, việc tăng giá trong giai đoạn này sẽ vô cùng mạo hiểm.
Ông Nguyễn Đỗ Việt cho rằng, đối với những dự án chung cư cao cấp có rất nhiều thiết bị phải nhập khẩu, thì giá cũng sẽ đẩy lên, trong khi đó đầu ra thì lại ký rồi.
Chi phí đầu vào tăng, theo lý thuyết thì giá thành phẩm cũng sẽ tăng, nhưng vấn đề giá tăng lại phụ thuộc vào cung – cầu (có bán được hay không?), người ta mua sản phẩm bất động sản hình thành trong tương lai lại phụ thuộc khá nhiều vào sự sáng sửa của bức tranh kinh tế đi lên, trong khi đó điều đó lại rất khó khăn trong năm nay. Bức tranh kinh tế không sáng sửa như thế, thì việc mua bán cũng sẽ rất là khó khăn, họ không dám đầu tư.
Đối với một chủ đầu tư, chắc chắn họ sẽ không dám tăng giá căn hộ trong bối cảnh kinh tế như hiện nay, chủ đầu tư phải giảm lãi.
Xét chung trên thị trường, việc tăng giá là một mạo hiểm, điều này nhiều chủ đầu tư sẽ phải cân nhắc.
Ông Phạm Trung Hà: cũng phải nói đến một yếu tố ở đây là bản thân chủ đầu tư (người làm dự án) cũng sẽ phải cân đối đến yếu tố cung – cầu, bài toán về tỷ suất lợi nhuận. Trước đây, anh xây một tòa nhà chung cư đạt tỷ lệ lợi nhuận khoảng 60-70%, thì bây giờ phải chấp nhận tỷ suất lợi nhuận thấp xuống để cân đối vấn đề tỷ giá, yếu tố đầu vào và cung – cầu thị trường. Ví dụ như trường hợp của Hoàng Anh Gia Lai, ban đầu công bố giá bán 2000 USD/m2, sau đó giảm xuống 1.300 USD/m2, giá này vẫn còn rất lời chứ không phải không có lợi nhuận.
Rõ ràng là vấn đề tỷ giá sẽ tác động làm tăng giá trực tiếp đến đầu vào của sản phẩm như sắt thép, xi măng, nhân công, máy móc,…
Theo quan điểm cá nhân tôi, hiện mức giá căn hộ chung cư trên địa bàn Hà Nội vẫn khá cao và với mức giá này thì chủ đầu tư tương đối có lợi nhuận nhiều. Có thể theo biến động chung của thị trường họ mới điều chỉnh giá.
Theo Kiều Thuật - CafeF 

Xem tiếp...

Ra tay với đất có chủ bỏ hoang

Ngày 15.2, UBND TP Đà Nẵng đồng ý cho Sở Tài nguyên - Môi trường tổ chức dọn vệ sinh và quản lý các lô đất có chủ nhưng chưa sử dụng, để hoang gây mất vệ sinh môi trường. Hầu hết mọi người dân đều ủng hộ.

Dat bo hoang
Những khu đất lớn bỏ hoang để cây dại và xà bần đổ lén

Những hạt sạn của thành phố du lịch
Từ cửa ngõ phía bắc đi vào trung tâm TP Đà Nẵng theo tuyến đường biển, tầm nhìn của du khách sẽ không khỏi “lấn cấn” khi giữa những tòa nhà, khách sạn hoành tráng nằm dọc tuyến đường biển dài và đẹp nhất miền Trung, thỉnh thoảng lại xen vào những bãi tập kết rác và xà bần tự phát hay những khu đất cỏ dại mọc xanh um tùm, có nơi cao hơn 2m.

Dọn dẹp 81 lô, đổ xà bần hết 320 triệu đồng
Cuộc ra quân tổng vệ sinh đầu tiên đã được thực hiện vào trước tết âm lịch vài ngày tại phường Xuân Hà do Công ty môi trường và đô thị TP Đà Nẵng thực hiện. Sau khi dọn dẹp 81 lô đất trống bỏ hoang, Công ty môi trường đô thị đã phải xử lý đến 5.120m3 xà bần, chưa kể một số lượng lớn rác thải. Nếu tính bình quân số tiền phải trả tương đương 80.000 đồng/m3 , chỉ riêng việc dọn dẹp xà bần ước tính đã tốn gần 320 triệu đồng. Nếu dọn dẹp hết cả tuyến Nguyễn Tất Thành và đường 3 Tháng 2, dự kiến con số xà bần phải được dọn dẹp tương đương 20 ngàn mét khối, một con số không hề nhỏ!



Mùa hè, đây là điểm lãnh đủ của những người dân xung quanh khi bụi từ xà bần của một số người thiếu ý thức đổ trộm cùng với gió biển biến thành những trận “bão cát”, kết hợp cùng mùi rác xông lên chịu hết nổi. Mùa mưa, những “rừng cỏ dại” ẩm thấp thi nhau mọc lên trở thành những ổ dịch sốt xuất huyết. Đó là chưa nói đến các tệ nạn xã hội khác cũng tập kết về những lô đất không chủ này khiến an ninh địa phương trở nên phức tạp.

