25 thg 4, 2011

Quảng Bình: Đánh bạc với dự án BĐS 3 tỉ USD ?

Hàng trăm hộ dân xã Quảng Đông (Quảng Bình) đang chờ đổi đời bằng cách cầm cố sổ đỏ, vay mượn lãi suất cao xây nhà chờ dự án nhiệt điện 3 tỉ USD đền bù khi di dời.

Họ tin rằng, việc xây xa nhà cửa từ vườn ra ngõ, từ ngõ ra ruộng sẽ đem lại khoản đền bù lớn mà không hiểu rằng đó là việc làm như canh bạc mong manh.

Canh bạc chờ đền bù
Bỏ nông nghiệp và nghề biển, ở nhà xây nhà cửa đợi đền bù.


Thôn Vĩnh Sơn chưa thoát được cảnh khổ nghèo vì thế đất loi choi dưới chân núi Hoành Sơn. Làm lụng vất vã nhưng không đủ ăn, nên khi nghe tin có đền bù lớn từ dự án nhiệt điện Quảng Trạch của tập đoàn dầu khí Việt Nam, người làng bổng nhiên nhộn nhạo lên. Họ biến các mảnh vườn cằn cỗi thành nhà cửa đón đợi… đền bù.

Chỉ chưa đầy mười ngày, Vĩnh Sơn đã mọc lên hàng trăm căn nhà không móng, tường xây không giằng sắt, không trụ đỡ, chằng néo mái cũng không. Hàng trăm căn nhà đó không có người nào dám vào ở vì sợ sập, lung lay trước gió.

Họ xây với tốc độ chóng mặt, và cách xây cũng không giống ai khi có nhà xây một phần xi măng… bảy phần cát. Thậm chí có nhà còn xây với tỷ lệ một xi măng mười cát vì đằng nào cũng bị đập sau đền bù.

Không chỉ Vĩnh Sơn mà làng 19 tháng 5, Thọ Sơn cũng ào ạt xây nhà chóng vánh. Nhà có điều kiện thì bỏ tiền xây, nhà nghèo thì cầm cố sổ đỏ, mua vật liệu về xây cho giống xóm làng đợi đền bù.

Ông Nguyễn Tiến, một người dân cắm sổ đỏ nói: “Tui xây trước mắt là ba căn, mỗi căn hết ba chục triệu, tất cả cắm sổ đỏ hết. Nhưng tui tính rồi, đền bù ít nhất mỗi căn cả trăm triệu, xong xuôi cũng còn vài trăm triệu để sống”.

Cụ Tiến là người mấy năm nay được trợ cấp hộ nghèo. Cuộc sống suốt đời chưa được bữa cơm thịnh soạn đầy đủ thịt cá, nhưng vẫn chấp nhận để sổ đỏ ở ngân hàng thuê thợ xây nhà xiêu vẹo chờ đền bù cho thấy sức hút đổi đời từ dự án 3 tỉ USD là rất lớn. Một canh bạc đối với người có sổ nghèo như ông.

Họ xây từ vườn ra đường làng, rồi khi hết diện tích xây xa, họ “sáng kiến” ra cách xây luôn cả ruộng lúa với tư duy “không đền kiểu này thì cũng đền kiểu kia. Kiểu chi chẳng được đền bù”.

Không đền bù nếu vi phạm

Không một diện tích đất nào bị bỏ không với canh bạc đền bù.

Chính quyền địa phương nhìn nhà cửa mọc lên ào ào như “đánh bạc” nhưng không thể kềm toả “độ nóng” ấy, bởi đất trong dân chưa có quyết định thu hồi, trong khi đó tập đoàn dầu khí Việt Nam làm công trình ngang đâu trả tiền đền bù tới đó nên rất khó cho chính quyền xử lý. Xã chỉ mới thống kê được 100 hộ dân không phép xây dựng, số còn lại dân bất hợp tác.

Tuy nhiên, ban đền bù giải toả của UBND huyện Quảng Trạch đã tuyên bố không đền bù cho những căn nhà lấy đất vườn xây xa nhà cửa. Còn ông Đậu Minh Ngọc, chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch cho biết, xã Quảng Đông đã có báo cáo tình hình, huyện đang rốt ráo ngăn chặn xây nhà trái phép. Huyện đã chỉ đạo xã Quảng Đông về lập biên bản, xử phạt hành chính những hộ vi phạm và yêu cầu các hộ dân đình chỉ ngay xây dựng trái phép. “Chúng tôi cương quyết không đền bù đối với những hộ vi phạm”, ông Ngọc quả quyết. Như vậy, trong "cuộc chơi" với dự án tỉ đô này có lẽ chỉ có chủ vật liệu xây dựng và thợ xây thắng lớn.

