17 thg 1, 2013

Muốn cứu bất động sản, phải thu hồi 30 - 40% dự án ?

Ngày 16/1, tại hội nghị triển khai kế hoạch 2013 của Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng thẳng thắn nhìn nhận rằng, việc thừa dự án song thiếu công trình hạ tầng, thiếu sản phẩm phù hợp với người có nhu cầu nhà ở, là một trong những nguyên nhân khiến thị trường bất động sản đóng băng.

Theo Bộ trưởng, nguyên nhân sâu xa của thực trạng này là do công tác kiểm soát quản lý đô thị còn yếu, quản lý đô thị theo bề rộng mà không căn cứ quy hoạch và kế hoạch phát triển. Đặc biệt, tại nhiều địa phương chưa kiểm soát đô thị theo quy hoạch, cứ nhà đầu tư “xin” là chính quyền chấp thuận, mà không căn cứ xem đô thị phát triển đến mức nào, dân mỗi năm tăng bao nhiêu để xây dựng phù hợp với tốc độ phát triển.

Còn theo Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam, để triển khai Nghị quyết 02 mà Chính phủ mới ban hành, trước đó, Bộ Xây dựng đã tiến hành rà soát, kiểm tra trực tiếp 11 dự bất động sản tại các tỉnh, thành trọng điểm. Bộ cũng đã tổng hợp, phân loại dự án dừng hay cho tiếp tục, chuyển đổi…

Tuy nhiên, Thứ trưởng Nam, công tác rà soát và phân loại dự án tạm dừng, tiếp tục tại các địa phương chưa thực sự hiệu quả.

“Có thành phố chúng tôi đề xuất thu hồi lên đến 40% số dự án, trong khi chính quyền địa phương chỉ đề xuất thu hồi dưới… 1% tổng dự án”, ông Nam nói.

Do đó, theo đại diện lãnh đạo Bộ Xây dựng, sắp tới, cơ quan này có thể sẽ đề xuất Chính phủ “mạnh tay” hơn trong việc thu hồi khoảng 30 - 40% số dự án bất động sản hiện có, trong đó tập trung vào số dự án quá chậm hoặc không thể triển khai, qua đó góp phần khắc phục tình trạng dự án tràn lan, siết chặt được nguồn cung ra thị trường, tránh tình trạng dư thừa.

Đồng quan điểm trên, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Trần Ngọc Hùng cho rằng, ở bất kỳ địa phương nào thì tình trạng cấp phép tràn lan các dự án bất động sản cũng đều có trách nhiệm của cơ quan quản lý, chính quyền. Bởi lẽ, theo ông, tất cả các dự án bất động sản muốn có giấy phép đều phải “xin” thì mới được “cho”, mới được sự đồng ý của cơ quan quản lý, cấp phép.

“Chắc các đồng chí còn nhớ, trước thời điểm sáp nhập vào Hà Nội, có một số xã của Hòa Bình chỉ trong một đêm cấp phép cho mấy chục dự án”, ông Hùng dẫn chứng.

Theo đề xuất của Tổng hội Xây dựng, cùng với việc rà soát lại tất cả các dự án nhà ở trên cơ sở điều kiện phát triển của các địa phương, các bộ, ngành và Chính phủ phải  tính đến và kiên quyết thu hồi các dự án ma, dự án bỏ hoang lâu năm.

Bên cạnh đó, mặc dù Nghị quyết 02 của Chính phủ giao cho Bộ Xây dựng chủ trì cùng các địa phương rà soát lại các dự án trên địa bàn, song theo lãnh đạo Tổng hội Xây dựng, nếu để các địa phương tự rà soát và Bộ thẩm định thì sẽ khó mà có hiệu quả.  Bộ Xây dựng cần trực tiếp vào cuộc mới là phương án tốt nhất.

Đưa ra lời hứa trước hội nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, để khắc phục những hạn chế nói trên, trong năm 2013 này, Bộ sẽ tập trung xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách về quản lý đô thị, cụ thể hóa chiến lược nhà ở, tăng quyền cho các cơ quan quản lý nhà nước để quản lý, kiểm soát các doanh nghiệp, chủ đầu tư bất động sản.

Xem tiếp...

15 thg 1, 2013

Chính phủ cứu Bất động sản: DN nào sẽ được hưởng lợi nhiều nhất ?

Theo báo cáo phân tích của Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC), DIG, TDH, HAG và BCI là những doanh nghiệp BĐS sẽ được hưởng lợi nhiều nhất khi chính phủ giải cứu BĐS.
Thời gian gần đây, Chính phủ đã công bố một số đề xuất nhằm hỗ trợ lĩnh vực BĐS, trong đó có các đề xuất của NHNN và Bộ Tài chính. Các giải pháp được Chính phủ đưa ra bao gồm giảm và giãn thuế GTGT và thuế TNDN trong năm 2013, các giải pháp về nợ xấu bao gồm cung cấp tín dụng, lãi suất ưu đãi, và các biện pháp khuyến khích khác dành cho chủ đầu tư và người mua. Theo đánh giá của VCSC, thời gian tới nhà đầu tư sẽ quan tâm nhiều đến 4 chỉ báo sau đây của các doanh nghiệp BĐS.

