24 thg 1, 2013

Đâu là con số thực của nợ xấu bất động sản ?

Đâu là con số thực của nợ xấu bất động sản, tổ chức tín dụng nào cho vay không đúng quy định, lãi suất sẽ ổn định trong thời gian bao lâu...?

Hàng loạt câu hỏi cả về trách nhiệm và giải pháp của Ngân hàng Nhà nước với việc "phá băng" bất động sản đã được đặt ra tại phiên giải trình do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức sáng 24/1 về thực trạng, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Và, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đặng Thanh Bình, ở vị trí "chia lửa" cho Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, đã rất điềm tĩnh và khôn khéo "trả bài". Để hỗ trợ thị trường bất động sản, nhiệm vụ của ngành ngân hàng được Chính phủ giao là không hề nhỏ. Tại bản báo cáo phục vụ phiên giải trình, Ngân hàng Nhà nước cũng đã đề cập khá chi tiết 8 giải pháp nhằm giải quyết khó khăn cho thị trường này trong thời gian tới, tuy nhiên, vẫn chưa đủ để các vị đại biểu của dân có thể yên tâm.

Đại biểu Bùi Nguyên Súy nhắc lại lời Thống đốc Nguyễn Văn Bình tại phiên trả lời chất vấn về nguyên nhân nợ xấu vào tháng 8/2012, trong đó có thẩm định cho vay chưa tuân thủ đúng quy định và đặt câu hỏi với nợ xấu bất động sản thì ngân hàng đã xác định sai phạm từ các tổ chức tín dụng như thế nào? Cho biết là không có thống kê sai phạm cụ thể trong cho vay ở lĩnh vực bất động sản, song ông Đặng Thanh Bình cũng đưa ra thông tin kết quả thanh tra tại 33 tổ chức tín dụng thì hầu hết đều có sai phạm, be bé cũng có và nghiêm trọng cũng có. Tuy nhiên, vị lãnh đạo cấp cao của ngành ngân hàng đã không nhắc tới một cái tên cụ thể nào.

 Nợ xấu, trong mối liên quan với sự cố ý làm sai của một số cán bộ ngân hàng khi nâng khống giá trị tài sản lên để cho vay cũng đã từng được Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh nhắc đến tại diễn đàn Quốc hội kỳ họp cuối năm 2012. Ví dụ được ông Thanh đưa ra khi đó là, một khu đất có giá trị khoảng 200 tỷ đồng, bằng một hợp đồng mua bán đã đưa lên 800 - 1.000 tỷ đồng để được vay 600 tỷ, bây giờ bán thì chưa tới 100 tỷ, khu đất đó không có ai mua, như vậy mất đứt 500 tỷ, đó gọi là nợ xấu, và "đương nhiên cả người đi vay và người cho vay cũng đã bỏ túi hàng chục tỷ đồng". Bởi sự "lắt léo" này, nên ngay ở phiên giải trình, một số ý kiến đã tỏ ra khá nghi ngờ về con số tỷ lệ nợ xấu đối với lĩnh vực đầu tư, kinh doanh bất động sản là 5,55% tại báo cáo chính thức của Ngân hàng Nhà nước.

Ủy viên Ủy ban Kinh tế, Chủ tịch Tập đoàn Thanh - Khoáng sản Việt Nam (TKV) Trần Xuân Hòa vẫn đưa ra đề nghị Ngân hàng Nhà nước có báo cáo đầy đủ chính xác về dư nợ bất động sản hiện nay, khi đã có trong tay báo cáo nói trên. Một đại biểu - doanh nhân khác, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Liên hiệp Hợp tác xã thương mại Tp.HCM nói, ở các nước người dân đều mua nhà trả góp từ tiền vay ngân hàng. "Vậy ở Việt Nam ngân hàng có xem cho vay mua nhà là nghiệp vụ kinh doanh chính của mình không? Có ổn định lãi suất thì mới kích cầu, ngân hàng có thông điệp mạnh mẽ hơn về vấn đề này không?", ông hỏi. "Từ xưa đến nay cho vay mua nhà vẫn coi là tín dụng tiêu dùng, cho vay bình thường, còn với 2013 thì xây dựng chính sách riêng với khu vực này, ưu đãi hơn cho các đối tượng mua nhà thấp, còn chính sách chung thì căn bản dựa trên các yếu tố cho vay thương mại", ông Bình trả lời. "Ngân hàng có quyền vậy tại sao không đề xuất phá sản với một số khách hàng là doanh nghiệp, có ý kiến cho rằng ngân hàng cũng ngại việc này", đại biểu Nguyễn Hữu Quang, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách đặt vấn đề. Nêu quy trình thủ tục rất nhiêu khê lâu dài là lý do các chủ nợ không muốn khởi kiện phá sản các khách hàng của mình qua tòa án, Phó thống đốc cho biết cố gắng nuôi nợ là cách hay làm của nhiều ngân hàng, vì ngân hàng rất thông minh tính toán để họ có lợi nhất.

