23 thg 7, 2011

Hơn 750 dự án tạm dừng chờ quy hoạch chung : Dự án nào sẽ bị khai tử ?

Sẽ có hàng loạt dự án bị dừng triển khai, do không phù hợp với các tiêu chí mà Đồ án Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đặt ra.

Đồ án Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050 đang đi những bước cuối cùng và hiện đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt trong thời gian tới. Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu Bộ Xây dựng phối hợp với UBND TP. Hà Nội hoàn thiện toàn bộ Hồ sơ bản vẽ Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, trình Thủ tướng trước ngày 1/8/2011.

Tuy nhiên, theo Bộ Xây dựng, trong thời gian chờ phê duyệt, trên cơ sở Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, UBND TP. Hà Nội có đầy đủ cơ sở để rà soát các đồ án, dự án đã tạm dừng triển khai từ khi thực hiện Nghị quyết 15/2008/QH12 của Quốc hội, xem xét đánh giá và cho phép triển khai những dự án phù hợp với tổ chức không gian, quy hoạch sử dụng đất của Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội.

Từ năm 2009 đến nay, qua nhiều lần rà soát, Bộ Xây dựng và UBND TP. Hà Nội đã lọc ra danh mục gồm 244 đồ án quy hoạch và dự án đầu tư xây dựng. Đây là các dự án, đồ án đã hoàn thành đầu tư xây dựng, đưa vào vận hành, thực hiện giải phóng mặt bằng, giao đất, hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, đang đầu tư xây dựng hạ tầng, hoặc quy mô nhỏ hơn 5 ha phù hợp với định hướng quy hoạch chung.

Trong tổng số 244 đồ án quy hoạch và dự án đầu tư, Thành phố đã phân thành 3 nhóm. Nhóm 1 là các đồ án, dự án cho phép tiếp tục triển khai (153 đồ án, dự án). Nhóm 2 gồm các dự án phải khớp nối về hạ tầng kỹ thuật, bổ sung chỉ tiêu hạ tầng xã hội theo tiêu chuẩn thiết kế, quy chuẩn xây dựng hoặc điều chỉnh cục bộ để phù hợp với định hướng quy hoạch chung (75 đồ án, dự án) và Nhóm 3 là các dự án phải tạm dừng chờ lập quy hoạch phân khu (16 dự án).

Đây là nhóm dự án triển khai từ trước khi Đồ án được xây dựng, phù hợp với quy hoạch chung. Có thể điểm ra 44 dự án bất động sản trong số 55 đồ án, dự án dạng này được tiếp tục triển khai như: Tòa nhà Falcon (Hà Đông), Khu đô thị Park City, Khu đô thị Mỗ Lao (Hà Đông), Tòa nhà Westa Coma 18, Làng Việt kiều châu Âu TSQ, Chung cư Quốc tế Hoàng Thành - Capital Land, Khu đô thị Văn Phú (Hà Đông), Khu đô thị Nam An Khánh, Khu đô thị Bắc An Khánh, Khu nhà ở để bán Vinaconex 2 Quang Minh (Mê Linh), Khu đô thị Thanh Lâm Đại Thịnh 1 (Mê Linh)… Những dự án, đồ án còn lại phải tạm dừng chờ quy hoạch.

Đối với hơn 750 dự án đang tạm chờ quy hoạch, theo ông Nguyễn Hồng Quân, Bộ trưởng Bộ Xây dựng, việc có tới 750 đồ án, dự án đầu tư tại thời điểm lập quy hoạch là một thực trạng phải quan tâm, giải quyết.

“Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Xây dựng phối hợp với UBND TP. Hà Nội rà soát cụ thể. Với những dự án phù hợp với quy hoạch chung, khớp nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật, có thể sẽ được tiếp tục thực hiện. Các dự án chưa phù hợp, tùy tình hình cụ thể, sẽ có biện pháp chuyển đổi chức năng sử dụng đất, hoặc di dời đến vị trí khác”, ông Quân cho biết.