Ông Đinh Quang Tưởng, Phó chủ tịch UBND phường Xuân Hà chia sẻ: “Đây là bức xúc của những hộ dân xung quanh khu vực có đất trống, để hoang trong những cuộc họp tổ dân phố. Trước đây, có cả xe ben đem xà bần đến đổ tại những khu đất trống. Sau này, thành phố làm quyết liệt, họ chuyển sang đổ nhỏ lẻ bằng xe rùa, xe bò. Đã nhiều lần, địa phương liên lạc với các chủ đất, kể cả ở TP.HCM, Hà Nội để họ có biện pháp bảo vệ khu đất của mình nhưng họ bảo đã sang tay bán lại rồi. Nhiều lô đất bỏ hoang cả hơn chục năm trời, không ai biết chủ nhân ở đâu để liên hệ. Chúng tôi đành bất lực”.


Dọn dẹp đất hoang theo kiểu... Đà Nẵng
Hiện tại, trên tuyến đường biển Nguyễn Tất Thành và đường 3 Tháng 2 là địa bàn của 6 phường gồm Tam Thuận, Thuận Phước, Thanh Bình, Xuân Hà, Thanh Khê Đông, Thanh Khê Tây. Theo thống kê ban đầu báo cáo lên thành phố, những lô đất thuộc diện này tại phường Xuân Hà gồm có 81 lô, phường Thanh Khê Tây có 35 lô, các phường khác đến nay vẫn chưa có báo cáo cụ thể.

Trước thực trạng đó, Sở Tài nguyên - Môi trường TP Đà Nẵng đã trình UBND thành phố về việc xin tổng dọn vệ sinh tất cả các khu đất trống để trả lại mỹ quan đô thị và vừa được phê duyệt. Theo đó, trước khi thực hiện, Sở Tài nguyên - Môi trường sẽ ra thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng đối với chủ các lô đất này yêu cầu họ dọn dẹp, có biện pháp bảo vệ lô đất của mình. Sau thời gian ra thông báo 10 ngày, nếu các chủ đất không thực hiện hoặc không phản hồi với địa phương hay các cơ quan chức năng, Sở sẽ đứng ra tổng vệ sinh các lô đất trống trên. Sau khi trả lại mặt bằng sạch đẹp cho các lô đất, Sở sẽ giao các địa phương tạm thời quản lý. Theo bà Phạm Thị Chín, Phụ trách Văn phòng Dự án quản lý tổng hợp vùng bờ Đà Nẵng (ICM), kinh phí để thực hiện trước hết sẽ do sở huy động từ các tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp.

“Phạt tiền từ 2 triệu đến 10 triệu đồng đối với hành vi không sử dụng đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư quá thời hạn mười hai tháng liền hoặc tiến độ sử dụng đất chậm hơn hai bốn tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư, kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định giao đất, cho đất thuê đất đó cho phép”
Trích khoản 2, điều 20 Nghị định 105/2009 NĐ-CP ngày 11.9.2009 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai
Dọn dẹp đã khó, nhưng việc giữ gìn làm sao để những khu đất này không “mèo lại hoàn mèo” là việc khó hơn. Được biết, trong cuộc họp vừa qua giữa thành phố, Sở Tài nguyên - Môi trường cùng đại diện các địa phương liên quan đã đi đến thống nhất giao cho các địa phương quản lý và tạm thời sử dụng vào mục đích tạo nguồn kinh phí tùy thuộc vào nhu cầu của từng địa phương. Các chủ đất muốn lấy lại đất phải hoàn lại kinh phí dọn dẹp mà thành phố đã chi trả.
Một số địa phương dự kiến các lô đất sau khi được dọn dẹp, sẽ được san nền, rào hàng rào để tạm sử dụng vào mục đích như cho thuê giữ xe, rửa xe, làm thúng hoặc trồng cây... Đối với những lô đất này, dự kiến các chủ đất nếu muốn lấy lại đất thì phải thông báo trước 6 tháng. Nếu chủ đất muốn lấy lại đất ngay thì ngoài chi phí dọn dẹp vệ sinh còn phải hoàn trả các chi phí đầu tư trước đó...
Nhiều người dân khi biết chủ trương của thành phố về việc dọn dẹp và quản lý các khu đất trống bỏ hoang đã rất ủng hộ, cho rằng việc làm này giúp trả lại mặt bằng cảnh quan sạch đẹp vì đây là thành phố du lịch trọng điểm của miền Trung. Tuy nhiên, cũng có không ít ý kiến băn khoăn về chủ trương này từ khía cạnh pháp lý và phản hồi của một số chủ các lô đất đã được cấp quyền sử dụng.
Theo Sở Tài nguyên - Môi trường TP Đà Nẵng, sau khi thực hiện thí điểm việc dọn vệ sinh và quản lý các khu đất bỏ trống ở cung đường biển Nguyễn Tất Thành và 3 Tháng 2, việc thực hiện sẽ được triển khai trên toàn bộ các khu đất đang bỏ hoang trên các tuyến đường trọng điểm trong năm 2011. 