Liên quan đến chính sách tín dụng với một số dự án đang dang dở ông Bình nói việc này có nhiều quan điểm khác nhau, song chủ trương chung là khuyến khích cho vay còn ở từng dự án thì ngân hàng quyết định trên cơ sở thẩm định theo đúng quy trình. Riêng với lãi suất cho vay với các đối tượng thuộc diện được hỗ trợ, Phó thống đốc "hứa" sẽ dành ra một lượng vốn nhất định lãi suất sẽ thấp hơn khá nhiều so với lãi suất thương mại thông thường. Với doanh nghiệp, báo cáo của Ngân hàng Nhà nước nêu rõ, chỉ cho vay đối với các dự án bất động sản mà chủ đầu tư có kinh nghiệm và bắt buộc phải có tỷ lệ vốn tự có nhất định tham gia dự án trước khi vay ngân hàng hoặc huy động từ các nguồn vốn khác.

 Bên cạnh đó, nghiên cứu xây dựng cơ quan tái thế chấp nhà ở quốc gia để đa dạng hóa nguồn vốn dài hạn hỗ trợ cho thị trường cũng là giải pháp được Ngân hàng nhà nước tính đến.

Xem tiếp...

23 thg 1, 2013

Ngân hàng kiến nghị giải pháp cứu bất động sản

Ngày 22/1/2013, BIDV, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam và một số đại diện bộ ngành liên quan họp tìm thêm các giải pháp hỗ trợ thị trường bất động sản thông qua các gói vốn và lập công ty tái cho vay thế chấp nhà ở.

Theo ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Hội đồng Quản trị BIDV, tất cả những chính sách để giải cứu nền kinh tế, đặc biệt là thị trường bất động sản và hỗ trợ sản xuất kinh doanh đều đã được thể hiện rõ nét trong các Nghị quyết số 01 và 02 của Chính phủ. Vấn đề quan trọng ở đây là các bộ ngành và hệ thống ngân hàng triển khai cụ thể như thế nào?

Đừng nói rồi để đấy!

Vì thế, ông Hà cho rằng, các bộ Tài chính, Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước cần nhập cuộc nhanh hơn, không kéo dài tình trạng nói rồi để đấy. Theo ông Hà, xuất phát từ khó khăn của các doanh nghiệp trong năm 2012 là hàng tồn kho, nhất là tồn kho bất động sản và cùng đó là nợ xấu tăng cao; thế nên, ngay từ đầu 2013, Chính phủ đã có Nghị quyết 01, 02, trong đó dành hẳn một nhóm giải pháp riêng tập trung hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn, xử lý hiệu quả nợ xấu; tập trung hỗ trợ thị trường, giải quyết hàng tồn kho; tạo điều kiện, môi trường thuận lợi cho sản xuất kinh doanh.

Nổi lên trong đó là một số giải pháp đáng chú ý như: mở rộng tín dụng cho vay mua nhà, khuyến khích các tổ chức tín dụng liên kết với chủ dự án để cung cấp tín dụng dài hạn cho người có nhu cầu mua nhà để ở; trong quý 1/2013, Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ Xây dựng ban hành, hướng dẫn Quy chế cho vay và chỉ đạo các ngân hàng thương mại của nhà nước dành một lượng vốn hợp lý ở mức >3% tổng dư nợ để cho các đối tượng thu nhập thấp, cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang vay để mua, thuê mua nhà xã hội và nhà thương mại có diện tích nhỏ hơn 70 m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2, cho vay đối với các doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội, doanh nghiệp chuyển đổi công năng của dự án phục vụ cho nhà ở xã hội với lãi suất hợp lý và kỳ hạn trả nợ phù hợp với kỳ hạn của nguồn vốn và khả năng trả nợ của khách hàng...

“Định hướng chỉ đạo và giải pháp đã có, cần phải triển khai rốt ráo vì doanh nghiệp hiện nay vô cùng khó khăn”, ông Hà nói.