Hầu hết dự án, đồ án đang bị tạm dừng chờ quy hoạch nằm ngoài vành đai 3 trở ra, có những dự án lên tới hàng nghìn héc-ta nằm trong khu vực vành đai xanh theo định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội. Do đó, buộc phải chờ đợi Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội được duyệt mới có cơ sở pháp lý để quyết định dự án nào dừng, dự án nào được triển khai tiếp.

Mặc dù đến cuối năm, Đồ án mới được phê duyệt, nhưng theo lãnh đạo Bộ Xây dựng, sẽ có nhiều dự án không được tiếp tục triển khai do không phù hợp với quy hoạch vùng Thủ đô, không phù hợp với nội dung nhiệm vụ quy hoạch chung Hà Nội mở rộng. Đó là các dự án nằm trong hành lang thoát lũ, phân chậm lũ; khu vực cấm và hạn chế xây dựng theo quy định của pháp luật; không bảo đảm môi trường; không nằm trong định hướng quy hoạch chung đã được duyệt; đồ án quy hoạch chi tiết chưa được cấp thẩm quyền phê duyệt.

Theo báo Đầu tư


Xem tiếp...

22 thg 7, 2011

Hạn chế cho vay bất động sản là không công bằng

Hạn chế tín dụng với bất động sản và chứng khoán là không công bằng với doanh nghiệp, đại biểu Đặng Thành Tâm trả lời báo chí bên hành lang phiên khai mạc kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa 13.



Là một trong số 38 doanh nhân trúng cử Quốc hội khóa mới, vị Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn (SGI) cho rằng, với thực tế hoạt động của mình, các đại biểu là doanh nhân có thể tham gia hiệu quả vào hoạt động giám sát của Quốc hội, để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.

Cảm nhận của một doanh nhân trong vai trò đại biểu Quốc hội về nền kinh tế hiện nay như thế nào, ông có thể chia sẻ?

Nền kinh tế hiện đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức như lạm phát cao, lãi suất cao, thâm hụt thương mại ngày càng nhiều và đầu tư nước ngoài thì tụt giảm. Làm sao phải giải quyết được vấn đề đó.

Tại kỳ họp này Quốc hội sẽ bầu Chính phủ mới, và tôi hy vọng Chính phủ sẽ có chính sách đột phá để ổn định kinh tế trong cả nhiệm kỳ 5 năm chứ không phải 1 năm.

Tuy nhiên, không phải chờ đến năm sau mà phải thực hiện ngay từ bây giờ phải các giải pháp để giảm lạm phát, hạ lãi suất và đảm bảo tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm, nếu không công ăn việc làm sẽ giảm.

Rất nhiều doanh nghiệp đang chờ đợi tín hiệu tích cực từ Chính phủ chứ nếu như hiện nay lãi suất cao không thể sống được.

Bên cạnh đó, có một thực tế hiện nay ở nước ta là nhiều hoạt động kinh doanh hiệu quả vẫn thiếu vốn và ngược lại. Về hệ số ICOR, có nơi 9 đồng vào mới được 1 đồng ra, có nơi 3 đồng vào được 1 đồng ra. Vấn đề làm sao phải điều tiết, giảm chỗ không hiệu quả, đưa vốn vào nơi hiệu quả hơn.

Đặc biệt cần tập trung vào xuất khẩu nông, thủy sản, để cân đối ngoại hối. Vì nếu không cân đối được xuất - nhập khẩu thì không thể ổn định vĩ mô.

Vì vậy, nếu thắt chặt tiền tệ kể cả với lĩnh vực nông sản, thủy sản, nơi tác động đến 70% dân số thì rất nguy hiểm. Người nghèo ngày càng nghèo đi. Theo tôi cần có chính sách tốt hơn để khuyến khích với ngành nông, thủy sản.

Ông có thể nói cụ thể hơn việc dòng tiền chảy vào chỗ không hiệu quả?

Phải nói thật là, khi đã gia nhập WTO thì không thể đưa ra chính sách “cấm” cái này cái khác. Vừa rồi, Ngân hàng Nhà nước đưa ra chính sách “cấm” cho vay chứng khoán, hay bất động sản, tôi cho là không bình đẳng với các doanh nghiệp. Vấn đề là phải điều chỉnh bằng hàng rào kỹ thuật.