Ông Phan Ngọc Duy, phó chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch cho hay, huyện đang tổ chức đoàn về làm việc với xã để giải quyết sự việc này. Mặc dù trước đó huyện cũng đã có nhiều văn bản chỉ đạo, rồi phối hợp các tổ chức đoàn thể xuống tận dân giải thích, động viên người dân không nên làm như thế và kể cả áp dụng các biện pháp mạnh song hiện người dân vẫn bất chấp để tiếp tục xây dựng nhà trái phép.

Khi được hỏi tại sao người dân lại bất chấp như vậy, ông Ngọc cho rằng, để xảy ra tình trạng nói trên có phần do công tác đền bù giải phóng mặt bằng không đồng bộ. Theo ông Ngọc, tập đoàn Dầu khí Việt Nam thỏa thuận cho tỉnh ứng tiền để đền bù giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, việc rót tiền nhỏ giọt của tập đoàn Dầu khí Việt Nam khiến công tác đền bù giải phóng mặt bằng gặp khó khăn.

“Không đủ tiền buộc chúng tôi phải chia ra di dời dân nhiều đợt mà không thể làm đồng loạt cùng lúc khiến tình hình càng thêm rối. Hộ đi trước thắc mắc hộ đi sau được lợi hơn về giá đền bù cũng như diện tích đất cấp tại khu tái định cư nhiều hơn; người chưa đi thì lợi dụng chưa có quyết định thu hồi đất để làm liều” , ông Ngọc nói. Ví dụ, nếu như trước đây các hộ dân di dời đến nơi ở mới chỉ được cấp 250m2 đất ở thì nay những hộ di dời sau lại được cấp 500m2 đất ở; rồi giá đền bù đất, các tài sản trên đất cũng cao hơn nhiều lần so với trước khiến các hộ dân đi rồi không đồng tình. ..

Theo SGTT


Xem tiếp...

24 thg 4, 2011

Bất động sản Đà Nẵng sống tốt nhờ khách Hà Nội ?

Thị trường bất động sản Đà Nẵng dường như đang có sức hút lạ kỳ đối với giới đầu tư đến từ Hà Nội.

Khảo sát của CBRE cho thấy, có đến 80% khách hàng mua bất động sản nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng là người Hà Nội.
Khảo sát mới nhất của CBRE Việt Nam về thị trường bất động sản Đà Nẵng trong quý 1/2011 cho thấy, giá căn hộ hạng sang ở đây đã giữ ổn định trong suốt quý qua. Duy chỉ có căn hộ cao cấp (xếp sau hạng sang) giảm chút ít, từ mức 1.842 USD/m2 trong năm 2010 xuống còn 1.787 USD/m2.

Trong khi đó, giá căn hộ trung bình sau khi đạt đỉnh vào quý 2/2010 đã giảm nhẹ vào quý 3, và đã tăng trở lại trong hai quý vừa qua.

Thống kê của CBRE cho thấy, tính đến hết quý 1/2011, có đến 85,2% căn hộ hạng sang tại Đà Nẵng đã được bán hết. Tất nhiên là có nguyên nhân từ việc đa phần các dự án thuộc phân khúc này đã được chào bán suốt từ năm 2010 đến nay nên có thời gian bán tương đối dài so với các dự án mới của hạng khác.

Còn nếu tính tỷ lệ và tốc độ bán hàng thì các dự án trung cấp vẫn có tốc độ bán tốt hơn hạng sang và cao cấp. Nguồn cung tương lai đến năm 2014 dự kiến sẽ có khoảng 2.500 căn hộ cho tất cả các phân hạng.

Trong khi đó, ở phân khúc biệt thự nghỉ dưỡng, thị trường bắt đầu có dấu hiệu “tăng nhiệt” trở lại sau một thời gian rơi vào trầm lắng khi mà tỷ lệ bán tổng quan đã tăng 9,5%, đạt ở mức trên 52%. Tổng nguồn cung cho thị trường từ cuối năm 2010 đến nay là gần 500 căn, trong đó phần lớn đến từ hai dự án là The Sun Villas và The Dunes.

