26 thg 2, 2011

Điêu đứng vì mua nhà bằng vàng bị "dính chưởng" quy hoạch

Điêu đứng vì mua nhà bằng vàng "dính" quy hoạch

Mua nhà bằng vàng, giữ lại 15-20 lượng chờ sổ đỏ, nay 37 hộ dân khu 97 Kha Vạn Cân (TP HCM) khóc dở khi giá vàng "sốt", nợ cũ tăng gấp 8 lần.

 Quy hoạch thay đổi, họ chỉ được tái định cư bằng nền đất, nhà phải tự xây.

Chuyện bắt đầu từ năm 2000, người dân bỏ ra gần 100 lượng vàng mua nhà ở khu 97 Kha Vạn Cân. Chủ đầu tư là Công ty Dịch vụ và Phát triển nhà Quận 1 cam kết dự án được quy hoạch ổn định lâu dài. Thế nhưng, năm 2006, khu này "dính" quy hoạch dự án đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài.

Năm 2010, dân được thông báo khoản đền bù quy ra hiện kim chỉ bằng 1/3 số vàng mua nhà ban đầu. Nếu bàn giao mặt bằng, mỗi hộ được tái định cư bằng nền đất tại khu 7/4A Kha Vạn Cân. Người dân lâm vào cảnh vừa mang nợ vàng vừa đủ tiền xây nhà tái định cư.

Chủ hộ 272 Kha Vạn Cân thuộc Khu dân cư 97, cho biết, cách đây 10 năm, ông mua căn nhà này với giá 102 cây vàng SJC từ Công ty Dịch vụ và Phát triển nhà Quận 1. Đến nay ông vẫn còn nợ công ty này 12 cây vàng, khi nào bàn giao sổ đỏ sẽ chồng hiện kim. Trong hợp đồng, bên bán cam kết quy hoạch khu này ổn định lâu dài. Song, năm 2005 thành phố công bố khu này nằm trong dự án quy hoạch tuyến đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài, gia đình ông lâm cảnh đứng ngồi không yên.

Tháng 8/2010, quận Thủ Đức gửi thông báo cho ông mức đền bù 1,25 tỷ đồng, tương ứng với khoảng 35 cây vàng SJC. "Với số tiền đền bù này cấn trừ vào khoản nợ 12 cây vàng, tôi chỉ còn 23 lượng để lo tái định cư bằng nền đất. Gia đình sẽ lấy tiền đâu để xây nhà?", chủ hộ 272 Kha Vạn Cân bộc bạch.

Còn ông Bình, một hộ dân trong khu 97 Kha Vạn Cân cho hay, theo hợp đồng, ông còn nợ Công ty phát triển và dịch vụ nhà quận 1 đến 15 cây vàng, chờ bàn giao sổ đỏ thì tất toán. Nếu tính giá vàng hiện nay hơn 37,5 triệu đồng một lượng thì tổng số tiền nợ khoảng 600 triệu đồng. Thế nhưng bài toán gỡ mãi không ra là nếu giao mặt bằng, ông mất hẳn căn nhà, chỉ được nhận nền đất, lại phải trả một khoản nợ 600 triệu đồng mà không biết lấy đâu ra tiền để xây nhà. "Tái định cư như thế này thì cuộc sống vô cùng bấp bênh và khó khăn", ông Bình nói.
 

Hơn 30 hộ dân Khu 97 Kha Vạn Cân, quận Thủ Đức đang gánh hậu quả từ việc mua nhà bằng vàng dính khu quy hoạch
Không khá hơn là bao, chủ hộ 292/13 Kha Vạn Cân kể khổ, cách đây 10 năm, vợ chồng bà mua căn hộ này với giá 95 cây vàng SJC sau nhiều phen vay mượn tứ bề. Nay lại vướng phải việc giải tỏa di dời, bà được thông báo tiền đền bù khoảng 900 triệu đồng (tương đương 25 cây vàng), tái định cư bằng nền đất, tự xây dựng nhà. "Tôi lấy đâu ra tiền xây nhà để cùng các con sinh sống trong khi còn phải trả khoản nợ bằng vàng để nhận sổ đỏ tất toán hợp đồng?", bà nói.

Ông Cao Văn Long, chủ căn nhà 280 Kha Vạn Cân cũng rất bức xúc. Tháng 7/2000, ông mua căn nhà này giá 120 cây vàng SJC với mục đích ở lâu dài để an dưỡng lúc tuổi già. Khi mua, Công ty Dịch vụ và Phát triển nhà Quận 1 cam đoan là khu nhà 97 không bị giải tỏa và có đủ giấy tờ pháp lý do đã được Thành phố phê duyệt quy hoạch. Thế nhưng vì thay đổi quy hoạch, số tiền đền bù cho ông chỉ 1,2 tỷ đồng, chưa đến 35 cây vàng.

"Nay giải tỏa sang khu đất tái định cư, xa hơn, tôi vẫn đồng ý. Nhưng số tiền đền bù quá thấp và không đủ để tôi có thể xây dựng một căn nhà như hiện tại", ông Long giãi bày.

Ở cái tuổi gần 70, sống nhờ lương hưu, ông Sinh, chủ hộ 292/11 Kha Vạn Cân lâm trọng bệnh khi nhận thông báo phải di dời. Ông cho biết: "Tôi khẩn thiết đề nghị UBND Thành phố xem xét và tạo điều kiện để chúng tôi có đủ tiền xây dựng nhà mới trên nền tái định cư tại khu đất 7/4A Kha Vạn Cân".

Khi bàn giao mặt bằng cũ gồm đất và nhà để thành phố thực hiện dự án đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài, dân sẽ chỉ được nhận nền tái định cư trong khu này và phải tự bỏ tiền ra xây nhà

Đại diện UBND quận Thủ Đức, Giám đốc Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình quận Thủ Đức, Võ Văn Tiến cho biết: "Vấn đề này vượt thẩm quyền của quận, chính quyền địa phương đã chuyển kiến nghị của người dân đến Sở Xây dựng và UBND TP HCM".

Đối với khả năng người dân tái định cư không thành vì thiếu hụt tiền xây nhà, đại diện quận Thủ Đức cho hay, nếu trong quá trình thực hiện còn có những khó khăn thì người dân tiếp tục kiến nghị để được xem xét giải quyết các bước tiếp theo.

Trong văn bản trình UBND TP HCM ngày 8/12/2010 về giải quyết bồi thường khu nhà ở 97 Kha Vạn Cân, Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM Nguyễn Tấn Bền cho rằng, giá đền bù phải áp dụng chung cho toàn dự án Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài để tránh ảnh hưởng dắt dây. Về vật kiến trúc, UBND quận Thủ Đức không có cơ sở để chi trả bằng vàng quy đổi.

