25 thg 3, 2011

Vì sao chủ đầu tư bất động sản không chịu giảm giá?

Nếu nhìn kỹ lại diễn biến thị trường bất động sản trong hai năm trở lại đây, có thể nhận ra rằng chính giá chào bán quá cao tại nhiều dự án đang là thủ phạm “bức hại” nhiều chủ đầu tư sừng sỏ.



Theo suy luận chung của số đông, một khi thị trường có sự đóng băng về giao dịch trong suốt thời gian dài thì trước sau giá cả cũng phải được điều chỉnh theo hướng có lợi cho bên mua.

Thế nhưng, logic trên đã không đúng với thị trường bất động sản hiện nay, đặc biệt là tại khu vực Hà Nội, khi mà giá các dự án bất động sản, căn hộ chung cư, dù ở cách xa khu vực trung tâm hàng chục km, cũng không nơi nào có giá dưới 25 triệu đồng/m2.

Một số chuyên gia cho rằng, việc giá bất động sản Việt Nam quá cao sẽ khó mà hóa giải được trong một sớm một chiều, bởi lẽ, để đầu tư một dự án, ít nhất chủ đầu tư cũng phải bỏ ra hàng trăm tỷ đồng, nhưng thời gian thu hồi vốn là khá lâu, ít cũng từ 3 - 5 năm.

Nhưng quan trọng hơn, những chi phí bỏ ra để có được một dự án, từ khâu “chạy” mặt bằng, đất đai đến giấy phép quy hoạch, thiết kế... là không nhỏ và không hề “đơn giản”.

Trao đổi với VnEconomy, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM Lê Hoàng Châu cho rằng, ngoài nguyên nhân giá cả nguyên vật liệu đầu vào như xi măng, sắt thép ngày một tăng cao thì nguyên nhân chính khiến giá thành và giá bán bất động sản chưa giảm là do các yếu tố như tiền sử dụng đất, tiền giải phóng mặt bằng và nhiều chi phí khác (không tính được vào chi phí đầu tư) vẫn chưa thể giảm.

Theo ông, đó chính là những khoản “bôi trơn” của bất kỳ một chủ đầu tư nào nếu muốn dự án của mình “đầu xuôi đuôi lọt”. Và tất nhiên, một khi có dự án thì không đời nào chủ đầu tư lại chịu gánh phần lộ phí đó, nên việc nó được đẩy vào giá bán cũng là điều dễ hiểu.

Nhận định trên càng có cơ sở khi mà vừa qua, một số thông tin cho rằng, các dự án nhà ở cho người thu nhập thấp trên địa bàn Hà Nội cũng có giá không dưới 10 triệu đồng/m2, cho dù các chủ đầu tư đã được hưởng vô số các ưu đãi từ phía Nhà nước khi thực hiện những dự án này.

Đấy là đối với chủ đầu tư, tức là nhà đầu tư cấp một. Còn với các nhà đầu tư thứ cấp, tại sao trong suốt cả năm 2010, thị trường bất động sản gần như “bất động” nhưng họ vẫn kiên quyết không hạ giá đẩy hàng hay cắt lỗ?

Lý giải cho thực tế này bằng kinh nghiệm của mình, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Bất động sản Gia Vinh Ngô Thế Vinh cho rằng, sở dĩ giá bất động sản khó có thể giảm là bởi, kinh doanh bất động sản khác với hàng hóa thông thường ở chỗ: dù giá có xuống hay lỗ ít thì chắc chắn nhà đầu tư cũng không bán, mà ít nhất hòa vốn họ mới bán, chỉ trừ một số quá cần tiền cho mục đích nào đấy. Kinh doanh bất động sản từ xưa đến nay không có khái niệm “cắt lỗ”.

Hơn nữa, trong bối cảnh hiện nay, thị trường chứng khoán lình xình, thị trường vàng thiếu ổn định, nếu có rút tiền ra cũng không biết kinh doanh thứ gì để có lợi nhuận rõ ràng.

Do vậy, ông Vinh cho rằng, lựa chọn tốt nhất của nhà đầu tư bất động sản là phải chờ thời cơ và kỳ vọng thị trường sẽ lên vào giữa năm hoặc cuối năm nay. Có ế đến mấy, họ cũng không bao giờ giảm giá để cắt lỗ.