Chủ đất phải hoàn trả kinh phí dọn dẹp
Để đảm bảo các chủ đất sẽ hoàn trả lại kinh phí mà thành phố đã đứng ra dọn dẹp vệ sinh, chúng tôi sẽ thông báo số hiệu các lô đất này lên các phòng công chứng. Các chủ đất khi muốn giao dịch, chuyển nhượng thì buộc phải thực hiện nghĩa vụ đầy đủ rồi mới được phép sang nhượng, mua bán. Tôi nghĩ việc hoàn trả kinh phí sẽ thực hiện được vì đã có những quy định pháp lý để đảm bảo. 
Bà Phạm Thị Chín, phụ trách VP dự án Quản lý tổng hợp vùng bờ TP Đà Nẵng (ICM)
Buộc các chủ đất phải có trách nhiệm đảm bảo môi trường
Vấn đề này là câu chuyện môi trường. Đây là biện pháp tích cực nhằm buộc các chủ đất phải có trách nhiệm trong việc đảm bảo môi trường cảnh quan. Thực chất của việc giao cho phường quản lý chủ yếu là để trông coi. Đối với một số khu đất trống chưa sử dụng để tình trạng đổ rác thải, phế liệu gây ô nhiễm môi trường, chúng tôi sẽ áp dụng xử phạt. Những quy định pháp lý mà chúng tôi dựa vào để xử phạt lỗi của người sử dụng đất căn cứ vào khoản 2, điều 20 của Nghị định 105 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.
Ông Hoàng Minh Hòa, Chánh thanh tra sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng
Trần Phương  (ghi)
Thanhnienonline

Xem tiếp...

17 thg 2, 2011

Định giá đất sai gây thiệt hại hơn 44,3 triệu USD

Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã có Kết luận thanh tra (KLTT) số 158/KL-TTCP ban hành ngày 30.1.2011 do Phó tổng TTCP Nguyễn Đức Hạnh ký, về dự án (DA) đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài (TSN - BL - VĐN) TP.HCM.

Khu dan cu
Hướng tuyến bị điều chỉnh đi qua khu dân cư tổ 82, 89 (P.2, Q.Tân Bình) đã sống ổn định hơn 20 năm qua, gây khiếu kiện kéo dài - Ảnh: P.T
Để thực hiện DA, UBND TP.HCM đã ký kết hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) với Công ty GS E&C (Hàn Quốc), giao GS đầu tư xây dựng đường TSN - BL - VĐN và hoàn vốn bằng việc thuê 5 khu đất có giá trị tương đương để đầu tư xây dựng khu dân cư, thương mại và dịch vụ.

Theo KLTT, việc định giá các khu đất đáng lẽ phải được triển khai vào thời điểm có quyết định cho thuê đất, song thực tế lại được tiến hành sớm hơn.

Trong đó, khu đất trên đường Lý Thường Kiệt (Q.10) được TP.HCM định giá 37 triệu USD. Theo KLTT, đến năm 2008 UBND TP mới có quyết định cho GS thuê, nhưng việc định giá khu đất đã được tiến hành từ năm 2005.

Trong khi đó, căn cứ vào bảng giá đất hằng năm, từ năm 2005 đến 2008, giá đất đường Lý Thường Kiệt tăng 30%. Khi GS tiến hành lập DA tổ hợp cao ốc trên đường Lý Thường Kiệt thì tiền sử dụng đất đã lên đến 51,6 triệu USD, cao hơn số tiền mà TP.HCM định giá hơn 14,8 triệu USD.

“Như vậy, do việc áp giá đất không đúng thời điểm, UBND TP đã làm thiệt hại cho ngân sách nhà nước 14,8 triệu USD. Đáng chú ý là, khu đất Lý Thường Kiệt chưa được đầu tư hạ tầng kỹ thuật, mới san lấp mặt bằng, nhưng cũng đã được UBND TP đồng ý cho GS chuyển nhượng để lấy tiền làm đường” - KLTT nhận định.

Đối với khu đất gần 92 ha ở P.Long Bình (Q.9), khi tính toán nghĩa vụ tài chính của GS với khu đất này, UBND TP đã tự quyết định mà không áp giá do Sở Tài chính đề xuất. Cụ thể, UBND TP đã định giá khu đất là 78,5 triệu USD, thấp hơn 29,5 triệu USD so với đề xuất của Sở Tài chính.

Mặt khác, theo hợp đồng BT, khu đất Long Bình chỉ được giao cho GS sau 3 năm tính từ ngày khởi công tuyến đường hoặc khi tuyến đường đã hoàn thành được 70%. Trong khi đến nay vẫn chưa biết ngày khởi công chính thức tuyến đường nên việc xác định giá trị khu đất như trên là không có cơ sở. Theo bảng giá đất hằng năm, từ năm 2006 (khi định giá khu đất) đến năm 2009, giá trị khu đất Long Bình tăng từ 2 - 2,7 lần.

Tương tự, với 2 khu đất tại P.Thảo Điền (Q.2), đến năm 2008 UBND TP mới có quyết định cho GS thuê, nhưng lại chấp thuận cho nhà đầu tư nộp tiền sử dụng đất theo giá của năm 2006 là không đúng với kiến nghị của Bộ Tài chính và báo cáo của UBND TP với Thủ tướng. Với khu đất tại khu đô thị mới Thủ Thiêm (Q.2), UBND TP tự ý định giá đất mà không giao các Sở tham mưu.