Ngay trong năm nay, thị trường Đà Nẵng sẽ đón thêm 110 căn biệt thự và đến 2013 sẽ có thêm 700 căn biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp tại các dự án mới như: Norman Estates, giai đoạn 5 của OceanVillas, Mercure SơnTrà, InterContinential Bãi Bắc và Montgomerie Links...

Thế nhưng, thật bất ngờ khi mà giá bán của các biệt thự nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng trong quý vừa qua có hơn phân nửa là nằm trong khoảng từ 500 nghìn đến 900 nghìn USD/căn - một mức giá không hề “mềm” chút nào, nhưng có đến 80% là khách hàng đến từ Hà Nội.

Ngay cả phân khúc căn hộ cũng có tới 51% khách hàng có hộ khẩu Hà Nội, trong khi khách hàng là dân thổ cư chỉ chiếm 39%. Số còn lại có mục đích đầu cơ lướt sóng lại chọn phân khúc đất nền trong khu vực trung tâm thành phố bởi mức giá hợp lý và có nhiều lựa chọn hơn.

Báo cáo của CBRE nhìn nhận, cũng chính vì có sự góp mặt khá đông của giới đầu cơ nên thị trường đất nền tại Đà Nẵng vừa qua đã trở nên sôi động nhất với sự gia tăng mạnh mẽ về nguồn cung từ quý 3/2010. Phần lớn đất nền dự án tại Đà Nẵng đều là đất của nhà nước giao cho các doanh nghiệp trên địa bàn, sau đó phân lô, chia mảnh đem bán.

“Phần lớn nhà đầu cơ để mắt đến phân khúc đất nền là bởi khoản lợi nhuận trong ngắn hạn đến từ phân khúc này, còn tương lai hay tiến độ của dự án là điều họ ít quan tâm đến”, báo cáo của CBRE viết.

Cũng chính vì thị trường sôi động nên nguồn cung đất nền dự án trong quý 1/2011 đã tăng khoảng 24% so với cả năm 2010. Cụ thể là đã có đến 3.218 lô đất được chào bán trong quý vừa qua, trong khi cả năm 2010, toàn thành phố cũng chỉ có 2.590 lô được chào bán.

Đáng chú ý, trong số 3 khu vực xung quanh trung tâm thành phố Đà Nẵng thì khu vực tây bắc sau một thời gian dài có mức giá thấp đã đột ngột tăng giá mạnh từ 10 – 40%. Dự kiến trong 3 quý tiếp theo, sẽ có khoảng 5.200 lô đất nền dự án được tung ra thị trường Đà Nẵng và giá cũng sẽ tăng dần theo thời gian và tiến độ dự án.

Ngay cả phân khúc căn hộ dịch vụ tại Đà Nẵng cũng “sống tốt” nhờ vào số lượng khách hàng đến địa phương này công tác. Tuy nhiên, thay vì chọn hạng A, hạng B để thuê (tỷ lệ cho thuê đạt 50,2%), phần lớn cá nhân, tổ chức đến Đà Nẵng công tác dài hạn, mở văn phòng đại diện... đều chọn căn hộ hạng C để thuê ở (tỷ lệ cho thuê đạt 83,3%).

Về đối tượng khách thuê, ngoại trừ khoảng 1.000 người nước ngoài đang công tác dài hạn tại Đà Nẵng, số còn lại là khách từ các địa phương khác trong nước, trong đó đến từ Hà Nội và Tp.HCM cũng chiếm trên 31%.

Theo ông Richard Leech, Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam, lý do khiến thị trường bất động sản Đà Nẵng nói chung, bất động sản nghỉ dưỡng nói riêng có nhiều tín hiệu tốt là do môi trường sống, cảnh quan khí hậu, sự đồng bộ trong quy hoạch, sự cải cách hành chính rõ rệt cũng như cơ chế thu hút đầu tư của chính quyền địa phương trong thời gian qua.

Hơn nữa, trong bối cảnh thị trường bất động sản tại hai thành phố lớn là Hà Nội và Tp.HCM trầm lắng, tìm kiếm lợi nhuận khó khăn, thậm chí tiềm ẩn nhiều rủi ro thì việc lựa chọn thị trường Đà Nẵng hay một địa phương nào đó có tốc độ phát triển nhanh, tiềm năng cũng là điều dễ hiểu.

Theo VNECONOMY


Xem tiếp...