“Trừ một số người quá cần tiền để làm gì đấy mới bán với giá không có lãi hoặc lỗ chút ít, do vậy nên số lượng đẩy hàng ra không nhiều. Điều đó đã có tác động trở lại đến việc giá vẫn ổn định cho dù giao dịch thành công là hạn hữu vào lúc này”, ông Vinh nói.

Nhận xét thường trực của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam - người được giao nhiệm vụ quản lý thị trường bất động sản, mỗi khi đề cập đến nhược điểm của mảng mình phụ trách, đó là “giá bất động sản vẫn quá cao” so với mặt bằng thu nhập và khả năng chi trả của người dân.

Thế nhưng, trong suốt hai năm nay, sau mỗi lần nhận xét đó, người ta không thấy vị lãnh đạo này nhắc đến “giải pháp” hay chủ trương của nhà nước để kéo giá xuống, giúp người dân có điều kiện tiếp cận nhà.

Nhưng với năm nay thì khác, mới đây nhân dịp gặp gỡ các doanh nghiệp bất động sản Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam đã “bật mí” một thông tin khá “hot”, đó là “Nhà nước hiện nay đã nhận thức rõ vấn đề và cam kết sẽ chăm lo nhà ở cho người dân”.

Tất nhiên, kèm theo chủ trương đó sẽ là hàng loạt các biện pháp dự kiến sẽ được cơ quan quản lý xây dựng, trình cấp thẩm quyền thông qua.

Trước hết đó là việc minh bạch hóa trong quá trình đầu tư xây dựng dự án. Cơ quan quản lý “hứa” sẽ giúp doanh nghiệp tiết giảm tối đa chi phí, các khoản đóng góp không cần thiết để có thể giảm giá thành sản phẩm.

Cùng với đó là việc kiến nghị sự đồng bộ trong quy hoạch dân số với quy hoạch xây dựng, tránh tình trạng không chế số dân của một khu quy hoạch khiến doanh nghiệp không thể làm nhà có diện tích nhỏ để bán cho người dân.

Đặc biệt, Thứ trưởng Nam cũng tiết lộ, Bộ Xây dựng đang tính đến chuyện yêu cầu các nhà đầu tư bất động sản ngoại làm dự án tại Việt Nam không được áp dụng phương thức huy động vốn như nhà đầu tư trong nước.

Lý giải cho đề xuất này, ông Nam cho rằng, các dự án bất động sản ngoại thường “khua chiêng, múa trống” với số vốn đầu tư hàng tỷ USD, nhưng thực chất khi kiểm tra thì vốn vẫn chủ yếu là của người dân Việt Nam thông qua phương thức huy động theo tiến độ dự án.

Nếu đề xuất này được áp dụng, chắc chắn các dự án bất động sản ngoại cũng hết thời làm mưa, làm gió với giá chào bán hàng nghìn USD/m2. Và điều đó cũng có nghĩa, các chủ đầu tư phải hạ giá bán mới mong huy động được vốn quay vòng cho dự án.


Xem tiếp...

24 thg 3, 2011

Phê duyệt Khung bồi thường dự án đường cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi

Tuyến đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi có chiều dài hơn 130 km. Điểm đầu tại huyện Hoà Vang, Đà Nẵng, điểm kết thúc nối vào đường vành đai quy hoạch của Quảng Ngãi.

Ngày 23/3, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Khung chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi theo đề nghị của Bộ Giao thông vận tải.

Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Chủ đầu tư Dự án phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho người bị ảnh hưởng của Dự án theo đúng quy định.

Được biết, tuyến đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi có chiều dài hơn 130 km với điểm đầu tuyến tại huyện Hoà Vang, thành phố Đà Nẵng, điểm kết thúc nối vào đường vành đai quy hoạch của thành phố Quảng Ngãi.

Diện tích giải phóng mặt bằng dự tính khoảng 963ha, bao gồm cả các khu vực dọc tuyến như trạm xăng dầu, trạm dừng nghỉ, trạm thu phí, trung tâm vận hành và duy tu bảo dưỡng, trung tâm điều hành giao thông... Dự kiến sẽ khởi công vào cuối năm 2011.

Đây là một trong những dự án hạ tầng giao thông quan trọng nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế của Khu kinh tế trọng điểm miền Trung và góp phần nâng cao đời sống nhân dân các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, thành phố Đà Nẵng.

Theo chinhphu.vn

Xem tiếp...