Theo quan điểm của Sở Xây dựng TP HCM, tranh chấp giữa Công ty phát triển và dịch vụ nhà quận 1 với các hộ dân giải quyết theo hợp đồng, cơ quan Nhà nước không tham gia vào nội dung này. Trong trường hợp không thống nhất được hướng giải quyết, các bên có quyền khởi kiện ra Tòa án.

Trong khi đó, đại diện đơn vị bán nhà cho dân, một chuyên viên của Công ty dịch vụ phát triển nhà quận 1, cho biết, từ năm 1996 công ty mua đất rồi lập dự án. Sau khi được tất cả cơ quan chức năng của thành phố phê duyệt với đầy đủ các thủ tục pháp lý, công ty mới bán cho người dân.

Ông cho hay, khi thực hiện dự án, quy hoạch đường lúc ấy chỉ yêu cầu lùi 30 m (lấy tâm là đường ray chia đều ra hai bên, mỗi bên 30m). Thế nhưng sau đó, cơ quan chức năng thay đổi tim đường, chỉ lấy một bên 60 m nên dự án phải di dời. “Đây không phải lỗi của chúng tôi”, ông này khẳng định.
Theo VnExpress

Xem tiếp...

Giá đất Sóc Sơn tăng nhờ quy hoạch ?

Giá đất Sóc Sơn tăng nhờ quy hoạch
Qua khảo sát một số xã trên địa bàn huyện Sóc Sơn như: các xã Tân Dân; Minh Phú; Nam Sơn có giá dao động 3-4tr/m2; các xã Minh Trí; Thanh Xuân có giá dao động từ 4- 4,5tr/m2,…
 
Do có thông tin Hà Nội dự kiến di dời 25 bệnh viện, 13 Viện nghiên cứu, 12 trường đại học, cao đẳng được chuyển ra ngoại thành, trong đó theo như đề xuất của Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội các Trường Đại học Công đoàn, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp, Viện y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới, … được di chuyển về Sóc Sơn, đã khiến giá đất Sóc Sơn tăng một cách chóng mặt.
Qua khảo sát một số xã trên địa bàn huyện Sóc Sơn như: các xã Tân Dân; Minh Phú; Nam Sơn có giá dao động 3-4tr/m2; các xã Minh Trí; Thanh Xuân có giá dao động từ 4- 4,5tr/m2,… nếu so với thời điểm cuối năm 2010 thì giá đất đã tăng gấp đôi.
Anh Xuân Thành ở Thái Thịnh- Hà Nội (một người sành sỏi trong lĩnh vực bất động sản- PV), cho biết: “Giá đất ở Sóc Sơn có tăng nhưng vẫn “mềm” hơn nhiều so với các khu vực khác của Hà Nội. Sở dĩ đất Sóc Sơn tăng mạnh đầu năm 2011 là do ngày 23/12/2010, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 318/TB – VPCP thông báo kết luận của Phó Thủ tướng về việc quy hoạch các trường đại học vùng Thủ đô. Thế mới hay, thông tin về quy hoạch được mọi người đón chờ và mong ngóng thế nào, bởi khu hành chính mới sẽ mọc lên ở chỗ nào là thông tin hết sức quan trọng”.
Tuy nhiên, theo anh Sâm một người dân xã Minh Trí tranh thủ lúc sốt đất đi làm cò thì: “Người dân không biết gì về các thông tin quy hoạch, thấy người ở các nơi đổ xô đến mua đất mới biết”. Bản thân anh cũng rất tiếc vì năm ngoái đã bán mảnh đất của gia đình gần đường Nội Bài-Lào Cai.
Nếu so sánh giá đất khi dự án các trường đại học và bệnh viện di chuyển về Sóc Sơn, thì giá đất hiện tại ở Sóc Sơn không cao hơn so với giá trị thực vì trong tương lai nhu cầu về nhà ở, nhà cho thuê, các dịch vụ phục vụ cơ sở giáo dục, y tế là rất lớn. Tuy nhiên nếu tốc độ tăng giá kéo dài thêm một thời gian nữa thì giá đất sẽ thành giá ảo và cao hơn nhiều lần so với giá trị thực.
Đất đai là một loại hàng hóa đặc biệt và nó chịu ảnh hưởng của quy hoạch, có quy hoạch đất đai sẽ tăng giá. Mặt khác vì đất đai có tính khan hiếm và nhiều người cùng đổ xô vào mua nên khi có thông tin về việc chuyển các bệnh viện và trường học về Sóc Sơn thì ngay lập tức xảy ra tình trạng “sốt đất”.
Theo Tamnhin.net

Xem tiếp...

22 thg 2, 2011

Nhà giá rẻ Hà nội... vào mùa

Hàng loạt dự án nhà ở dành cho người thu nhập thấp sắp được đăng ký bán sẽ mở ra cho thị trường bất động sản một hướng mới.

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, trong thời gian sắp tới, hàng loạt dự án nhà ở cho người thu nhập thấp khác nhau trên địa bàn thành phố sẽ lần lượt được các chủ đầu tư đăng ký mở bán.
Như vậy, cùng với sự kiện công ty Cổ phần Vinaconex Xuân Mai tiếp tục nhận hồ sơ đăng ký 864 căn hộ tại chung cư Kiến Hưng, Hà Nội chuẩn bị đón một “vụ mùa” nhà thu nhập thấp.


Nhà giá rẻ... vào mùa

Cụ thể, tại dự án khu đô thị mới Sài Đồng, Gia Lâm, chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển nhà Hà Nội số 5 và Công ty Xây dựng nhà Hà Nội số 3 sẽ đưa ra thị trường 868 căn hộ. Cùng với đó, Tổng công ty Thủy tinh và Gốm xây dựng Viglacera cũng sẽ chào bán khoảng 1.000 căn hộ tại Đặng Xá, Gia Lâm. Khu nhà thuộc Đại Mỗ cũng góp thêm 124 căn vào nguồn cung cho thị trường căn hộ giá rẻ này.



Về mặt quy mô, các căn hộ đều ở mức trung bình, dao động từ 50-70 m2. Dự kiến, các dự án được bàn giao nhà vào quý 4 năm 2012.

Bên cạnh đó, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cũng vừa chấp thuận đầu tư xây dựng một số các dự án khác như: Các ô đất có ký hiệu B4-CT1 và B5-CT2 thuộc khu vực Bắc Cổ Nhuế-Chèm, xã Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm, khu đất đấu giá Yên Sở, quận Hoàng Mai với diện tích khoảng 9.600m2.



Sở Xây dựng Hà Nội cũng cho biết thêm, trong thời gian tới, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cơ quan này là chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện các dự án nhà ở cho người có thu nhập thấp, cũng như nhà ở cho học sinh, sinh viên.