Theo đó, hướng triển khai hỗ trợ thị trường của BIDV từ 2013 - 2015 là dành 30 nghìn tỷ đồng cho bất động sản. Trong đó, dành 19.500 tỷ đồng cho vay cá nhân mua, thuê mua nhà ở xã hội. Năm 2013 sẽ giải ngân khoảng 3.000 tỷ đồng cho vay cá nhân thu nhập thấp, trung bình chưa có nhà ở hoặc có nhà nhưng diện tích trung bình dưới 8m2 sàn/người.

Mức cho vay với đối tượng này tối đa 85% giá trị ngôi nhà, thời hạn vay 15 năm, lãi suất bằng 90% lãi cho vay thông thường cùng kỳ hạn của BIDV.

Ngoài ra, BIDV dành 10.500 tỷ cho chương trình nhà ở xã hội giai đoạn 2013 - 2015 đối với dự án nhà ở thương mại, xã hội có diện tích sàn dưới 70m2 và giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 và mức cho vay lên tới 70% tổng mức đầu tư dự án; thời hạn vay 36 tháng, lãi suất 2 năm đầu bằng lãi suất Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) và thời gian còn lại theo lãi suất thị trường của BIDV.

Kiến nghị lập công ty tái cho vay thế chấp nhà ở

Cũng tại buổi họp này, BIDV chủ động thông tin về Đề án thành lập Công ty Tái cho vay thế chấp nhà ở Quốc gia ngay trong quý 2/2013 để kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn của nền kinh tế và thị trường bất động sản, kích thích sản xuất lưu thông hàng hóa.

Theo ông Trần Phương, Phó tổng giám đốc BIDV, Công ty Tái cho vay thế chấp nhà ở sẽ tồn tại dưới hình thức công ty tài chính trách nhiệm hữu hạn một thành viên do nhà nước sở hữu 100% hoặc chi phối trên 75% vốn điều lệ.

Vốn điều lệ ban đầu của công ty là 5.000 tỷ đồng và kỳ vọng trong 5 năm đầu tiên, sẽ huy động thêm khoảng 50 nghìn tỷ đồng từ các nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ, ODA, tiền gửi dài hạn giá rẻ của các định chế tài chính trong nước.

“Với lượng vốn đó thì trong 5 năm đầu tiên, công ty sẽ cung cấp nguồn vốn cho 250 nghìn căn nhà, tương đương 7,5 triệu m2 nhà ở thu nhập thấp và con số này đến 2020 là 900 nghìn căn nhà”, ông Phương nói.

Cơ chế hoạt động của công ty này theo hai hình thức, gồm: tái cho vay thế chấp và mua lại các khoản nợ cho vay nhà ở thu nhập thấp từ các ngân hàng thương mại. Điểm khác biệt ở đây là không cho vay trực tiếp vào đối tượng thụ hưởng mà cho vay gián tiếp đối với các, ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng thực hiện cho vay nhà ở thu nhập thấp.

Cụ thể, đối với nghiệp vụ tái cho vay, công ty sẽ chủ động hợp tác với tổ chức tín dụng để chỉ định dự án, đối tượng khách hàng cụ thể và xác định lãi suất cho vay, thời hạn, số tiền cụ thể cần giải ngân. Từ đó, tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại sẽ là đơn vị thực hiện giải ngân và thu nợ, quản lý khoản vay cũng như tài sản bảo đảm.

Theo cơ chế này, nguồn vốn lãi suất thấp (do đầu vào có lãi suất thấp) sẽ được đưa đến đúng đối tượng thụ hưởng mà nhà nước mong muốn hướng tới và các đơn vị nhận nguồn vốn không sử dụng nguồn này một cách bừa bãi để cho vay lại với giá cao trên liên ngân hàng hoặc cho vay ra thị trường.

Còn đối với nghiệp vụ mua nợ thì công ty sẽ mua lại các khoản nợ cho vay thế chấp nhà ở từ các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng phi ngân hàng với thời hạn mua nợ theo thỏa thuận giữa hai bên.

Phương thức mua nợ cụ thể như sau: sau khi mua, công ty sẽ ủy thác cho ngân hàng thương mại tiếp tục quản lý, theo dõi, đôn đốc thu hồi các khoản nợ theo lịch trả nợ tại hợp đồng tín dụng; ngân hàng thương mại sau khi thu nợ phải chuyển trả cho công ty và được công ty trả phí ủy thác.

Hiện tại, đề án này đã được BIDV trình lên Chính phủ vào ngày 18/1 vừa qua. Ông Phan Hữu Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhận xét: “Đây là mô hình rất hữu ích và đặc biệt phát huy hiệu quả ở các nền kinh tế phát triển khi lâm vào suy thoái. Nếu được triển khai sớm tại Việt Nam, sẽ tháo gỡ một phần lớn khó khăn cho thị trường bất động sản đang đình trệ hiện nay”.