23 thg 3, 2011

Bất động sản nghỉ dưỡng: “Lên núi” vì sợ ... sóng thần ?

Cách đây vài năm, nếu nói về xu hướng lựa chọn mua hay đầu tư vào bất động sản nghỉ dưỡng, thì “núi” bao giờ cũng được xếp sau “biển”.


Liên tiếp các dự bất động sản sinh thái đã được khởi công tại khu vực phía Tây Hà Nội trong thời gian vừa qua.
Thế nhưng, sau thảm họa sóng thần tại nhiều nước Đông Nam Á và Tây Á hồi cuối năm 2006, tâm lý e dè trong giới đầu tư đã bắt đầu xuất hiện. Đặc biệt, ngay sau vụ động đất, sóng thần tại Nhật Bản hôm 11/3 vừa qua, trong câu chuyện giữa các nhà đầu tư địa ốc hay trên các diễn đàn, trang mạng quảng cáo, đã xuất hiện khá nhiều thông tin về việc rao bán các biệt thự ven biển.


“Cẩn tắc vô áy náy”, dù sao, lựa chọn đầu tư vào đâu là chuyện của các nhà đầu tư. Còn dưới góc độ người tiêu dùng, tức là các khách hàng có khả năng mua và có nhu cầu sử dụng bất động sản nghỉ dưỡng, có một xu hướng thực tế là họ cũng ngày càng để ý đến phân khúc này hơn.

Trong một chuyến tham quan một dự án nghỉ dưỡng tại Hòa Bình mới đây, có thể thấy, tỷ lệ người trẻ tuổi giàu có tại Hà Nội là không ít. Không kể những “đại gia” chịu khó chạy xe riêng, chuyến xe du lịch sang trọng gần 50 chỗ ngồi của chủ đầu tư đã chật như nêm khi doanh nghiệp này tổ chức cho khách hàng tham quan dự án.

Điều đáng nói, ngay tại buổi tham quan hôm đó, hơn 10 hợp đồng mua biệt thự đã được ký kết giữa các đại gia với chủ đầu tư. Càng lạ hơn khi hỏi mục đích của việc mua bán, câu trả lời mà người viết nhận được đa phần đều khẳng định “mua để nghỉ cuối tuần”.

Trong câu chuyện với VnEconomy, ông Lê Tuấn Anh, Tổng giám đốc Công ty Thăng Long Xanh - chủ đầu tư dự án Zen Resort tại Ba Vì - cho hay, thực tình doanh nghiệp này vẫn chưa thể đánh giá gì về tiềm năng dài hạn của bất động sản nghỉ dưỡng ven đô .

Tuy nhiên, sau khi quyết định chi 120 tỷ đồng triển khai dự án với mục đích thăm dò thì trường bất động sản nghỉ dưỡng phía Bắc, thì sự quan tâm về bất động sản sinh thái, nghỉ dưỡng của các “đại gia” Hà Nội đã vượt quá sự tưởng tượng của vị giám đốc này.

“Ngay trong ngày mở bán thăm dò thị trường hồi đầu tháng 3 vừa qua, 10 lô biệt thự nghỉ dưỡng đã được bán ngay trong ngày. Hiện mỗi ngày có nhiều cuộc điện thoại gọi đến tìm hiểu dự án và thời gian mở bán đợt hai”, ông Tuấn Anh cho biết.

Nếu như dăm năm về trước, nhắc đến bất động sản sinh thái ven đô chỉ lác đác một vài dự án tại huyện Lương Sơn Hòa Bình hay khu vực Sơn Tây, Ba Vì (Hà Nội). Khi đó, các dự án nhà nghỉ dưỡng vẫn chủ yếu dưới dạng “resort mini”, nghĩa là chỉ nhằm phục vụ nhu cầu thuê nghỉ dưỡng của một bộ phận nhỏ gia đình có điều kiện tại Hà Nội muốn “thăm rừng, leo núi” vào mỗi dịp cuối tuần, kỳ nghỉ.

Tuy nhiên, cùng với thời gian, các dự án bất động sản sinh thái, nghỉ dưỡng đã theo nhau mọc lên tại nhiều khu vực có cảnh quan, không gian lý tưởng, trong đó vẫn tập trung vào khu vực phía Tây Hà Nội và số huyện, xã của Hòa Bình, giáp ranh với Thủ đô.