Cụ thể, UBND TP định giá khu đất này là 100 triệu USD, song thực tế đến nay TP vẫn chưa có quyết định cho thuê đất nên không thể xác định giá trị mà GS phải nộp cho khu đất này là bao nhiêu.

Từ các cơ sở trên, KLTT nhận định, việc UBND TP cho GS thuê 5 khu đất mà không tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, trong đó tự ý định giá 2 khu đất mà không căn cứ tham mưu của Sở Tài chính là vi phạm nguyên tắc quản lý tài chính nhà nước. Việc xác định giá trị đất không đúng thời điểm cho GS thuê đất là trái đề xuất của Bộ Tài chính và Bộ Tài nguyên - Môi trường và không đúng với chính kiến nghị của UBND TP với Thủ tướng Chính phủ, đã làm lợi cho nhà đầu tư nước ngoài và gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước hơn 44,3 triệu USD.

“Những việc làm trên là không minh bạch, gây sự hoài nghi trong đội ngũ cán bộ, công chức và nhân dân, là một trong những nguyên nhân gây khiếu kiện hiện nay. Trách nhiệm thuộc UBND TP.HCM” - TTCP kết luận.

Hợp đồng đổi đất bất thường
Không chỉ gây thất thoát tài sản nhà nước, theo KLTT, hợp đồng BT mà UBND TP ký kết với GS có nhiều điều khoản bất cập. Cụ thể, UBND TP cho GS thuê 5 khu đất mà không trình HĐND TP là trái quy định pháp luật. TP cũng không chỉ đạo GS và các sở ngành lập quy hoạch chi tiết 1/500 đối với các khu đất cho GS thuê để thực hiện các DA bất động sản là vi phạm quy định pháp luật về kinh doanh bất động sản.

Đặc biệt, “nhiều điều khoản xung đột với pháp luật VN, không phù hợp thực tế hoặc chưa có cơ sở đảm bảo tính chính xác, từ đó đã và sẽ phát sinh những bất cập. Chẳng hạn, các quy định về xây dựng chuyển giao con đường, xác định giá trị con đường, lập và phê duyệt thiết kế, bồi thường giải phóng mặt bằng...” - KLTT nêu rõ.

Theo TTCP, khi ký hợp đồng BT, UBND TP và GS đã cố ý ghép 2 loại DA (DA xây dựng con đường và DA kinh doanh BĐS) vào cùng một hợp đồng là trái quy định pháp luật. Việc ký hợp đồng “hai trong một” kiểu này là không tường minh, làm phức tạp thêm quá trình đàm phán, dễ rủi ro khi ký kết hợp đồng cũng như trong quá trình triển khai DA.

Mặt khác, theo hợp đồng BT, giá trị con đường được xác định khoảng 172 triệu USD (tương đương chi phí xây lắp mà GS phải bỏ ra cho con đường - PV) là không có cơ sở, bởi con số này được GS lập năm 2005 theo đơn giá tổng hợp, mà không có đơn giá chi tiết, không được các cấp T.Ư thẩm định.

Khi kiểm tra bảng tổng hợp dự toán xây dựng công trình, TTCP phát hiện có khoản chi phí gián tiếp cho doanh nghiệp nước ngoài là 138,4 tỉ đồng, nhưng Sở Kế hoạch - Đầu tư và Ban điều phối DA không giải trình được nội dung này.

Tự ý bẻ cong hướng tuyến

Về việc bẻ cong hướng tuyến so với quy hoạch năm 1997 của Thủ tướng, KLTT nhận định: “UBND TP đã không xin ý kiến Thủ tướng, không lấy ý kiến thỏa thuận của các bộ ngành liên quan, không tổ chức lấy ý kiến các hộ dân trong khu vực quy hoạch, mà chỉ căn cứ vào đề xuất của GS là không phù hợp quy định pháp luật”. UBND TP cũng không có phương án tính toán cụ thể về hiệu quả kinh tế - xã hội của việc điều chỉnh quy hoạch từ đường rộng 60m thành 2 nhánh (mỗi nhánh rộng 20m). Thanh tra khẳng định các báo cáo giải trình của UBND TP mang nặng tính chủ quan, không có cơ sở khoa học để cho rằng phương án tuyến điều chỉnh có lợi hơn phương án đã được Thủ tướng phê duyệt. Từ đây, TTCP nhận định các tố cáo của người dân liên quan đến việc tự ý điều chỉnh hướng tuyến là “có cơ sở”, và “trách nhiệm thuộc UBND TP”.

Từ việc điều chỉnh hướng tuyến dẫn đến cắt vào đất công viên, TTCP xác định, các tài liệu quy hoạch của các sở ngành liên quan không có tài liệu nào thể hiện nội dung quy hoạch sử dụng 1,3 ha đất Công viên Gia Định làm đường. Trước đó, UBND TP cho rằng việc cắt đất Công viên Gia Định sẽ được hoán đổi bằng việc lập một công viên khác trên địa bàn Q.Gò Vấp với diện tích gấp 1,2 lần, song khi kiểm tra tài liệu quy hoạch tại Sở Tài nguyên - Môi trường và Q.Gò Vấp thì không thấy nội dung này. Từ đó, thanh tra kết luận việc UBND TP lấy đất công viên làm đường là không có cơ sở.