Quan trọng, theo tôi là kiểm soát và giám sát. Ngân hàng phải giám sát cho dòng tiền đúng nơi đúng chốn. Còn với Quốc hội, nếu chủ động giám sát ngay từ đầu thì các dự án sẽ hiệu quả hơn và đương nhiên dòng tiền sẽ vào đúng nơi đúng chốn, còn nếu chỉ đưa ra chính sách là không vào chỗ này chỗ khác thì tiền sẽ đi đường vòng, rồi nó vẫn vào được những chỗ “cấm” đó.

Vậy theo ông các đại biểu nói chung và đại biểu là doanh nhân nói riêng nên tham gia quá trình giám sát như thế nào cho hiệu quả?

Tôi cho rằng nên giám sát ngay từ đầu và chủ động, không đợi, vì giám sát không có nghĩa là bới móc mà tham gia vào từ đầu để đóng góp thêm cho đối tượng được giám sát.

Ví dụ doanh nghiệp hoạt động cơ sở hạ tầng chúng tôi hiểu rõ làm sao tiết kiệm được trong làm đường. Chứ dự án nếu giải phóng mặt bằng nhanh mà thiếu vốn nằm phơi nhiều năm thì rất lãng phí.

Nhưng sự tham gia giám sát cần phù hợp với khả năng, ví dụ chúng tôi vào giám sát các dự án kinh tế thì rất nhanh, loáng qua hồ sơ một cái là biết. Trên cơ sở đó thì có thể đóng góp kinh nghiệm cho họ nữa chứ không phải chờ họ làm be bét rồi mới kỷ luật.



Xem tiếp...

20 thg 7, 2011

Đà Nẵng: Nhiều hộ dân thành con nợ vì cả tin

Chuyện xảy không phải là mới tuy nhiên cho đến hôm nay những hệ lụy mà nó mang đến mới thực sự làm cho một số người dân cảm thấy chua chát và lao đao.

Đều là những gia đình có đất có nhà nay bỗng thành người trắng tay và trở thành con nợ của ngân hàng… Đó là thực trạng chung của một số hộ dân ở TP Đà Nẵng mà chúng tôi có dịp tiếp xúc tìm hiểu trong thời gian qua…

Từ chủ nợ trở thành con nợ

Gặp chúng tôi, chị Nguyễn Thị Hòa không giấu được những giọt nước mắt vì đau khổ khi phải sống cảnh không nhà không cửa mà khởi nguồn tất cả cũng chỉ vì hai chữ "Cả tin". Chị tiếp chúng tôi trong một không gian chỉ có thể gọi là túp lều tại tổ 51, phường An Khê, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng được dựng tạm bởi những tấm tôn cũ kỹ và bốn bên được che chắn bởi những tấm lá dừa trên nền đất thuê, sống lay lắt bằng tiền bán nước.

Chị cho biết vì cả tin nên đã đồng ý làm hợp đồng bảo lãnh bằng giá trị quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất cho Công ty TNHH TM & DV Tuấn Công mà đứng đầu là ông Phạm Ngọc Tuấn vay vốn tại Ngân hàng TMCP Nam Việt - CN Đà Nẵng (công ty này chuyên kinh doanh hàng hóa, điện tử viễn thông, sửa chữa cơ khí ôtô, kho bãi…).

Việc trả lãi suất ngân hàng hằng tháng do ông Tuấn tự trả, đồng thời hằng tháng ông Tuấn sẽ trả lãi thêm cho chị 2.000.000 đồng. Từ tháng 10/2008 đến nay, ông Tuấn không trả lãi cho chị cũng như ngân hàng nên số nợ vì thế ngày một nhiều lên. Không thể để mình mãi là con nợ của ngân hàng và để số nợ ngày một nhiều nên chị đành phải bán căn nhà để trả nợ.

Vì lý do đó nên mẹ con chị giờ đây đang phải sống trong cảnh khó khăn chồng chất như thế này. Không riêng gì chị Hòa mà anh Lê Phước Vinh cùng chung cảnh ngộ. Cũng là nạn nhân của Công ty Tuấn Công, đến giờ này anh Vinh cũng đã phải bán nhà để trả nợ ngân hàng, rồi cũng phải cảnh đi thuê đất thuê nhà để ở tại quận Cẩm Lệ.