Ngoài những dự án đã và đang được triển khai, như quần thể villa sinh thái Top Hills (Lương Sơn), dự án The Queen Villas (Ba Vì), dự án Tản Viên Resort (Ba Vì), các dự án của tập đoàn Archi; dự án khu nhà ở cao cấp tại Hoà Bình (Lương Sơn) của Công ty Cổ phần Bất động sản Dầu khí (Petrowaco)... thì sự góp mặt của một số dự án mới cho thấy các nhà đầu tư bất động sản đang kỳ vọng rất lớn vào chốn “rừng thiêng”.

Mới đây nhất, vào đầu tháng 3, công ty Archi Reeco Hòa Bình đã quyết định đầu tư 800 tỷ đồng với mục đích biến khu vực có diện tích hơn 66 ha tại huyện Lương Sơn, Hòa Bình thành một khu sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp vào năm 2017.

Trước đó mấy ngày, công ty Thăng Long Xanh cũng giới thiệu đến nhà đầu tư dự án ZEN Resort có tổng đầu tư 120 tỷ đồng tại Ba Vì, trên diện tích 50 ha.

Một điểm chung trong các dự án nghỉ dưỡng của một số nhà đầu tư kể trên là sự “liều mình”. Bởi lẽ, ngoài việc được địa phương duyệt cho thuê đất đồi núi trong khoảng 50 năm, nhà đầu tư không được hưởng một đặc ân nào khác từ chính quyền các địa phương nơi họ đặt dự án. Không những thế, để tăng giá trị cho dự án, hàng chục km đường sá, hạ tầng điện, nước đều được chủ đầu tư móc tiền túi đầu tư.

Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Bùi Văn Tỉnh cho biết, riêng trên địa bàn tỉnh này hiện có tới 19 dự án bất động sản sinh thái, chủ yếu tập trung vào các khu vực giáp ranh Hà Nội và khu vực dọc tuyến đường cao tốc Hà Nội - Hòa Bình.

“Nhiều người cho rằng hiện nay có nhiều nhà đầu tư tập trung rót vốn vào lĩnh vực bất động sản tại Hòa Bình vì họ được hưởng nhiều ưu đãi. Tuy nhiên, tôi khẳng định hoàn toàn không có chuyện ưu đãi nào hết. Việc họ tăng đầu tư vào tỉnh Hòa Bình là do chiến lược lựa chọn đầu tư của họ mà thôi”, ông Bùi Văn Tỉnh nói với VnEconomy.

Còn dưới góc độ chủ đầu tư, một lãnh đạo Công ty Cổ phần Đầu tư du lịch Hồ sông Đà Sudito - chủ đầu tư dự án Country House tại Ba Vì - cho rằng, sở dĩ các dự án bất động sản sinh thái ven đô đều tập trung vào khu vực phía Tây Hà Nội là vì hạ tầng khu vực này được đầu tư quá mạnh.

“Ngay trước khi đại lộ Thăng Long hoàn thành, rồi hàng loạt các quy hoạch, kế hoạch di dời được công bố, chúng tôi đã đón đầu xu hướng mua căn hộ nghỉ dưỡng của giới đại gia Hà Thành bằng việc chi hàng trăm tỷ đồng đầu tư biệt thự nghỉ dưỡng tại dự án Country House. Sống ngoại thành - làm việc nội thành dường như đang là mốt của nhiều gia đình trẻ hiện nay”, lãnh đạo Sudito nhìn nhận, sau khi công ty này có cuộc điều tra về xu hướng mua nhà của giới nhà giàu Hà Nội.

Theo vneconomy

Xem tiếp...

Bất động sản : Cứ "ôm" là giàu ?

Những tưởng, với tốc độ leo thang của giá nhà đất, chỉ cần ôm đất là trở nên giàu có, nhưng chuyện không đơn giản như vậy.


Cứ mỗi lần đóng băng là có chừng đó số người lao đao, phá sản, thậm chí nhảy lầu.

Khi cuộc chơi chứng khoán và cuộc chơi ngân hàng nở rộ, cũng là lúc mà hai loại hình này ồ ạt mở chi nhánh, thuê văn phòng . Đây được coi là cơ hội vàng cho những nhà kinh doanh và đầu cơ bất động sản.