Đoàn thanh tra cũng phát hiện nhiều trường hợp người dân tự ý xây dựng nhà trên đất do Thủ tướng quy hoạch. Điều đáng nói là các trường hợp này không những không bị xử lý mà còn được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở. Cụ thể, từ thời điểm có quy hoạch của Thủ tướng vào năm 1997, UBND TP, Sở Địa chính - Nhà đất, Sở Xây dựng và UBND Q.Tân Bình đã cấp giấy chứng nhận cho 143/392 trường hợp nằm trên đất quy hoạch. “Điều này thể hiện sự buông lỏng quản lý” - KLTT khẳng định.
835 đơn khiếu nại, tố cáo
TTCP cho biết nhận được 835 đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo của người dân tại 4 quận có dự án đi qua (Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh, Thủ Đức). Trong đó có một số vụ khiếu nại phức tạp, kéo dài, một số vụ khiếu nại đông người, tính chất gay gắt, nếu không giải quyết dứt điểm có nguy cơ trở thành “điểm nóng”. Theo TTCP, việc UBND TP ban hành quyết định điều chỉnh hướng tuyến không đúng trình tự, thủ tục và việc ban hành quyết định thu hồi đất có sai sót, áp đặt là nguyên nhân chung dẫn đến khiếu nại trong thời gian qua...

TTCP yêu cầu:

 - UBND TP rà soát, tính toán lại giá trị các khu đất đổi cho GS, giá trị dự toán con đường, những khoản chi phí cho nhà đầu tư nước ngoài theo đúng các quy định pháp luật hiện hành. Trên cơ sở đó, tiến hành đàm phán, điều chỉnh một số điều khoản của hợp đồng BT, đặc biệt là điều khoản về giá trị 5 khu đất và giá trị con đường, tránh gây thiệt hại cho nhà nước.

 - UBND TP cần có thái độ nghiêm túc nhận thiếu sót trước công dân về những thiếu sót, khuyết điểm trong quá trình triển khai DA. Đồng thời, giải thích, vận động người dân ủng hộ và có chính sách bồi thường, hỗ trợ hợp lý, công bằng để giải quyết dứt điểm các khiếu nại trong dân.

 - UBND TP tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, có hình thức xử lý đối với các cán bộ, công chức liên quan đến các vi phạm nêu trên của UBND TP, các sở GTVT, Tài nguyên - Môi trường, Kế hoạch - Đầu tư, Quy hoạch - Kiến trúc, Tài chính, lãnh đạo tổ đàm phán hợp đồng BT, lãnh đạo Ban điều phối dự án và UBND các quận liên quan.

Theo Thanh Niên
Xem tiếp...

16 thg 2, 2011

Xây nhà cho thuê - Lành nhiều, trúng lớn

Việc xây nhà cho thuê được ví như “lời đơn lãi kép” và cũng là hướng đi mới cho một số chủ đầu tư.

Trong thời điểm bất động sản đang bị sức ép lãi suất và việc đón đầu quy hoạch chưa thực sự rõ nét. Việc xây nhà cho thuê được ví như “lời đơn lãi kép” và cũng là hướng đi mới cho một số chủ đầu tư.



Cho thuê nhà…trúng lớn

Điểm đến của nhiều nhà đầu tư hiện nay chính là những khu đất có diện tích lớn ở các khu dân cư xung quanh các nhà máy, khu công nghiệp… để xây nhà trọ. Theo đó khoản lợi nhuận thu về lớn nhất không phải là tiền cho thuê nhà mà chính là sự gia tăng giá trị lô đất.


Cách đây 2 năm, anh Nguyễn Văn Nam (Cầu Giấy, Hà Nội) có mua một lô đất rộng 300m² gần Khu công nghiệp Bắc Thăng Long với giá gần 1 tỷ đồng để đầu tư xây dựng 20 phòng trọ. Với giá cho thuê trung bình 1 triệu đồng/tháng, mỗi tháng ông thu về 20 triệu.


Tính ra chỉ cần hơn 4 năm ông đã thu hồi được vốn đầu tư mua đất và xây dựng phòng trọ vì giá thuê phòng năm sau luôn cao hơn năm trước. Đến thời điểm hiện nay, lô đất anh Nam đang sở hữu đã “ngót nghét” chục tỷ đồng, và giá thuê nhà hiện tại cũng tăng gấp đôi so với thời điểm trước.

Có cầu ắt có cung, xu hướng này kéo theo hàng loạt gia đình xây nhà trọ cho thuê với giá rẻ. Điển hình như mới đây, anh Trần Hoàng Long (Đông Anh, Hà Nội) đã “ôm” hàng trăm diện tích đất Hải Bối để xây vài chục nhà cho thuê, đáp ứng chỗ ở cho hàng ngàn công nhân làm việc trên địa bàn.