Sở yêu cầu các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án nhà ở công nhân tại xã Kim Chung (Đông Anh), Nguyên Khê ( Đông Anh); nhà ở xã hội tại Khu đô thị mới Việt Hưng; nhà ở cho học sinh, sinh viên tại Pháp Vân, Tứ Hiệp-Thanh trì, Mỹ Đình II-Cầu Giấy, Đồng Mai-Hà Đông; nhà ở cho công nhân khu công nghiệp Phú Nghĩa-Chương Mỹ, Sóc Sơn, Hoà Lạc và nhà ở cho người thu nhập thấp tại Khu đô thị mới Sài Đồng; Khu Ngoại giao đoàn (Từ Liêm), Thanh Lâm-Đại Thịnh (Mê Linh), khu Ngô Thì Nhậm-Hà Đông...



Đặc biệt, thông tin Sở Xây dựng vừa “nới rộng” tiêu chí về hộ khẩu đối với các đối tượng đăng ký mua nhà thu nhập thấp tại Kiến Hưng (Hà Đông) càng góp phần “làm nóng” thị trường. Cán bộ công nhân viên chức Hà Nội sẽ có nhiều cơ hội hơn trong việc tiếp cận dự án này.


Lạc quan vào thị trường nhà giá rẻ



Nguồn cung dồi dào, cộng với nhu cầu thực của công nhân viên chức của Hà Nội cũng rất lớn, vì vậy, hầu hết các chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản đều tỏ ra lạc quan vào triển vọng của thị trường nhà bình dân, giá rẻ.



Bộ phận nghiên cứu thuộc công ty Bất động sản Knight Frank nhận định, trong thời gian tới, tiếp nối xu hướng của quý 4 năm 2010, thị trường sẽ có sự chuyển hướng rõ rệt. Các dự án cao cấp, với diện tích sàn lớn, giá bán cao sẽ tương đối trầm lắng. Ngược lại, các nhà đầu tư sẽ chú trọng hơn đến các dự án nhà trung cấp và bình dân.



“Dự báo, trong thời gian tới, phân khúc này sẽ chiếm tới 80% thị trường, tương ứng với gần 17.000 căn hộ mới sẽ xuất hiện,” ông John Gallander, Tổng Giám đốc điều hành Kinght Frank Việt Nam khẳng định.



Báo cáo mới nhất của Công ty Savills Việt Nam cũng cho thấy, thị trường bất động sản Hà Nội trong quý 4/2010 đón nhận thêm 13 dự án chung cư mới và phân khúc giá bình dân thu hút sự quan tâm của nhiều người mua. Cụ thể, trong quý 4 năm 2010, dự án có mức giá trung bình bán tốt hơn, tỷ lệ giao dịch đạt 85%, tăng khoảng 10% so với quý trước. Các dự án có giá rẻ, diện tích nhỏ có đến 95% căn hộ đã được bán hết. Đối với các dự án căn hộ cao cấp, tỷ lệ giao dịch thành công không nhiều.



Một trong những lý do quan trọng “kích cầu” trực tiếp cho phân khúc thị trường này là tình trạng khan nguồn vốn, nhất là khi lãi suất ngân hàng vẫn tiếp tục giữ ở mức cao.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam, mặc dù, trong năm 2010, Bộ Xây dựng đã cảnh báo, nhắc nhở doanh nghiệp cần chuyển hướng sang đầu tư xây dựng loại hình căn hộ giá trung bình nhưng do độ “trễ” của thị trường nên các doanh nghiệp chưa chuyển hướng kịp.

“Thời gian qua, các doanh nghiệp quá tập trung vào căn hộ đắt tiền, trong khi khả năng thanh toán của người dân có hạn. Năm 2011, thị trường sẽ chuyển hướng sang căn hộ có giá trung bình,” ông Nam khẳng định.



Bên cạnh đó, một tín hiệu đáng lạc quan nữa là trong thời gian qua, nhà ở giá rẻ không chỉ còn là “sân chơi” riêng của các công ty có truyền thống như Vinaconex, Viglacera…. Một số doanh nghiệp, tập đoàn cũng đã vào cuộc. Mới đây nhất, tập đoàn Phát triển Nhà và Đô thị Việt Nam – HUD đã đề xuất với Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội được đầu tư xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp tại quỹ đất 20% dành xây dựng nhà ở xã hội thuộc dự án Thanh Lâm - Đại Thịnh 2, Mê Linh, Hà Nội. Dự kiến, dự án sẽ khởi công dự án trong quý I/2011 và đặt mục tiêu hoàn thành sau 24 tháng.



Theo thống kê của Bộ Xây dựng, sau hơn một năm triển khai, đã có 37 dự án nhà ở cho người thu nhập thấp được khởi công với tổng vốn đầu tư khoảng 3.600 tỷ đồng, góp phần giải quyết chỗ ở cho khoảng 64.000 người. Bộ Xây dựng hiện đang tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành huy động nguồn vốn nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án nhà ở dành cho người thu nhập thấp, phấn đấu trong giai đoạn 2011-2015 sẽ có 700.000 hộ thu nhập thấp có nhà ở.

Nếu mục tiêu của Bộ Xây dựng được hoàn thành, trong thời gian tới sẽ có một lượng cung lớn nhà ở dành cho người thu nhập thấp được mở bán. Nhà ở sẽ không còn là giấc mơ quá xa vời đối với người dân đang sống tại các đô thị như hiện nay.
Theo Vietnamplus

Xem tiếp...

Bao giờ sẽ có quyết định việc bán nhà thu nhập thấp?

Ai sẽ được mua nhà thu nhập thấp ở Kiến Hưng? 10.3 là hạn cuối nộp hồ sơ mua nhà ở dự án này?... Những câu hỏi này đang được cả người dân lẫn chủ đầu tư “ngóng” câu trả lời từ phía cơ quan chức năng của Hà Nội.
“Khất hẹn” với dân
Nhận được thông tin Vinaconex Xuân Mai dự kiến tiếp nhận hồ sơ bán nhà thu nhập thấp (NTNT) tại dự án Kiến Hưng, nhiều người dân đã tìm đến cty để hỏi và xin nộp hồ sơ. Thế nhưng, việc tiếp nhận hồ sơ vẫn chưa được thực hiện do chủ đầu tư chưa có đủ văn bản hướng dẫn từ phía các cơ quan chức năng của Hà Nội mặc dù đến nay đã quá 12 ngày so với thời gian dự định.
Nha thu nhap thap
“Biển” người xếp hàng chờ bốc thăm nhà thu nhập thấp CT1 Ngô Thì Nhậm, Hà Đông. Ảnh: N.Lê


Nhớ lại tháng 9.2010, dự án NTNT đầu tiên của Hà Nội là CT1 Ngô Thì Nhậm, Hà Đông cũng của chủ đầu tư này được mở bán thì chỉ trong vòng 15 ngày tiếp nhận đã có tới gần 1.600 hồ sơ được nộp trong khi chỉ có 328 căn hộ.