Trước hết, những người sở hữu bất động sản có vị trí đẹp bỗng dưng có cơ hội mát mặt theo mưa. Rồi nữa, những tay mới trúng mánh hào phóng vung tiền tậu nhà tậu đất, khiến thị trường bất động sản đang đóng băng bỗng bừng tỉnh.

Đầu năm 2008, thị trường nhà đất đang mơ ngủ bỗng sốt phừng phừng như cháy giếng dầu. Cũng may, cơn sốt kéo dài chưa được bao nhiêu bỗng bị tắt lụi khi nghe tin Lehman Brothers sụp đổ (15/9/2008), chính thức phát hoả cho cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Cuối năm 2008, thị trường nhà đất đóng băng trở lại.

Kể từ khi Luật đất đai được Quốc hội khoá IX thông qua tại kỳ họp thứ ba ngày 14/7/1993, đến nay, tính ra chưa đầy hai chục năm nhưng thị trường bất động sản đã trải qua 4 cơn sốt giá.

Sau mỗi cơn sốt, thị trường bất động sản lại tái lập mặt bằng giá mới, cao hơn mặt bằng cũ. Cứ mỗi lần sốt, có hàng ngàn người sở hữu đất hân hoan. Họ hốt bạc, đổi xe sang nhờ đất.

Là nước đang phát triển, đông dân, tốc độ đô thị hoá diễn ra nhanh chóng, dân cư liên tục tăng, đất đai đang là thứ tài nguyên ngày càng trở nên quý hiếm. Chuyện giá cả nhà đất tăng theo đà đó không có gì đáng bàn. Những tưởng, với tốc độ leo thang của giá nhà đất, chỉ cần ôm đất là trở nên giàu có, nhưng chuyện không đơn giản như vậy. Cứ mỗi lần đóng băng là có chừng đó số người lao đao, phá sản, thậm chí nhảy lầu.

Người viết bài này đã phải ôm hận khi giữ quá nhiều đất vào đầu năm 2008. Vốn của mình chỉ một phần, phần còn lại phải huy động qua các kênh khác nhau. Bỗng thị trường đìu hiu, bán chẳng ai mua. Mang giấy tờ đến ngân hàng cầm cố thì được định giá rẻ như bèo, thủ tục vay mượn đòi hỏi phải có đề án kinh doanh, phức tạp vô cùng. Trong khi các con nợ đòi riết, đành phải bán tháo, tán gia bại sản.

Dùng từ phá sản e không sát, chính xác hơn là sự khánh kiệt đến tận cùng. Khi mỗi ngày đều phải nghe dăm cuộc điện thoại đòi nợ mới thấy hết vị đắng cuộc đời. Cũng may, trường hợp như mình không phải là độc nhất vô nhị. Trước đó đã có vài tấm gương tày liếp thua tan thua nát ở chiến trường này. Ngẫm lại một chút để lấy niềm kiêu hãnh theo phép thắng lợi tinh thần của AQ tiên sinh.

Trước hết phải kể đến "đại ca" Tăng Minh Phụng. Giờ đây, ông đã về với cõi âm được ngót chục năm. Ông ra đi ở tuổi 46, đến 17/7 năm nay là ngày giỗ thứ 8, nghĩ mà không cầm nổi nước mắt.

Khởi nghiệp bằng nghề gia công hàng may mặc xuất khẩu, nhờ chăm chỉ, cần cù, không rượu chè, ham chơi, chẳng mấy chốc Minh Phụng trở thành một đại gia trong ngành này.

Từ một phân xưởng, Minh Phụng liên tục mở rộng sản xuất, chiếm lĩnh thị trường, tên tuổi cứ thế nổi lên, nổi lên như cồn. Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, sản phẩm của công ty may Minh Phụng hầu như làm chủ thị trường Đông Âu, Liên Xô. Những ai ở các quốc gia đó, mà được công ty Minh Phụng chọn làm đại lý, đều thắng lớn.

Trước năm 1997, tập đoàn của Minh Phụng có 15 phân xưởng sản xuất gồm 10 phân xưởng may, 1 phân xưởng đồ nhựa gia dụng, 1 phân xưởng dệt, 1 phân xưởng bao bì, 1 phân xưởng thiết kế ngành may và 1 phân xưởng thiết kế mẫu mã đồ nhựa với nhân lực hơn 10.000 người. Giá như chỉ dừng lại ở đó, Minh Phụng có thả phanh thì 100 năm sau cũng không tiêu hết tiền.