Tại ven đô và các thành phố lớn, do diện tích đất nhỏ hẹp nên xu hướng xây nhà cao tầng cho thuê hướng tới các đối tượng thu nhập thấp là người ngoại tỉnh đã được “nhắm” tới.Trong vai người đi thuê nhà, phóng viên chúng tôi đã gặp anh Nguyễn Văn Linh (Từ Liêm, Hà Nội). Anh vừa xây xong 2 ngôi nhà cạnh nhau, cao 5 tầng, mỗi nhà gồm 10 phòng cho thuê. Anh cho biết, anh định chia luôn cho 2 đứa con trai vừa lập gia đình nhưng nhận thấy nhu cầu thuê nhà ngày càng đông nên anh quyết định cho thuê khoảng chục năm.

Anh chia sẻ: “Sẵn có đất và tiền nên tôi quyết định đầu tư vào căn hộ cho thuê. Đây là cách đầu tư hiệu quả nhất. Mỗi phòng rẻ nhất là 2 triệu đồng/m², đắt nhất là 2,5 triệu đồng/m². Mỗi năm tôi cũng thu về ngót nghét gần 500 triệu đồng. Chẳng phải làm gì mà cũng thu được nhiều tiền. Vừa an toàn lại nhàn hạ”.


Theo khảo sát của phóng viên, xu hướng xây nhà cho thuê đang “nở rộ” tại các khu ven Thủ đô. Chỉ tính riêng các khu vực “nóng” như: làng Phùng Khoang, Triều Khúc (Thanh Xuân); Dịch Vọng, Đồng Xa (Cầu Giấy); Cổ Nhuế, Xuân Đỉnh, Tây Mỗ, Đại Mỗ (Từ Liêm)… số người thu nhập thấp đến thuê nhà chiếm tới 70% người dân địa phương.

Đa phần trong làng thuộc các khu vực trên đều xây nhà cho thuê, trung bình mỗi nhà xây thêm 5-6 phòng, cá biệt có nhà xây tới 25-30 phòng. Giá phòng dao động từ 2 - 3 triệu đồng. Như vậy mỗi tháng số tiền thu nhập quả là không nhỏ. Đó là chưa kể các dịch vụ như: tiền điện, tiền nước, tiền vệ sinh và những phụ phí khác.

Chị Minh Thu (Từ Liêm, Hà Nội) - Chủ một chung cư mini chia sẻ: “Có đất xây nhà trọ là cách làm ăn có lãi nhất lại nhàn hạ, chỉ mất khoản đầu tư ban đầu. Còn vật giá lên cao, lại tăng tiền nhà. Ngoài ra còn có thể ăn thêm ở khoản điện nước vệ sinh, tiền gửi xe”.



An toàn cao, hiệu quả lớn

Tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam cho thấy, cả nước hiện còn khoảng 11.458 hộ chưa có nhà ở. Trong đó, tại khu vực đô thị, số hộ không có nhà ở vào khoảng 4.502 hộ. Tại khu vực nông thôn, số hộ không có nhà ở vào khoảng 6.956 hộ. Trên toàn quốc hiện còn khoảng 3,5 triệu hộ sống trong những ngôi nhà đơn sơ.

Hiện tại trên cả nước đang diễn ra “làn sóng” di dân có cường độ lớn. Trong đó, di dân giữa các vùng tăng gấp 1,5 lần. Giai đoạn 2004-2009, tổng số người di cư là 9,09 triệu người, đặc biệt số người di cư tăng theo khoảng cách di cư. Việc di dân khiến sức ép tăng dân số cơ học đối với đô thị ngày càng căng thẳng, dẫn tới quá tải hạ tầng xã hội: thiếu nhà, trường học, bệnh viện quá tải, môi trường đô thị xuống cấp trầm trọng, thiếu khu vui chơi giải trí, công viên.


Trao đổi về vấn đề này, lãnh đạo Cục Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản khẳng định: “Mua đất xây nhà cho thuê là hình thức kinh doanh có hệ số an toàn cao, hiệu quả kinh tế lớn, vừa đem lại nguồn lợi nhuận ổn định cho nhà đầu tư đồng thời giải quyết được vấn đề thiếu nhà ở xã hội”.


Vị lãnh đạo này cũng lý giải, hiện quỹ đất không đủ để xây dựng nhà riêng lẻ, nhà cho người thu nhập thấp đang thiếu trầm trọng so với nhu cầu thực tế là những vấn đề được bàn luận nhiều trong thời gian qua. Xu hướng mới trong đầu tư bất động sản là xây nhà chung cư, nhà cho thuê thay cho nhà riêng lẻ đã và đang là xu thế chung trong quá trình đô thị hóa. Đây là những tín hiệu đáng mừng tạo thêm nhiều cơ hội sở hữu nhà cho nhiều người.


Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Thế Giang - Phó Giám đốc đầu tư sàn giao dịch bất động sản Bình Minh cho biết, xét về khía cạnh đầu tư thì đây là kênh mang lại sự ổn định. Trong thời điểm bất động sản đang bị sức ép lãi suất và việc đón đầu quy hoạch chưa thực sự rõ nét. Việc xây nhà cho thuê cũng là hướng đi mới cho nhiều chủ đầu tư.

Theo Lưu Vân
Diễn Đàn Doanh Nghiệp

Xem tiếp...