Đầu tiên là phân khúc sản phẩm, vì các giải pháp của Chính phủ được thiết kế trước tiên nhằm hỗ trợ cho các chủ đầu tư xây dựng chung cư vì liên quan trực tiếp đến ưu đãi tín dụng cho chủ đầu tư và người mua. Các gói lãi suất ưu đãi nhằm hỗ trợ người mua thuộc phân khúc bình dân.

Thứ hai là lượng hàng tồn kho có sẵn để bán. Do phải mất một thời gian để xây dựng tồn kho căn hộ nên chủ đầu tư có sẵn hàng tồn kho để bán sẽ có lợi thế, đặc biệt là khi thị trường năm 2012 ảm đạm đã làm cho người mua khá do dự. Người mua yêu cầu chiết khấu cao đối với BĐS đang trong giai đoạn phát triển do tính đến khả năng dự án chậm trễ trong thời gian dài.

Thứ ba là quỹ đất cho các dự án trong tương lai. Quỹ đất cho các dự án tương lai khi ngành BĐS hồi phục trở lại cũng là một tiêu chí quan trọng. Việc bán hàng tồn kho hiện có sẽ đem lại tiền mặt cho chủ đầu tư và sẽ được tái đầu tư vào các dự án tương lai.

Thứ tư là định giá, cụ thể là tỷ lệ chiết khấu giá cổ phiếu so với giá trị tài sản ròng (RNAV). Mặc dù phần lớn các cổ phiếu BĐS giao dịch tại mức thấp hơn RNAV nhưng mức độ hấp dẫn của các cổ phiếu cũng tăng theo mức chiết khấu so với RNAV. Dựa trên bốn chỉ báo trên, VCSC cho rằng DIG, TDH, HAG và BCI là các mã hấp dẫn hơn đối với nhà đầu tư, vì các công ty này sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ các động thái trên của Chính phủ.

Trong khi đó, các mã KDH, SJS, NTL và ITC sẽ không thể hưởng lợi bằng vì các công ty này tập trung vào đất lô thay vì căn hộ giá cả phải chăng, và có lượng hàng tồn kho và quỹ đất hạn chế.
 Theo dự báo của VCSC, nới lỏng tín dụng có thể giúp cải thiện thanh khoản của các chủ đầu tư thứ cấp đã mua đất trong dự án Nam Vĩnh Yên, nhưng chưa thanh toán hết cho DIG. DIG chỉ mới nhận được khoảng 30% trong tổng số 700 tỷ đồng tiền bán hàng tại dự án này. Trong năm 2013, DIG có thể ghi nhận một phần doanh thu bán hàng và lợi nhuận từ dự án Nam Vĩnh Yên. Trong khi đó, TDH sẽ hưởng lợi từ các dự án căn hộ giá rẻ. Hơn nữa, các dự án chính của TDH ở quận 9 khá tiện giao thông với trung tâm thành phố và phù hợp để phát triển các căn hộ thuộc phân khúc bình dân. Các quỹ đất này hầu hết đều sạch và gần như đã sẵn sàng xây dựng. HAG là một trong những công ty có quỹ đất lớn nhất trong số các chủ đầu tư niêm yết và được mua với giá cạnh tranh.

Bên cạnh đó, công ty này luôn tập trung vào phân khúc bình dân kể từ khi bắt đầu hoạt động. Hơn thế nữa, nhờ lợi thế quy mô, HAG có khả năng thu xếp nguồn vốn cho các dự án khi nhu cầu thị trường quay trở lại. Trong số các mã niêm yết, BCI là công ty dẫn đầu về quỹ đất tại các quận huyện phía Tây thành phố Hồ Chí Minh. Công ty cũng nhằm vào phân khúc thu nhập thấp ở cả hai mảng căn hộ và đất lô và trong giai đoạn khó khăn của thị trường trong năm 2012 thậm chí đã tiến một bước xa hơn bằng cách chào bán căn hộ thô trên dự án Tân Tạo A giảm giá đến xuống mức hấp dẫn 11 triệu đồng/m2. Một điểm cộng nữa của BCI là sự thận trọng của ban lãnh đạo, đặc biệt là sau khi công ty đã bán thành công 70% cổ phần Khu công nghiệp Phong Phú với tổng giá trị 700 tỷ đông trong năm 2012 thu về 1 lượng tiền mặt tốt.

Xem tiếp...