Nhưng oái oăm thay, ông lại nhảy vào bất động sản.

Minh Phụng nuôi tham vọng xây những khách sạn hiện đại, những khu resort cao cấp ở Vũng Tàu, Đà Lạt, Nha Trang và cả những showroom thời trang khổng lồ ở Sài Gòn. Xuất khẩu hàng may mặc, được bao nhiêu tiền, Minh Phụng đổ vào đất bấy nhiêu. Mỗi nơi, ông đều tậu được hàng chục hec ta.

Tiền đổ vào đất là tiền ngoài sổ sách, tiền lobby, tiền bôi trơn mà trong hệ thống định khoản của Bộ Tài chính không có danh mục ấy. Muốn có tiền, nguồn thu từ xuất khẩu hàng dệt may không đủ, Minh Phụng phải vay. Dùng một pháp nhân không đủ, phải dùng nhiều pháp nhân... Cứ thế, nợ nần tăng dần, thị trường bất động sản đóng băng, đất chưa mang lại nguồn thu, nợ quá hạn, lãi quá hạn chồng chất, ngân hàng đến siết nợ... Minh Phụng từ một ngôi sao đang lên, cứ thế lụi dần, lụi dần rồi chìm xuống đáy sâu thăm thẳm.

Minh Phụng bị truy tố tội lừa đảo với tổng số tiền nợ các ngân hàng thương mại gần 6.000 tỷ đồng và 32,6 triệu USD... Ông bị bắt giam ngày 24/03/1997 và sau đó bị kết án tử hình.

Một nhân vật thứ hai dẫu không phải dựa cột như Minh Phụng nhưng cũng không kém phần cay đắng ở thị trường nhà đất, đó là Lã Thị Kim Oanh. Bà nguyên là Giám đốc Công ty Tiếp thị Bộ NN&PTNT. Những ai làm báo thời những năm 2000 đều không lạ gì bà. Nhờ sự năng động của bà, dự án Khu triển lãm nông nghiệp Việt Nam mới được cấp đất và do Công ty Tiếp thị làm chủ đầu tư.

Tuy nhiên, cũng như trong bất cứ dự án đầu tư nào của Nhà nước, người ta chỉ thừa nhận những khoản chi phí có hoá đơn, chứng từ theo định mức của Nhà nước. Nhưng nếu chỉ chừng đó thôi, thì khi nộp hồ sơ lên các cơ quan chức năng, bạn có thể yên tâm đợi cho đến kỷ niệm 2.000 năm Thăng Long chưa chắc đã được phê duyệt.

Ngoài dự án đó, bà Oanh còn xúc tiến nhiều dự án đất đai khác như khu nhà ở Lạc Long Quân, khu đất ở công viên Đống Đa; Dự án KCN Kim Hoa (Vĩnh Phúc)... Mỗi dự án lấy đất đều phải chi phí ngoài sổ sách một số tỷ đồng. Ở đời, khi trồng lúa chưa đến vụ gặt thì đã chết đói bên bờ ruộng. Tiến độ chậm của các dự án, sự lỏng lẻo trong các khoản chi tiêu là lý do mà bà phải ra toà với tội danh cũ như cái hũ: Tham ô.

Với tổng số 70,99 tỷ đồng và 92.659 USD chi sai nguyên tắc, tại phiên toà phúc thẩm ngày 5/4/2004, Hội đồng xét xử tuyên bố y án sơ thẩm đối với Lã Thị Kim Oanh gồm án tử hình về tội tham ô và 20 năm tù về tội cố ý làm trái (mức án chung là tử hình). Mãi đến tháng 6/2006, Lã Thị Kim Oanh mới được chủ tịch nước ân giảm xuống án chung thân. Hiện bà vẫn đang miệt mài bóc lịch ở Trại giam số 5, Thanh Hóa.

Nhắc lại một vài bài học về thất bại trên thị trường bất động sản để thấy rằng, "mảnh đất" này không chỉ có vinh quang, tiền bạc mà còn có cả mồ hôi, nước mắt, thậm chí cả đổ máu. Nhưng ở đời, chiến trường càng khốc liệt bao nhiêu càng có bấy nhiêu anh hùng toả sáng.