Hà Nội dẫn đầu toàn quốc về tỷ lệ nhà chung cư

Theo Bộ Xây dựng, hiện nay, tỷ lệ nhà chung cư tại các đô thị trên cả nước đạt 3,72% tổng diện tích nhà ở. Hà Nội là địa phương có tỷ lệ nhà chung cư cao nhất với tỷ lệ chiếm tới 16,64%.

Việc Hà Nội giữ ngôi “quán quân” về tỷ lệ nhà chung cư được lý giải bởi một loạt các dự án lớn đã và đang được triển khai. Điển hình là hệ thống các dự án dọc đại lộ Thăng Long và Lê Văn Lương kéo dài đến đường vành đai 4 như dự án khu đô thị mới Tây Mỗ-Đại Mỗ, Spendora, Geleximco, Nam An Khánh, Bắc An Khánh…

Bên cạnh đó là hàng trăm dự án chung cư được triển khai tại các quận, huyện khác và các dự án nhà cho người thu nhập thấp. Nguồn cung lớn cũng là tín hiệu đáng mừng cho những người có nhu cầu thực sự về chỗ ở trong thời gian tới.

Xếp sau Hà Nội, Tp.HCM chỉ đứng thứ hai, với tỷ lệ chung cư chiếm 6,13%. Hải Phòng và Đà Nẵng lần lượt xếp ở các vị trí thứ hai với tỷ lệ lần lượt là 5,8% và 2,1%.

Cũng theo Bộ Xây dựng, quy mô diện tích căn hộ bình quân cũng ngày càng tăng lên. Hiện cả nước đã có trên 51,5% tổng số căn hộ có diện tích trên 60 m2, trong đó 17,9% có diện tích từ 100 m2 trở lên.

Riêng tại khu vực đô thị, tỷ lệ quy mô căn hộ có diện tích từ 100 m2 trở lên chiếm 26,63%; căn hộ từ 60 m2 đến dưới 100 m2 chiếm 29,515%; căn hộ từ 30 m2 đến 60 m2 chiếm 29,61%; căn hộ dưới 30 m2 chiếm 14,26% (trong đó, còn có 4,04% số căn hộ có diện tích dưới 15 m2).



Vneconomy

Xem tiếp...

14 thg 2, 2011

HDC - Được cấp giấy chứng nhận đầu tư 3 dự án lớn

HDC: Được cấp giấy chứng nhận đầu tư 3 dự án lớn
Dự án Cụm tiểu thủ Công nghiệp và Khu đô thị Phước Thắng, Dự án Khu đô thị mới 49ha phường 12 Thành phố Vũng Tàu và Hodeco Sea Village
 

Ngày 11/02/2011, Công ty CP Phát triển nhà BR-VT (HDC) đã được UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu trao Giấy chứng nhận đầu tư Dự án Cụm tiểu thủ Công nghiệp và Khu đô thị Phước Thắng và Dự án Khu đô thị mới 49ha phường 12 Thành phố Vũng Tàu.
Trước đó, ngày 10/12/2010 Công ty cũng nhận được Giấy chứng nhận đầu tư Dự án Khu nhà ở, khách sạn HODECO SEA VILLAGE.
Theo HDC, đây là những dự án lớn mà Công ty đang làm các thủ tục theo luật định để triển khai đưa vào đầu tư, xây dựng và kinh doanh từ năm 2010 đến 2015.
Theo giấy chứng nhận đầu tư của các dự án trên, Dự án Phước Thắng có tổng mức đầu tư 4.242 tỷ đồng. Quy mô dự án khoảng 123,8 ha, gồm có 756 căn biệt thự và 723 căn nhà liên kế. Nhà chung cư cao tầng gồm có 8 khối nhà cao từ 18 – 36 tầng, khu tái định cư có 3 khối nhà cao từ 5- 9 tầng. Khách sạn kết hợp căn hộ gồm 01 khối cao 21-36 tầng 2.
Khu đô thị mới 49ha phường 12 Thành phố Vũng Tàu: Tổng mức đầu tư của dự án này là 1.287 tỷ đồng. Quy mô dự án 49 ha gồm có khoảng 490  căn liền kế chiếm diện tích đất là diện tích đất 51.702 m2, diện tích sàn 154.000 m2, 433 căn hộ, diện tích đất 128.010 m2, diện tích sàn 100.000m2. Ngoài ra, dự án còn có khoảng 1.200 căn hộ chung cư với tổng diện tích sàn 200.000m2 và diện tích đất xây dựng khách sạn 18.294m2.
Khu nhà ở, khách sạn HODECO SEA VILLAGE: Dự án này có tổng mức đầu tư 1.148 tỷ đồng với quy mô 47.471m2, gồm có 3 khối nhà với 850 căn. Lô số 01 và 1a cao 33 tầng; lô số 02 cao 36 tầng, 20 căn biệt thự. Bên cạnh đó, có 2 khối khách sạn C1 và C2 cao 21 tầng (300 phòng).
Kiều Thuật - Cafef

Xem tiếp...

13 thg 2, 2011

Nhiều sàn giao dịch bất động sản bị...."bắt lỗi"

Nhiều sàn giao dịch bất động sản bị bắt lỗi
Bộ Xây dựng vừa phát đi những tín hiệu cứng rắn trong việc chấn chỉnh hoạt động các doanh nghiệp kinh doanh BĐS bằng việc xử phạt hàng loạt sàn giao dịch BĐS cuối tháng 1 vừa qua.
 