Trước sự “quá tải” này, UBND TP. Hà Nội và Sở Xây dựng Hà Nội đã phải khoanh vùng địa bàn xét duyệt nhận đơn để chốt lại trên 500 hồ sơ (trừ các gia đình thuộc diện ưu tiên, chính sách). Như vậy, lần đầu tổ chức bán này đã gây lãng phí công sức cho gần 1.000 hộ dân trên khắp địa bàn thành phố khi cất công lặn lội hàng chục cây số và vất vả xếp hàng từ sáng sớm đến tối mịt mới nộp được hồ sơ. Ấy là chưa kể khá nhiều gia đình phải đi lại vài lần mới hoàn thiện thủ tục theo đúng quy định yêu cầu.

Gần đây, khi thông tin sẽ xóa bỏ tiêu chí hộ khẩu quận, huyện trong đợt bán NTNT tại Kiến Hưng lần này đã khiến người dân vừa mừng lại vừa lo bởi tình trạng quá tải hồ sơ mua nhà so với số căn hộ được bán chắc chắn sẽ lại tiếp diễn.

Vẫn ngóng chờ quyết định của thành phố

Trao đổi với PV Laodong.com.vn chiều 22.2, ông Đặng Hoàng Huy, TGĐ Vinaconex Xuân Mai cho biết, chỉ tính riêng số hồ sơ hợp lệ nhưng không mua được dự án nhà thu nhập thấp tại CT1 Ngô Thì Nhậm chuyển sang do bốc thăm trượt hoặc không nằm trong địa bàn được khoanh vùng cũng đã lên tới hơn 1.000 hồ sơ.
“Với thời gian dự kiến nhận hồ sơ ở dự án Kiến Hưng sẽ dài hơn ở dự án CT1 Ngô Thì Nhậm mà lại không giới hạn quận, huyện thì không biết số lượng hồ sơ nộp mua nhà sẽ gấp bao nhiều lần?” – ông Huy lo lắng.
Ông chia sẻ thêm, việc bố trí thêm cán bộ tiếp nhận và xét duyệt hồ sơ là đương nhiên, nhưng nếu vẫn cứ khoanh vùng và cho thêm số lượng quận, huyện hơn đợt trước sẽ bớt quá tải và phía chủ đầu tư cũng đỡ vất hơn.

Ông Huy cũng thông tin thêm với PV Laodong.com.vn rằng, theo tinh thần cuộc họp mới nhất giữa Sở Xây dựng Hà Nội với chủ đầu tư thì cả 5 dự án NTNT trên địa bàn thành phố sẽ cùng mở bán ngày 5.3 tới nhằm hạn chế tình trạng quá tải hồ sơ đổ về Kiến Hưng.

Tuy nhiên, ông Huy nhấn mạnh, đây mới chỉ là ý kiến trong cuộc họp, còn cuối cùng thế nào vẫn phải chờ vào văn bản quyết định của thành phố, khi chính thức có văn bản thì chủ đầu tư mới dám nhận hồ sơ mua nhà của người dân.

Được biết, hiện nay trên địa bàn Hà Nội đã có một số dự án NTNT khởi công cùng thời điểm, thậm chí trước cả dự án NTNT Kiến Hưng và trong số đó còn có dự án đã được vay vốn ưu đãi như Khu NTNT Đặng Xá - Gia Lâm (Viglacera làm chủ đầu tư). 5 dự án NTNT này nằm rải rác ở quận Hà Đông, quận Long Biên và huyện Gia Lâm. Thế nên nếu bán đồng loạt các dự án này thì người dân ở gần dự án nào có thể nộp đơn mua nhà ở dự án đó  sẽ hạn chế được việc đổ xô nộp hồ sơ vào một dự án.

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, để giải quyết tình trạng quá tải cung-cầu các dự án NTNT hiện nay, việc khoanh vùng địa bàn khi bán NTNT là cần thiết. Tuy nhiên, ngoài yếu tố đang cư trú trên các địa bàn gần khu vực dự án, nên bổ sung thêm cả những trường hợp đang công tác, làm việc tại khu vực lân cận dự án. Như vậy, các nhu cầu đều được đáp ứng.

Hy vọng rằng, các cơ quan chức năng của Hà Nội sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể việc bán NTNT tại Kiến Hưng cũng như các dự án khác để người thu nhập thấp trên địa bàn thành phố có thông tin chính xác nhất để cân nhắc, quyết định khi lựa chọn đăng ký mua nhà tại các dự án NTNT.


Theo laodong
Xem tiếp...

21 thg 2, 2011

Ưu và nhược của quỹ đầu tư bất động sản

 
Các quỹ đầu tư bất động sản hoạt động tại Việt Nam hiện nay đều là các quỹ nước ngoài.
Do thiếu khung pháp lý cần thiết, cho đến giờ vẫn chưa có quỹ đầu tư bất động sản nào của Việt Nam
Những thay đổi về mặt pháp lý như Nghị định 71, Thông tư 13... đang tạo nên những sức ép không nhỏ đối với chủ đầu tư trong việc huy động vốn cho phát triển các dự án bất động sản.

Một trong những giải pháp được nhiều người quan tâm hiện nay là mô hình các quỹ đầu tư bất động sản.

Trong thực tế, các quỹ đầu tư bất động sản hoạt động tại Việt Nam hiện nay đều là các quỹ nước ngoài, như VNL của Vinacapital, VPF của Dragon Capital, ILH- ILH2 và ILH3 của Indochina Capital, VPH của Saigon Asset Management…

Cho đến cuối năm 2010, nhiều quỹ đầu tư nước ngoài tiếp tục rót vốn vào thị trường bất động sản Việt Nam, chứng tỏ hấp lực của thị trường còn lớn. Tuy nhiên, do thiếu khung pháp lý cần thiết, cho đến giờ vẫn chưa có quỹ đầu tư bất động sản nào của Việt Nam. Hiện tại, Bộ Tài chính hiện đang chuẩn bị ban hành quy định hướng dẫn cho việc huy động vốn, thành lập, tổ chức hoạt động và quản lý quỹ đầu tư bất động sản.

Hình thức quỹ đầu tư bất động sản (Real Estate Investment Trust - REIT) cho phép nhà đầu tư thay vì trực tiếp mua nhà-đất, có thể mua chứng chỉ quỹ phát hành, sau đó ủy quyền quản lý cho ban giám đốc quỹ. Hoạt động chủ yếu của quỹ là mua bán, tham gia quản lý các sản phẩm bất động sản, góp vốn vào việc phát triển dự án, hoặc đầu tư vào các công ty bất động sản.  

Theo dự thảo quy định, quỹ đầu tư bất động sản sẽ được tổ chức dưới dạng hợp đồng hoặc công ty cổ phần, chia làm hai loại là quỹ đại chúng (quỹ mở) và quỹ thành viên (quỹ đóng). Quỹ đóng bị giới hạn số cổ phần phát hành, chứng chỉ quỹ được niêm yết tại thị trường chứng khoán và được mua bán tại mức giá do thị trường quyết định. Trong khi đó, quỹ mở được phép phát hành thêm cổ phần, và nhà đầu tư có thể định kì bán lại cổ phiếu cho công ty quản lí quỹ tại giá trị tài sản ròng trên một cổ phần (NAV per share).