Trong số các đại gia được "vua biết mặt, chúa biết tên", với số tài sản hàng ngàn tỷ, hiên ngang xuất hiện trên sàn chứng khoán, không dưới 70% các đại gia giàu lên nhờ đất. "Chúa đảo" Đào Hồng Tuyển được biết đến như người sở hữu hơn 700ha đất ở đảo Tuần Châu. Ông bầu Đoàn Nguyên Đức của Hoàng Anh Gia Lai có trong tay hàng chục resort cao cấp ở Gia Lai, Đà Lạt, Quy Nhơn... Phạm Nhật Vượng, ông chủ Vincom và Vipearland, cũng đang sở hữu đảo Hòn Tre nổi tiếng ở Nha Trang... Ông Đặng Thành Tâm của Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn hiện là chủ của KCN Tân Tạo rộng hơn 200ha ở Sài Gòn...

Đó đều là những con cá kình trên sàn chứng khoán. Còn những tiểu gia giàu lên nhờ mua đất nền, mua đất kẹt để chuyển đổi rồi kiếm dăm ba tỷ tiêu chơi thì nhiều như lá mùa xuân, kể ra không xiết.

Vậy làm thế nào kiếm tiền từ đất, để trở thành tiểu gia, đại gia mà không phải rơi vào thảm cảnh như Minh Phụng hay Lã Thị Kim Oanh? Làm thế nào để sử dụng đồng tiền một cách có hiệu quả nhất vào thời điểm này? Đầu tư vào nhà ở chung cư, vào xây văn phòng hay đầu tư vào đất phân lô bán nền? Đó là vô số những lựa chọn cho các nhà đầu tư bất động sản.

Theo VEF

Xem tiếp...

20 thg 3, 2011

Bất động sản - Nhà đầu tư ngoại đang lo điều gì?

Phát biểu trong hội nghị tổng kết Luật Đất đai 2003 tại TP.HCM mới đây, một quan chức thừa nhận dưới luật này có tới 13 nghị định và hơn 200 văn bản hướng dẫn khác nhau, nhưng bấy nhiêu vẫn là chưa đủ để tạo ra một hành lang thông thoáng cho thị trường bất động sản hoạt động một cách lành mạnh.



Từ góc nhìn của các nhà đầu tư nước ngoài, họ đang lo lắng điều gì?

Nhiều văn bản… “lửng lơ”

Nghị định số 69/2009/NĐ-CP ngày 13/8/2009 là văn bản quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Nhưng một trong những vấn đề phát sinh từ nghị định này là điều 11 quy định các trường hợp cần tiến hành xác định lại giá đất.

Điều khoản này quy định rằng ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường để xác định lại giá đất cụ thể cho phù hợp trong 5 trường hợp gồm: (1) khi Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất; (2) khi Nhà nước cho thuê đất có thu tiền thuê đất; (3) khi cần có phê duyệt phương án bồi thường; (4) khi Nhà nước thu hồi đất có hỗ trợ và tái định cư; và (5) khi Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, áp dụng cho các doanh nghiệp nhà nước tiến hành cổ phần hóa.

Ông David Lim, luật sư của công ty luật Mayer Brown JSM, cho rằng quy định này đang gây ra sự lo ngại về việc tiến độ của một dự án sẽ kéo dài và gia tăng gánh nặng hành chính cho các công ty phát triển bất động sản.

“Theo Điều 5 của Nghị định 188/2004/NĐ-CP ngày 16/11/2004, giá đất do Nhà nước xác định đã căn cứ vào giá thị trường thực tế, do đó, có vẻ như các thủ tục bổ sung nói trên là không cần thiết và khá phiền toái. Điều này sẽ làm nản lòng các công ty phát triển bất động sản do tăng thêm tính không chắc chắn về mặt chi phí của dự án phát triển bất động sản”, ông nói.

Những vướng mắc phát sinh như trường hợp trên không phải là hiếm. Trong một số trường hợp, các quy định hiện hành là không nhất quán. Chẳng hạn, điều 67 của Luật Đất đai 2003 nói rằng thời hạn Nhà nước giao đất hoặc cho thuê đất đối với tổ chức kinh tế để sử dụng vào mục đích không phải để ở sẽ không quá năm mươi năm; trong trường hợp dự án có vốn đầu tư lớn nhưng thu hồi vốn chậm, dự án đầu tư vào địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn thì mới có thể kéo dài hơn nhưng không quá bảy mươi năm.