Tại Hà Nội, trong số 25 sàn giao dịch BĐS bị xử phạt (trên tổng số 61 sàn giao dịch được kiểm tra) có nhiều sàn giao dịch có tên tuổi như Sàn giao dịch Công ty BĐS Thế Kỷ (CEN Group); Sàn giao dịch BĐS Công ty 507… Các sai phạm chủ yếu của các sàn giao dịch BĐS này là chủ đầu tư khai khống vốn chủ sở hữu để xin thực hiện dự án; bán BĐS không đủ điều kiện như: chung cư bán khi chưa hoàn thành móng, bán biệt thự khi chưa hoàn thành xây thô; huy động vốn vượt quá 70% tổng vốn đầu tư...
Tại TP.HCM có 11 sàn giao dịch BĐS bị xử phạt với các lỗi tương tự. Trong đó có những tên tuổi lớn trong làng kinh doanh BĐS phía Nam như Sàn giao dịch BĐS Quốc Cường (Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai); Sàn giao dịch BĐS ACB…
Ông Phạm Gia Yên, Chánh thanh tra Bộ Xây dựng cho biết, theo các quy định hiện hành, các sàn giao dịch BĐS trên sẽ phải chịu mức phạt hành chính từ 60 đến 250 triệu đồng, tùy theo mức độ vi phạm.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, kể từ thời điểm Luật Kinh doanh BĐS có hiệu lực thi hành (từ ngày 1/1/2009) cả nước đã có gần 700 sàn giao dịch BĐS đăng ký hoạt động. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam nhận xét, sau một thời gian phát triển bề rộng, hệ thống “chợ” BĐS đã hình thành. “Tuy nhiên, đã đến lúc cơ quan chức năng tổ chức “hậu kiểm” chặt chẽ để hệ thống sàn hoạt động đi vào chiều sâu, có chất lượng hơn, tránh hoạt động hình thức, hoặc làm ăn mang tính chụp giật”, ông Nam nói.
Cũng theo ông Nam, Bộ Xây dựng đang chủ trì xây dựng dự thảo thông tư hướng dẫn việc phân hạng sàn giao dịch BĐS. Dự thảo cũng đề ra các hình thức xử lý phù hợp nếu sàn giao dịch vi phạm chế độ báo cáo, vi phạm hành chính.. Đồng thời, dự thảo thông tư cũng sẽ quy định sàn giao dịch BĐS trong 1 tháng, hoặc 1 quý phải đảm bảo một lượng giao dịch nhất định, tránh việc có những sàn giao dịch “ma”, sàn giao dịch mở ra, nhưng không có hoạt động mua - bán!
 
Danh sách 11 sàn giao dịch BĐS tại TP.HCM bị xử phạt hành chính
1 Sàn giao dịch BĐS Proland (Công ty cổ phần Đầu tư Kinh doanh và Dịch vụ BĐS Chuyên Nghiệp), tại số 741, Trần Hưng Đạo, phường 1, quận 5.
2 Sàn giao dịch BĐS ACB (Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ địa ốc ACB), tại số 29 Ter, Nguyễn Đình Chiểu, quận 1.
3 Sàn giao dịch BĐS Công ty cổ phần Xây dựng và Kinh doanh nhà Đại Phúc, tại số 414, Ung Văn Khiêm, phường 25, quận Bình Thạnh.
4 Sàn giao dịch BĐS Công ty cổ phần Xây dựng công trình và Đầu tư địa ốc Hồng Quang, tại số 007 – 008, Chung cư H1 Hoàng Diệu, phường 9, quận 4.
5 Sàn giao dịch BĐS INTRESCO (CTCP Đầu tư - kinh doanh nhà), tại số 18, Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Đa Kao, quận 1.
6 Sàn giao dịch BĐS Khang Nam (Công ty cổ phần Đầu tư địa ốc Khang Nam), tại số 215, đường 9A, Khu dân cư Trung Sơn, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh.
7 Sàn giao dịch BĐS Nhà Việt (Công ty cổ phần Đầu tư - Xây dựng - Thương mại Nhà Việt), tại số 259, đường số 7, phường Bình Trị Đông B, quận Bình Thạnh.
8 Sàn giao dịch BĐS HDTC (Công ty TNHH một thành viên Phát triển và Kinh doanh Nhà), tại lầu 1, cao ốc An Phú, Xa lộ Hà Nội, phường An Phú, quận 2.
9 Sàn giao dịch BĐS BCCI (Công ty cổ phần Đầu tư - Xây dựng Bình Chánh), tại số 550, Kinh Dương Vương, phường An Lạc, quận Bình Tân.
10. Sàn giao dịch BĐS Quốc Cường (Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai) tại số 472, Nguyễn Thị Minh Khai, phường 2, quận 3.
11. Sàn giao dịch BĐS Chương Dương (Công ty cổ phần Chương Dương) tại số 225, Bến Chương Dương, quận 1.

Theo Hà Quang
Báo Đầu tư

Xem tiếp...