Với ý nghĩa là một nguồn cung vốn mới trong điều kiện nguồn vốn huy động từ ngân hàng và khách hàng bị thắt chặt, sự ra đời của các REIT chắc chắn sẽ là tin vui đối với các doanh nghiệp bất  động sản. Nhưng còn đối với các nhà đầu tư, giữa nhiều hình thức đầu tư bất động sản khác nhau để lựa chọn, việc họ sẽ đón nhận các REIT này như thế nào có lẽ vẫn còn nhiều điều phải bàn.

Một nhà đầu tư muốn tham gia vào thị trường bất  động sản có khá nhiều lựa chọn: trực tiếp mua bán bất động sản, mua trái phiếu bất động sản, đầu tư vào cổ phiếu của công ty bất  động sản, hoặc mua chứng chỉ quỹ bất động sản (cả REIT của Việt Nam và nước ngoài)…

Trước đây, trái phiếu bất động sản có thể được phát hành kèm theo quyền mua căn hộ nên khá hấp dẫn, điển hình như  Sacomreal (SCR) đã hai lần phát hành thành công 850 tỷ đồng trái phiếu kèm quyền  ưu tiên mua căn hộ với chính sách giảm giá từ 5-8%. Nhưng từ sau Nghị định 71, hình thức này không còn hợp lệ: người mua trái phiếu bất động sản chỉ được nhận tiền lãi và gốc như trái phiếu thông thường.

Còn nếu so với việc đầu tư trực tiếp vào bất động sản, đầu tư vào REIT có ưu điểm hơn ở chỗ REIT có đội ngũ quản lí chuyên nghiệp, cấu trúc cho phép có thể huy động đủ vốn để đầu tư vào các dự án  có qui mô lớn, cũng như đầu tư đa dạng vào nhiều loại hình sản phẩm, nhiều vị trí khác nhau giúp giảm thiểu rủi ro. Nhà đầu tư nhỏ lẻ dù có số vốn không lớn vẫn có thể tham gia gián tiếp vào thị trường bất động sản.

Tuy nhiên, nhược điểm của REIT so với đầu tư trực tiếp là mất phí quản lí, nhà đầu tư không được trực tiếp ra quyết định và hiệu quả đầu tư của Ban giám đốc quỹ chưa chắc đã tốt hơn. Trong năm 2010, trong khi "NAV per share" quỹ VNL của Vinacapital tăng 4,5%, quỹ VPH của Saigon Asset Management tăng 2,4% thì "NAV per share" quỹ VPF của Dragon Capital lại giảm tới 7,1%.

Nhà đầu tư sẽ phân vân lớn nhất giữa việc lựa chọn REIT hay cổ phiếu của công ty bất động sản vì có nhiều điểm chung giữa hai hình thức đầu tư này. Điểm hấp dẫn nổi bật của REIT so với các cổ phiếu bất động sản chính là ở tỉ lệ chi trả cổ tức cao. Các quỹ REIT thường được ưu đãi về thuế (ở nước ngoài thông thường được miễn toàn bộ thuế thu nhập doanh nghiệp) nhưng lại phải trả phần lớn (khoảng 90%) lợi nhuận cho cổ đông dưới dạng cổ tức.

Như vậy, nhà đầu tư vào REIT sẽ có mức thu nhập theo sát với thực tế hoạt động của quỹ chứ không phải trông chờ vào quyết định phân phối lợi nhuận hàng năm của ban giám đốc các công ty bất động sản. Nói cách khác, do cơ cấu tổ chức và cơ chế hoạt động khá đơn giản, tính minh bạch của REIT được đánh giá là cao hơn so với các công ty thông thường.

Ngoài ra, đầu tư vào REIT cũng tương đối an toàn hơn so với đầu tư vào cổ phiếu bất động sản.

Thứ nhất, do nguồn vốn huy động lớn, REIT có thể đầu tư đa dạng hơn so với một công ty bất động sản, đầu tư vào nhiều công ty khác nhau, nhiều công trình ở những địa điểm khác nhau. Thứ hai, ngay cả khi so với việc phân tán rủi ro bằng cách mua nhiều loại cổ phiếu bất động sản khác nhau, đầu tư vào REIT vẫn an toàn hơn ở chỗ: do phải tuân theo quy định của luật điều chỉnh, REIT chủ yếu đầu tư vào những sản phẩm hữu hình, đầu tư khi dự án đã có căn cứ pháp lí vững chắc.

Tuy nhiên, chính những quy định chặt chẽ trong việc huy động và đầu tư vốn cũng dẫn đến hạn chế một phần cơ hội tạo ra lợi nhuận của REIT, khi đem so sánh với các công ty bất động sản.

Ví dụ, quỹ mở chủ yếu phải đầu tư vào các dự án đã hoàn thành, ngoài ra đầu tư vào chứng khoán không quá 10% giá trị quỹ - và phải là cổ phiếu bất động sản hoặc trái phiếu chính phủ;  đầu tư vào dự án đang xây dựng không quá 10% giá trị quỹ - với điều kiện không làm giảm nhiều NAV, phải có hợp đồng giao dịch với khách hàng tiềm năng, phải đảm bảo tài sản được chào bán ngay sau khi hoàn thành với mức lợi nhuận hợp lí…).

Ngoài việc cạnh tranh để thu hút vốn với các hình thức đầu tư kể trên, các REIT của Việt Nam khi ra đời sẽ  còn phải cạnh tranh với các REIT nước ngoài đã hình thành từ lâu và đang hoạt động tại nước ta. So với các REIT nước ngoài, các REIT của Việt Nam được niêm yết tại thị trường trong nước nên khá  thuận tiện, có thể giảm bớt được rủi ro về tỉ giá, rủi ro trong việc chuyển lợi nhuận về nước.

Bên cạnh đó, đội ngũ quản lí  người Việt Nam có thể sẽ am hiểu hơn về  thị trường, văn hóa Việt Nam, có quan hệ  tốt với chính quyền để giải quyết các vấn  đề pháp lí, cũng như linh hoạt hơn để có thể nắm bắt được những cơ hội kinh doanh tốt. Tuy nhiên, cũng có những thách thức nhất  định đối với REIT Việt Nam như quy mô vốn huy động được có thể nhỏ hơn, "sinh sau đẻ muộn" nên không có được lợi thế của người đi tiên phong, hoặc có thể  rủi ro do không phải tuân theo các qui trình khắt khe như các REIT nước ngoài (do chịu sự điều tiết chặt chẽ của pháp luật nước ngoài, do yêu cầu cao của nhà đầu tư nước ngoài).