Xem tiếp...

20 thg 1, 2013

Nan giải cách giải cứu Bất động sản

Tháo gỡ hay giải cứu thị trường bất động sản được dư luận dự báo sẽ là một trong ít vấn đề nóng nhất của năm 2013 cùng với việc xử lý nợ xấu, khiến Thủ tướng phải họp bàn biện pháp giải cứu ở hai đô thị lớn nhất cả nước TP.HCM và Hà Nội, nơi “tảng băng” bất động sản lâu nhất và khó phá nhất. Trước đó, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng cũng đã có các cuộc gặp gỡ, thảo luận với các doanh nghiệp chủ chốt trong lĩnh vực này.

Câu hỏi lớn nhất được các chuyên gia đặt ra là: Cứu doanh nghiệp bất động sản hay cứu người dân có nhu cầu mua sử dụng? Cách cứu như thế nào? Từ sau quý I-2012, Chính phủ đã hạn chế ngân hàng cho vay bất động sản và chứng khoán. Tuy nhiên, trên thực tế trong “cơn sốt” giá đất mấy năm qua, nhiều nhà đầu tư đã đổ tiền xây dựng nhà cao tầng sang trọng và đắt tiền thì mới có lời. Việc mua bán nhà không diễn ra giữa chủ đầu tư và người mua để ở mà là giữa người xây với người mua đi bán lại đầu cơ.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhận định rằng, các doanh nghiệp bất động sản sẵn sàng thỏa thuận với ngân hàng thương mại vay lãi suất rất cao vì lợi nhuận gấp nhiều lần. Ngân hàng được lợi nhuận cao, sẵn sàng dốc tiền cho các “đại gia” này, hút hết tiền của xã hội vào đây, còn đâu để sản xuất kinh doanh! Những biện pháp mà các hiệp hội bất động sản “hiến kế” đã bỏ qua phân khúc thị trường cao cấp này. Chẳng hạn, chuyển đổi những khu căn hộ chung cư cao cấp sang bệnh viện, khu thương mại thì liệu ai sẽ bỏ tiền đầu tư? Đem cho thuê thì định giá bao nhiêu để người ít tiền có thể thuê được? Vấn đề được nhiều người quan tâm là giá nhà, giá đất bao nhiêu thì vừa?

 Lâu nay người ta hay nói, giá cả do thị trường quyết định, song nhiều ý kiến lại cho rằng thị trường đang bị bóp méo, cung vượt quá xa cầu, tồn kho bất động sản “chôn vùi” hàng nghìn tỷ đồng. Lẽ thường, giá phải kéo xuống thấp đến khi cung cầu gặp được nhau, nhưng quy luật này vẫn không diễn ra. Một luồng ý kiến khác thì nhận xét, sở dĩ giá không thể giảm là vì chủ đầu tư đã “trót” kê giá dự án lên cao để vay tiền ngân hàng, bây giờ có giảm giá, bán được nhà cũng không thể đủ tiền trả nợ. Chủ nợ là ngân hàng càng không muốn giảm giá vì giá trị thế chấp đã lỡ xác định ở mức cao rồi. Đây chính là cái vòng luẩn quẩn rất khó tháo gỡ. Vậy thì giải cứu thị trường bất động sản, là “cứu” những khu nhà giá cao ngất ngưởng hay xây nhà ở xã hội để bán với giá phù hợp cho rất nhiều người ít tiền đang mơ ước một căn hộ? Nếu như để cứu các chủ đầu tư đang xây nhà thì ngân hàng phải cho họ vay tiếp để làm cho xong. Khi làm xong nhà thì họ sẽ bán với giá “trên trời” hay “dưới đất” cho những người dân cần nhà thực sự? Ngay cả khi Nhà nước sẽ giảm thuế, giảm tiền sử dụng… thì cũng chỉ có tác dụng giảm giá bán căn nhà theo “phần trăm”, chứ không thể giảm số “phần trăm” tiền đã bỏ ra để giúp chủ đầu tư trả được nợ.

Hoàn toàn có lý khi một số chuyên gia cho rằng, việc xây nhà xã hội là giải quyết vấn đề xã hội cho nhiều người thu nhập thấp, chứ không phải là làm để giải cứu thị trường bất động sản. Hà Nội đã có bán nhà xã hội, rút thăm, phát phiếu đủ cả, song nhà bán xong vài tháng không có ai đến ở. Người mua đâu phải người thu nhập thấp, họ mua để bán lại. Bài toán giải cứu bất động sản quả thật là nan giải.

Xem tiếp...