Đa số những người này cho hay vào thời điểm ông Tuấn vay tiền của họ, lãi suất ngân hàng là 1%, trong khi đó ông Tuấn trả tiền lãi là 5%, chính vì khoản tiền lãi khá cao này nên nhiều người đã không mảy may nghĩ đến kết cục đau lòng như hôm nay.

Tính đến thời điểm này, ngoài những nạn nhân của vụ việc trên đau đầu vì mất tiền mất của thì vẫn có không ít gia đình đứng ngồi không yên vì nhà sắp mất do số nợ gốc lẫn lãi tại ngân hàng ngày càng chồng chất. Ông Võ Văn Vui, hiện trú tại 77 Hàn Mặc Tử, TP Đà Nẵng, là người đau lòng hơn cả.

Một trong số những giấy mượn tiền mà ông Tuấn để lại.

Ông Vui là người đã nuôi cô Võ Thị Kim Chung từ nhỏ (và là chú ruột của Chung - nhận Chung làm con nuôi) lớn lên Chung kết hôn với Phạm Ngọc Tuấn. Vậy mà chính ông bây giờ đang phải chịu cảnh đứng ngồi không yên vì ngân hàng hối thúc với số tiền nợ gốc lẫn lãi tính đến ngày 23/5/2011 lên đến 1.179.431.305 đồng.

Cũng chính vì nghe lời con, muốn tạo điều kiện để cho con làm ăn nên ông Vui đã bảo lãnh giấy tờ nhà đất để Tuấn thế chấp vay ở ngân hàng để rồi phải lâm vào cảnh khốn cùng.

Mượn tiền đơn thuần hay chiếm dụng tài sản?

Với nhiều hình thức vay mượn khác nhau như dưới danh nghĩa công ty và cá nhân, vợ chồng Phạm Ngọc Tuấn và Võ Thị Kim Chung đã mượn tiền mặt, mượn sổ đỏ để thế chấp ngân hàng… và đa phần là dựa vào những người bà con thân quen để vay mượn.

Nắm bắt được nhu cầu của một số người dân muốn "tiền sinh tiền" nhanh nên Tuấn đã chấp nhận vay của họ với mức lãi cao hơn nhiều so với ngân hàng. Và để củng cố lòng tin của những người cho mình vay tiền, mấy tháng đầu Tuấn đã thanh toán tiền lãi rất sòng phẳng và đúng hẹn.

Chính vì cách làm ăn khôn ngoan đó Tuấn đã được những người này tin tưởng và không quên chỉ mối để Tuấn có thể vay mượn thêm. Tất nhiên sau một thời gian ngắn mọi người mới tá hỏa khi phát hiện mình không phải là nạn nhân duy nhất của việc cho vay mượn tiền theo kiểu đó. Mất của xót lòng, mọi người đưa đơn ra tòa kiện Tuấn, thế nhưng cho đến nay tay trắng vẫn hoàn trắng tay.

Trong một vài phiên tòa, Tuấn cũng đã cam kết hoàn trả số tiền mình nợ, thế nhưng sau phiên tòa hai vợ chồng Tuấn mất dạng, không ai tìm được Tuấn để đòi tiền. Điều đáng nói ở đây sau khi vay mượn tiền của nhiều người, Công ty Tuấn Công có đơn gửi TAND TP Đà Nẵng ngày 1/12/2008 yêu cầu mở thủ tục phá sản doanh nghiệp.

Tuy nhiên qua nhiều lần làm việc cùng với những thủ tục pháp lý cần thiết, ngày 1/12/2010, TAND TP đã ra quyết định đình chỉ tiến hành thủ tục phá sản đối với công ty. Như vậy, cho đến nay Công ty Tuấn Công chưa phá sản thì trách nhiệm trả nợ ngân hàng cũng như người dân là điều hiển nhiên.

Bằng những hình thức vay mượn khác nhau từ vợ chồng Tuấn, hàng chục người dân hiện nay đang lâm vào cảnh khốn khó cơ cực.