Dù sao đi nữa, đã là một hình thức đầu tư thì  REIT vẫn hàm chứa những rủi ro nhất định. Do đầu tư vào bất động sản nên khi thị trường bất động sản đóng băng, thì giá trị của quỹ cũng suy giảm theo. Quỹ REIT được đánh giá là minh bạch, tuy nhiên trong thực tế thì tính minh bạch chỉ ở mức tương đối. Việc định giá NAV của quỹ REIT liên quan đến việc phải đánh giá lại giá trị các bất động sản đang nắm giữ, nhưng việc định giá bất động sản một cách chính xác luôn là một bài toán không hề dễ dàng.

Bên cạnh đó, cho đến nay nước ta chưa có các quỹ REIT của nội địa nên hình thức đầu tư này vẫn còn lạ lẫm với các nhà đầu tư Việt Nam. Những năm gần đây, xu hướng các REIT nước ngoài cũng như các quỹ đầu tư nói chung không được nhà đầu tư ưa thích lắm, thể hiện qua mức chiết khấu khá cao và tính thanh khoản thấp.

Do vậy, đây sẽ là một điểm đáng cân nhắc với đối với việc ra quyết định của nhà đầu tư, cũng như một thách thức không nhỏ đối với các REIT Việt Nam ra đời trong bối cảnh hiện nay.

* Tác giả bài viết thuộc Phòng Nghiên cứu và Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Tân Việt (TVSI).
Vneconomy

Xem tiếp...

Đà Nẵng: Di dời, giải tỏa các hộ dự án Sân Vận động Chi Lăng từ Q1 đến Q3/2011

Đà Nẵng: Di dời, giải tỏa các hộ dự án Sân Vận động Chi Lăng từ Q1 đến Q3/2011
Các hộ ở mặt tiền sẽ được di dời đến đất mặt tiền tại các đường khác. Hộ ở mặt tiền đường Hùng Vương có diện tích đất ở thu hồi trên 70m² được bố trí thêm 1 lô đất
 
Uỷ Ban Nhân Dân TP. Đà Nẵng vừa phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ thiệt hại và bố trí tái định cư cho các hộ giải toả dự án Khu phức hợp thương mại dịch vụ tại khu vực Sân Vận động Chi Lăng với thời gian thực hiện trong Quý I/2011 và hoàn thành và cuối Quý III/2011. 

Tổng kinh phí bồi thường lên đến hơn 194 tỷ đồng. Quy định về bố trí đất tái định cư như sau: 

Nhóm 1: Bố trí 01 lô chính mặt tiền tại một trong các đường Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Lợi, 2 tháng 9, Ngô Gia Tự đối với hộ giải tỏa có vị trí như sau: mặt tiền đường Hùng Vương, đường Lê Duẫn  có diện tích thu hồi đất ở từ 50m2 trở lên đến và có chiều rộng mặt tiền từ 4,5m trở lên; mặt tiền đường Triệu Nữ Vương có diện tích thu hồi đất ở từ 57,8m2 đến 77,1m2; mặt tiền đường Ngô Gia Tự có diện tích thu hồi đất ở từ 82,2m2 đến 109,7m2 (có 03 trường hợp). 

Ngoài ra, đối với hộ giải tỏa ở mặt tiền đường Hùng Vương có diện tích thu hồi đất ở trên 70m2 đến dưới 75m2 được bố trí thêm 01 lô đất chính đường 5,5m khu TĐC tại lô đất có ký hiệu A3 thuộc đồ án Ven sông từ Cổ Viện Chàm đến Công ty Sông Thu; trên 80m2 đến dưới 110m2 được bố trí thêm 01 lô đất chính đường 5,5m khu TĐC tại khu vực Công ty TNHH MTV Cấp nước Đà Nẵng và Sở Kế hoạch & Đầu tư; trên 130m2 đến dưới 150m2 được bố trí thêm 01 lô đất chính đường 30-4; từ 150m2 đến dưới 165m2 được bố trí thêm 01 lô đất chính đường Trần Quý Cáp; 

Cũng mặt tiền đường Hùng Vương nhưng diện tích đất ở bị thu hồi trên 170m2 đến dưới 190m2 được bố trí thêm 01 lô đất chính đường 30-4 và 01 lô đất chính đường 5,5m ven sông; trên 200m2 đến dưới 235m2 được bố trí thêm 02 lô đất chính đường 30-4. 

 Nhóm 2: Gồm các đơn vị CTCP Công nghệ phẩm, Cửa hàng kinh doanh tổng hợp – CTCP Thương mại Dịch vụ Đà Nẵng, Công ty XNK Lâm đặc sản Quảng Nam, Tổng Công ty Vàng Agribank VN- Ngân hàng NN & PT Nông thôn, Ngân hàng Kiên Long, sẽ được xem xét quyết định từng trường hợp cụ thể.

 Nhóm 3: Bố trí 01 lô chính mặt tiền đường Nguyễn Chí Thanh đối với hộ giải tỏa ở mặt tiền đường Lê Duẩn, có diện tích thu hồi đất ở từ 42m2 đến dưới 50m2.
 
 Nhóm 4: Bố trí 01 lô chính mặt tiền đường Hải Phòng đối với hộ giải tỏa ở mặt tiền đường Ngô Gia Tự có diện tích thu hồi đất ở từ 68m2 đến dưới 76,8m2.
 
 Nhóm 5: Bố trí 01 lô chính đường 30-4 đối với hộ giải tỏa có vị trí như sau: mặt tiền đường Lê Duẩn có diện tích thu hồi đất ở từ 24m2 đến dưới 41m2; mặt tiền đường Ngô Gia Tự có diện tích thu hồi đất ở từ 30m2 đến dưới 40m2.
 
 Nhóm 6: Bố trí 01 lô chính đường 5,5m KDC Phan Bội Châu – Trần Quý Cáp hoặc 01 lô chính đường 5,5m khu TĐC tại lô đất có ký hiệu A3 thuộc đồ án Ven sông từ Cổ Viện Chàm đến Công ty Sông Thu hoặc 01 lô chính đường 5,5m khu TĐC tại khu vực Công ty TNHH MTV Cấp nước Đà Nẵng và Sở Kế hoạch Đầu tư đối với hộ giải tỏa có vị trí như sau: 

Mặt tiền đường Hùng Vương có diện tích thu hồi đất ở 18,1m2; mặt tiền đường Lê Duẩn có diện tích thu hồi đất ở từ 13m2 đến dưới 16m2; mặt tiền đường Triệu Nữ Vương có diện tích thu hồi đất ở 15,6m2; mặt tiền đường Ngô Gia Tự có diện tích thu hồi đất ở từ 25m2 đến dưới 27m2.