Tuy nhiên, theo điều 32 của Nghị định 84/2007/NĐ-CP ngày 25/05/2007, thời hạn chung cho các dự án có mục đích nhà ở lại là bảy mươi năm. Điều khoản này quy định rằng thời hạn thuê đất là bảy mươi năm và nếu có nhu cầu thì được gia hạn sử dụng nhiều lần, mỗi lần không quá bảy mươi năm và nhà đầu tư nước ngoài không phải nộp tiền thuê đất cho thời gian được gia hạn”.

Sự thiếu nhất quán này dẫn tới việc các địa phương có thể vận dụng khác nhau cho dự án vì vận dụng kiểu nào cũng… đúng! Chính vì vậy, nhiều nhà đầu tư cho rằng thời hạn cho thuê đất 70 năm cũng cần được áp dụng cho các dự án không phải dự án nhà ở để đảm bảo rằng tất cả các dự án phát triển bất động sản đều được phát triển thống nhất.

Còn phân biệt đối xử?

Tinh thần chung của các văn bản pháp luật hiện hành là không phân biệt đối xử đối với nhà đầu tư nước ngoài nếu như lĩnh vực đầu tư không phải là lĩnh vực có điều kiện. Tuy nhiên, đây đó vẫn còn những quy định mang tính phân biệt.

Rắc rối phát sinh khi một doanh nghiệp nước ngoài nắm giữ cổ phần trong một doanh nghiệp bất động sản ở Việt Nam.

Theo quy định tại Điều 10 của Nghị định 139/2007/NĐ-CP ngày 5/9/2007 hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật doanh nghiệp, đối với việc một doanh nghiệp nước ngoài đầu tư hoặc góp vốn vào một doanh nghiệp trong nước thì không có hạn chế gì về tỷ lệ cổ phần hoặc giá trị vốn nắm giữ trong doanh nghiệp đó.

Trong khi đó, theo Điều 108 của Luật Đất đai 2003, thủ tục áp dụng đối với các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong việc triển khai dự án bất động sản là khác nhau.

Điều 108 quy định rằng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoặc doanh nghiệp có vốn sở hữu nước ngoài sẽ chỉ được lựa chọn hình thức thuê đất của Nhà nước trả tiền thuê đất hàng năm hoặc thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê.

Trong khi đó, doanh nghiệp trong nước được lựa chọn hình thức Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc thuê đất của Nhà nước.

Câu hỏi đặt ra là trong trường hợp một nhà đầu tư nước ngoài mua lại đa số cổ phần của một công ty trong nước, tư cách của công ty đó có được chuyển từ công ty trong nước thành công ty nước ngoài hay không? Luật không quy định về ảnh hưởng của thay đổi đó và cũng như không quy định trình tự thủ tục cụ thể liên quan.

“Chúng tôi đề nghị được hướng dẫn rõ ràng hơn. Trong trường hợp này, công ty nói trên có được xem là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hay không và nếu có, công ty đó có cần thay đổi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thành giấy chứng nhận đầu tư hay không? Trong trường hợp không thuê đất của Nhà nước, công ty có cần ký hợp đồng thuê đất và điều chỉnh hình thức/tình trạng của khu đất trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ “đất do Nhà nước giao” thành “đất thuê của Nhà nước” cho phù hợp hay không?”, một nhà đầu tư nêu vấn đề.

Cũng liên quan đến sự khác biệt trong các quy định hiện hành, các nhà đầu tư còn viện dẫn ví dụ về cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác.

Các quy định hiện hành của Việt Nam chỉ cho phép các cá nhân và tổ chức nước ngoài mua nhà ở nhưng không được phép sở hữu các tài sản thương mại khác như văn phòng tại Việt Nam. Trong khi đó, đối với người mua trong nước thì sẽ được cấp giấy chứng nhận bình thường.

“Chúng tôi đề nghị ban hành một luật toàn diện về quyền sở hữu liên quan đến đơn vị văn phòng và mặt bằng bán lẻ và mặt bằng thương mại khác cho phép chủ đầu tư bán các đơn vị nói trên cho những người được quyền mua tại Việt Nam. Đề nghị này phù hợp với luật hiện hành tại các nước trong khu vực và khuyến khích các chủ đầu tư bất động sản tham gia vào việc phát triển lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam”, nhà đầu tư nói trên đề xuất.

Theo VNEconomy

Xem tiếp...