Bây giờ người mất tiền, người mất nhà đất và có những người chuẩn bị mất nhà mới thấm thía bởi sự cả tin của mình. Đây có lẽ cũng là bài học xương máu cho những người vì cả nể tình thân và một số người vì chút lợi trước mắt mà phải lao đao, đau khổ với cảnh trắng tay, liệu đây có phải chỉ là việc mượn tiền đơn thuần?

 Theo Mạnh Cường
CAND

Xem tiếp...

19 thg 7, 2011

Choáng với hình thức đầu tư bất động sản mới !

Chủ đầu tư Flamingo Đại Lải Resort vừa tung ra chương trình bán hàng khá mới lạ, với những quyền lợi "khủng" nhằm thu hút giới đầu tư bất động sản.


Biệt thự Thiên Yến - một trong số các biệt thự được áp dụng chương trình FVS2.


Với chương trình có tên gọi Flamingo Villa Share 2 (FVS2), khách hàng chỉ cần bỏ ra khoản đầu tư từ 4 - 6 tỷ đồng để cùng đầu tư và kinh doanh biệt thự tại Flamingo Đại Lải Resort (Ngọc Thanh - Phúc Yên - Vĩnh Phúc) với chủ đầu tư và được chia sẻ các quyền lợi hấp dẫn.

“Quyền lợi của các chủ sở hữu FVS2 là không chỉ được tận hưởng đến 30 ngày nghỉ/năm miễn phí tại biệt thự tiêu chuẩn 5 sao, mà còn được tham gia đầu tư tài chính an toàn trong suốt quá trình đầu tư khi được nhận ngay lợi nhuận với mức lãi suất lên đến 30%/năm và được bảo lãnh bởi ngân hàng uy tín”, thông cáo về chương trình cho biết.

Hơn nữa, chủ sở hữu FVS2 còn có cơ hội hưởng thu nhập khoảng 430 - 750 triệu đồng/năm từ chương trình cho thuê biệt thự và 70% mức tăng giá biệt thự hàng năm.

Theo tính toán của chủ đầu tư, với phương pháp đầu tư kinh doanh trên, chủ sở hữu FVS2 sẽ thu về tổng số tiền cả vốn và lãi gấp nhiều lần vốn đầu tư ban đầu sau 5 năm hợp đồng đáo hạn, hoặc thậm chí chỉ ngay sau khi hoàn thành thanh toán đợt 1 (trong vòng 2 - 3 tháng).

Ngoài ra, tham gia FVS2 khách hàng được nhận thẻ hội viên trị giá 600 triệu và rất nhiều quyền lợi, chiết khấu, ưu đãi lớn từ chủ đầu tư khi mua bất động sản và sử dụng dịch vụ tại Flamingo Đại Lải Resort và các khu nghỉ dưỡng, dịch vụ du lịch của các công ty cùng chủ đầu tư.

Theo thông báo của Công ty Cổ phần Hồng Hạc Đại Lải (chủ đầu tư), chương trình được áp dụng chung cho các biệt thự Hoàng Yến, Thiên Yến, Thiên Hạc, Phượng Hoàng và một số biệt thự khác tại Flamingo Đại Lải Resort với số lượng có hạn.

Đại diện chủ đầu tư cũng cho biết, trước đó vào đầu tháng 5 vừa qua, doanh nghiệp này cũng đã tung ra chương trình Flamingo Villa Share đợt 1 và thu hút giới đầu tư bất động sản tham gia ngoài mong đợi.

Đặc biệt, chủ đầu tư Flamingo Đại Lải Resort cam kết, trong lần mở bán đợt 2 này, khách hàng được tham gia cùng kinh doanh với chủ đầu tư và chủ động phương án tài chính có lợi nhất cho mình.

Theo cam kết của chủ đầu tư, các chủ sở hữu FVS2 cũng sẽ được quyền ưu tiên và tặng 1,5% khi mua FVS tiếp theo và giảm giá 2% khi mua biệt thự tại Flamingo Đại Lải Resort và sẽ được thưởng 1,5% tổng giá trị hợp đồng khi bán bất động sản thành công.


Xem tiếp...