 Nhóm 7: Bố trí 01 lô đất chính đường 5,5m khu TĐC tại lô đất có ký hiệu A3 thuộc đồ án Ven sông từ Cổ Viện Chàm đến Công ty Sông Thu đối với hộ giải tỏa có vị trí ở kiệt hẻm đường Ngô Gia Tự có diện tích thu hồi đất ở từ 30,1m2 đến 73,9m2.
 
 Nhóm 8: Bố trí 01 lô chính đường 5,5m tại các khu dân cư Phong Bắc hoặc Hòa Phát đối với hộ giải tỏa ở vị trí kiệt hẻm có chiều rộng dưới 02 mét của đường Ngô Gia Tự, có diện tích từ 13,8m2 đến 21,8m2 (có 04 trường hợp).
 
 Nhóm 9: Hộ giải tỏa ở chung cư số 214 đường Hùng Vương: Hộ ở chung cư tầng 1 có diện tích đất 47,8m2 bố trí 01 lô đất chính mặt tiền đường Hải Phòng; hộ ở chung cư tầng 1 có diện tích đất 28,2m2 bố trí 01 lô đất chính đường Phan Bội Châu; hộ ở nhà chung cư tầng 2 có diện tích xây dựng nhà từ 27,8m2 đến 38,4m2 bố trí 01 lô chính đường 5,5m Khu dân cư Phan Bội Châu – Trần Quý Cáp.
 
 Nhóm 10: Hộ ở nhà tập thể thuộc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch được cơ quan phân nhà ở trước ngày 01/7/2004, có hộ khẩu thường trú tại nơi giải tỏa thì bố trí lại 01 căn hộ chung cư.

Theo Đà Nẵng Portal

Xem tiếp...

Tin tức & dự án bất động sản nổi bật tuần 7 năm 2011

Tin tức, dự án bất động sản nổi bật tuần 7 năm 2011Điều chỉnh tỷ giá đã khiến nhiều chủ đầu tư phải cân nhắc đến bài toán cung – cầu để có quyết định giảm tỷ suất lợi nhuận hay tăng giá bán căn hộ đảm bảo lợi nhuận kỳ vọng.


Tin tức nổi bật
Thị trường văn phòng Châu Á Thái Bình Dương tăng trưởng 1,5% trong quý 4/2010. Sự phục hồi mạnh mẽ của khu vực thị trường Trung Quốc như Hồng Kông, Bắc Kinh nhờ nhu cầu mở rộng của khối tài chính, mở rộng hoạt động kinh doanh của các tập đoàn đa quốc gia đã giúp thị trường văn phòng châu Á TBD tăng trưởng 1,5% trong quý vừa qua
Giá thuê văn phòng hạng A tại Tp.HCM giảm 10% trong tháng 1/2011: Thời điểm cuối năm 2010 giá thuê trung bình của văn phòng hạng A tại Tp.HCM vào khoảng 40 USD/m2, đến tháng 1 năm 2011 mức giá này đã rơi xuống 36 USD/m2 tương ứng giảm khoảng 10% (theo Colliers International). Công suất thuê văn phòng hạng A tại Tp.HCM khoảng 87%. Nguồn cung văn phòng hạng A đang trống khoảng 80.000 m2 sàn. Dự báo tổng nguồn cung mới trong 4 năm sau khoảng 2,7 triệu tấn.
Di dời các trường ĐH ra khỏi nội thành: “Đất vàng” dành cho ai?: Hà Nội đã công bố danh sách của 12 trường ĐH phải di dời ra khỏi nội đô. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận cho biết, hiện kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất dành cho các trường đại học rất hạn hẹp, nên việc Nhà nước đầu tư vài ngàn tỷ đồng mua khu đất mới xây trường là không có. Hướng giải quyết sẽ là hóa giá đất nội thành để tạo nguồn vốn đầu tư khu mới. “Hiện chúng tôi đã nhận được nhiều lời đề nghị nhà trường đầu tư theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao)- lãnh đạo một trường ĐH phải di dời tiết lộ.
Đến thời điểm này, chưa có trường nào đăng ký với TP. Hà Nội về phương án di chuyển. Vấn đề nằm ở chỗ là thiếu “điểm đến”, chứ không hẳn do không giải quyết được “nhà cũ”.
 Thị trường bất động sản khó khăn vì biến động tỷ giá: Nhiều chuyên gia cho rằng, việc điều chỉnh tỷ giá tăng lên vừa rồi. Nhiều khách mua căn hộ cao cấp hình thành trong tương lai bằng đồng USD sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực, do phải mật thêm khoản tiền chênh lệch do tỷ giá tăng. Bên cạnh đó, tỷ giá tăng sẽ dẫn đến các chi phí đầu vào cần nhập khẩu cũng sẽ tăng lên, giá cả lạm phát tăng,…sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường bất động sản. Tuy nhiên, vấn đề điều chỉnh giá bán căn hộ trong thời điểm này là mạo hiểm, nhiều chủ đầu tư sẽ phải cân nhắc đến bài toán cung – cầu để có quyết định giảm tỷ suất lợi nhuận hay tăng giá bán căn hộ đảm bảo lợi nhuận như kỳ vọng.
 Dự án mới
+ Dự án Văn phòng -thương mại Hàng Xanh – Tp.HCM
Chủ đầu tư do Thuduc House và Satraseco làm chủ đầu tư, hai công ty này vừa mới ký kết hợp đồng hợp tác đầu tư dự án này vào 16/2/2011.
Dự án được xây dựng tại số 219 - 221 Xô Viết Nghệ Tĩnh, Phường 17, Quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh. Quy mô cao 8 tầng (gồm 1 tầng trệt, 7 tầng lầu và 02 tầng hầm), tổng diện tích sàn 4.427,14 m2 (kể cả 2 tầng hầm), chưa kể tầng lững, với mục đích nhằm sử dụng, kinh doanh (cho thuê) văn phòng làm việc, trung tâm thương mại dịch vụ và các dịch vụ khác.
Tổng vốn đầu tư của dự án dự kiến là 42,2 tỷ đồng. Dự kiến hoàn thành vào tháng 4/2012.

+ Khu đô thị Phước Thắng – TP. Vũng Tàu
Chủ đầu tư Cổ ty Cổ phần Công ty CP Phát triển nhà BR-VT (HDC), vừa được UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cấp Giấy chứng nhận đầu tư.
Quy mô dự án khoảng 123,8 ha, trong đó có khoảng 60ha là diện tích đất quy hoạch cụm tiểu thủ công nghiệp, phần còn lại được quy hoạch làm nhà ở tiếp giáp với sông Dinh và trục đường 3/2 cửa ngõ vào Thành phố Vũng Tàu.
Dự án gồm có 756 căn biệt thự và 723 căn nhà liên kế. Nhà chung cư cao tầng gồm có 8 khối nhà cao từ 18 – 36 tầng, khu tái định cư có 3 khối nhà cao từ 5- 9 tầng. Khách sạn kết hợp căn hộ gồm 01 khối cao 21-36 tầng 2. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 4.424 tỷ đồng. Thời gian thực hiện từ 2011 – 2015.
+ Khu đô thị 49 ha – Tp.Vũng Tàu

Dự án do Hodeco làm chủ đầu tư, vừa được UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cấp Giấy chứng nhận đầu tư. Tổng mức đầu tư của dự án này là 1.287 tỷ đồng.
Quy mô dự án 49 ha gồm có khoảng 490  căn liền kế chiếm diện tích đất là diện tích đất 51.702 m2, diện tích sàn 154.000 m2, 433 căn hộ, diện tích đất 128.010 m2, diện tích sàn 100.000m2. Ngoài ra, dự án còn có khoảng 1.200 căn hộ chung cư với tổng diện tích sàn 200.000m2 và diện tích đất xây dựng khách sạn 18.294m2.
+ Hodeco Sea Villade – Tp. Vũng Tàu
Dự án do Công ty CP Phát triển nhà BR-VT (Hodeco) làm chủ đầu tư, cũng vừa mới được UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cấp Giấy chứng nhận đầu tư.
Địa điểm xây dựng dự án tại phường 10, Tp. Vũng Tàu với quy mô được xây dựng trên khu đất 47.471m2, Gồm 3 khối nhà với 850 căn. Lô số 01 và 1a cao 33 tầng; lô số 02 cao 36 tầng. Khối khách sạn C1 và C2, tầng cao xây dựng 21 tầng, với 300 phòng. Tổng mức đầu tư dự án 1.148 tỷ đồng
+ Chung cư cao tầng 505 Minh Khai – Hà Nội

Chủ đầu tưCông ty CP Nông sản Agrexim, vừa được UBND Tp.Hà Nội chấp thuận di dời cơ sở sản xuất và chuyển đổi mục đich sử dụng đất tạu số 505 Minh Khai, phường Vĩnh Tuy, Hà nội.
Dự án có tổng mức đầu tư 1.495 tỷ đồng, xây dựng trên diện tích khu đất 17.377m2 thuộc cơ sở sản xuất cũ của Agrexim.

Dự án được triển khai từ quý 1 năm 2011 và hoàn thành vào quý 1 năm 2014.

Theo cafeF

Xem tiếp...

20 thg 2, 2011

10/3 hết hạn nhận hồ sơ mua nhà thu nhập thấp

Thời gian tiếp nhận hồ sơ đăng ký mua nhà thu nhập thấp lần thứ hai tại Hà Nội sẽ được thực hiện từ ngày 20/2 – 10/3/2011


Phối cảnh dự án nhà thu nhập thấp tại khu đô thị Kiến Hưng, Hà Đông, Hà Nội.


Như vậy, so với kế hoạch ban đầu, thời gian tiếp nhận đã bị chậm lại đúng 10 ngày. Trước đó, chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Bê tông và Xây dựng Vinaconex Xuân Mai dự kiến sẽ tiếp nhận hồ sơ bắt đầu tư 10/2. Tuy nhiên, do đến thời điểm trên, doanh nghiệp này vẫn chưa có đủ văn bản hướng dẫn từ phía cơ quan quản lý của Hà Nội.

Theo đại diện chủ đầu tư, doanh nghiệp này sẽ bố trí các bộ phận tiếp nhận hồ sơ đăng  ký mua nhà thu nhập thấp tại khu đô thị Kiến Hưng (Hà Đông) ngay tại tầng 1, tòa nhà CT1 Ngô Thì Nhậm, Hà Đông. Thời gian xét duyệt hồ sơ từ ngày 11/3 - 25/3/2011. Ngày 12/4/2011 sẽ tổ chức bốc thăm quyền được mua nhà thu nhập thấp. Sau đó, chủ đầu tư sẽ tiến hành ký hợp đồng mua nhà thu nhập thấp từ ngày 15/4 - 25/4/2011.
 
Chủ đầu tư cũng sẽ chuyển hồ sơ đăng ký mua nhà thu nhập thấp CT1 – Ngô Thì Nhậm hồi cuối năm 2010 chưa được quyền mua sang dự án Kiến Hưng nếu các hộ gia đình có nhu cầu.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, tổng số căn hộ thuộc diện nhà thu nhập thấp tại khu Kiến Hưng có khoảng 860 căn hộ thuộc 3 tòa nhà, diện tích mỗi căn hộ là 70 m2, trong đó nhà 19T3 gồm 288 căn hộ, 19T5 gồm 216 căn hộ và 19T6 gồm 360 căn hộ.

Hiện nay, Vinaconex Xuân Mai và Vinaconex số 21 đã thực hiện xong phần móng của nhà 19T3 và tiếp tục tiến hành thi công phần móng nhà 19T5, 19T6.

Theo một đại diện của chủ đầu tư, do lần mở bán này các đối tượng không bị giới hạn về khu vực vực thường trú trên địa bán nên dù mới bắt đầu tiếp nhận hồ sơ từ ngày 20/2, song số người đến nộp đơn hiện nay đã quá tải, vượt quá nhiều lần so với số căn hộ được chào bán.


Xem tiếp...

Đất Quảng Ninh giá cao nhất là 30 triệu đồng

Giá đất năm 2011 tại tỉnh Quảng Ninh được điều chỉnh tăng bình quân khoảng 20% so với phương án giá năm 2010.
Gia dat quang ninh
Bảng giá đất này được tỉnh xây dựng đảm bảo sự cân đối hài hòa, hợp lý giữa các khu vực trong cùng địa phương và giữa các huyện, thị xã, thành phố.

Theo đó, giá đất chuẩn tại đô thị cao nhất là 30 triệu đồng/m2 thuộc các tuyến đường của phường Hồng Gai, thành phố Hạ Long; thấp nhất là 200.000 đồng/m2 tại một số thị trấn của các huyện đảo và huyện miền núi như: Bình Liêu, Cô Tô...

Đối với giá đất ở khu vực nông thôn thuộc các xã đồng bằng, mức giá xây dựng thấp nhất là 100.000 đồng/m2 (huyện Yên Hưng), cao nhất 4.500.000 đồng/m2 (huyện Đông Triều). Giá đất nông nghiệp cơ bản giữ nguyên như năm 2010, chỉ điều chỉnh, bổ sung một số nội dung và mức giá đất đầm ven biển.
Quảng Ninh có 11 địa phương điều chỉnh tăng mức giá tối đa theo khung giá của Chính phủ gồm Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, Yên Hưng, Hoành Bồ, Vân Đồn, Cô Tô, Ba Chẽ, Tiên Yên, Bình Liêu, Móng Cái.
Ba địa phương không điều chỉnh tăng giá tối đa gồm Đông Triều, Hải Hà, Đầm Hà do giá thực tế trên thị trường các địa phương này cơ bản ổn định, ít có biến động, mặt bằng giá xây dựng đã phù hợp với các vùng lân cận./.
Xem tiếp...