7 thg 6, 2011

Thị trường BĐS tê liệt, bong bóng chỉ xì chứ không nổ

Vốn đổ vào bất động sản không phải 100% từ ngân hàng nên không có chuyện nổ bong bóng. Trước tình trạng hàng loạt doanh nghiệp bất động sản (BĐS) đang chờ chết vì sản phẩm không bán được trong khi tín dụng bị siết, dư luận tỏ ra lo ngại bong bóng BĐS sẽ nổ.

Tuy nhiên, nhìn ở bình diện chung của thị trường, các chuyên gia kinh tế đều cho rằng nổ bong bóng BĐS là điều không có ở Việt Nam.

Giảm giá để thị trường đi vào ổn định

“Bong bóng BĐS chỉ nổ với ba điều kiện sau: Thu nhập bình quân đầu người cao (trên 5.000 USD/người/năm); tốc độ tăng trưởng GDP cao và liên tục trong nhiều năm; phụ thuộc vào chính sách tiền tệ/nền tảng tài sản (bản thân tài sản tạo ra tăng trưởng). Tuy nhiên, xét ba điều kiện đó, Việt Nam còn lâu mới đạt được và do vậy thị trường BĐS chưa nổ ngay được và đây vẫn là kênh được lựa chọn để đầu tư, ít ra trong khoảng một chục năm nữa…” - TS Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tiền tệ Quốc gia, nhận định.

Cũng bàn về vấn đề này, TS Phạm Đỗ Chí - chuyên gia kinh tế cho rằng: “Vốn đổ vào BĐS không phải mượn 100% từ ngân hàng nên không có chuyện bong bóng vỡ”. Nhưng theo ông Chí, thị trường này đi vào ổn định thì sản phẩm BĐS phải giảm giá xuống 30%, năm tới giảm tiếp xuống khoảng 10%-20% nữa. Có như vậy thị trường BĐS mới ổn định.

“Ở TP.HCM thì cái gọi là bong bóng ấy đã bắt đầu xì từ đầu năm 2008 đến nay rồi. Bởi bong bóng BĐS là sự bùng phát về giá cả cũng như nhà đầu tư… Đằng này ba năm nay BĐS có ngày nào sôi động đâu” - ông Lương Sĩ Khoa, Tổng Giám đốc Công ty Nhà đất Phú Gia, nhận định.

Để cứu thị trường BĐS, theo TS Trần Du Lịch, thành viên tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia, giả sử có bong bóng thì cứ để cho nó nổ có khi còn dễ chịu hơn, chứ “ung nhọt” để lâu thì nó càng nặng. Tốt nhất phải tách ra để cho bong bóng BĐS xì dần từ từ.

Cần có hỗ trợ dự án nhà giá trung bình

Với tình hình kênh BĐS đóng băng như hiện tại, các dự án, các doanh nghiệp trong nước rất dễ bị doanh nghiệp, quỹ đầu tư nước ngoài thôn tính, mua rẻ tài sản. “Để tránh hiện tượng này, Chính phủ nên có cơ chế nới lỏng tín dụng cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính, có dự án minh bạch, dự án phục vụ nhà ở cho số đông người tiêu dùng. Tôi thấy trong Nghị quyết 11 ở phần thứ ba nêu bên cạnh mục tiêu chống lạm phát thì có vấn đề an sinh xã hội. Do đó nới tín dụng cho các dự án nhà giá trung bình cũng là một phần an sinh xã hội mà Chính phủ cần quan tâm” - ông Trần Văn Thiện, Chủ tịch HĐQT Công ty BĐS Song Phát, kiến nghị.

Một lãnh đạo Cục Quản lý nhà và Thị trường BĐS - Bộ Xây dựng cũng nhận định không phải phân khúc nào cũng trầm lắng. Nhu cầu về nhà ở trung bình, nhà ở giá thấp vẫn nhiều. Nhà giá thấp vẫn đắt hàng, có dự án chỉ có 500 căn hộ nhưng có hàng ngàn đơn xin mua, cung không đủ cầu. Vì vậy, không thể nói phân khúc thị trường này là trầm lắng. Căn hộ dưới 70 m2 thị trường đang cần nhiều. “Các nhà đầu tư phải nhắm vào cái mà thị trường đang cần. Các nhà đầu tư cứ nhắm vào căn hộ cao cấp thì có mấy người có đủ tiền mua” - vị này nói.

Mặt khác, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội BĐS Đồng Nai, cho rằng việc Chính phủ đưa ngành BĐS vào lĩnh vực phi sản xuất và chịu siết tín dụng như hiện nay là chưa thỏa đáng. Theo Bộ Xây dựng, thị trường BĐS không chỉ là ngành tạo cơ sở vật chất cho xã hội, tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, mà còn góp phần tạo công ăn việc làm và thúc đẩy các ngành sản xuất khác phát triển. Để xây dựng 1 m2 nhà ở cần 17-25 công lao động, chưa kể lao động sản xuất các loại vật liệu xây dựng. Mỗi một khối nhà chung cư khi đưa vào sử dụng sẽ tạo thêm trung bình 10 chỗ làm việc mới cho công tác quản lý vận hành.

“Thực tế lĩnh vực BĐS là trục xương sống chính của nền kinh tế của đất nước. Vì thế hiện nay siết tín dụng phi sản xuất chung cả ngành này là chưa thỏa đáng và không khéo nó có tác dụng ngược” - bà Hương nhận định.

Sẽ kiến nghị tám vấn đề

Hiệp hội BĐS TP.HCM đang tập hợp những vướng mắc, bất hợp lý trong các văn bản pháp luật về thị trường, chính sách đang gây ách tắc kênh BĐS hiện nay để kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết.

Cụ thể có tám nhóm vấn đề nổi cộm như những quy định bất hợp lý trong Nghị định 71 (hướng dẫn Luật Nhà ở) về chuyển nhượng hợp đồng, chủ quyền, các sắc thuế của Bộ Tài chính, các đề xuất của Bộ Xây dựng ban hành gần đây, những bế tắc về tín dụng của thị trường BĐS...

Trước mắt, hiệp hội sẽ tập hợp thành văn bản gửi cho đại diện UBND TP để khi họp Chính phủ sắp tới, đại diện ủy ban có ý kiến phát biểu, đề xuất tháo gỡ.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM

Thep PL-TPHCM


Xem tiếp...

5 thg 6, 2011

Chuyển đổi đất công nghiệp: Mỏ vàng của giới đầu tư ?

Vài năm qua, một loạt dự án bất động sản đã được triển khai tại các khu đất vốn là cơ sở công nghiệp phải di dời của Hà Nội.

Phối cảnh dự án Royal City.

Tiếp cận các khu đất này không đơn giản, nhưng một khi đã tiếp cận được, lợi ích thu được là rất lớn.

Dẫn đầu cho trào lưu này, phải kể đến Công ty Cổ phần Vincom. “Khởi nghiệp” với dự án Vincom Towers trên nền đất của Nhà máy Cơ khí Trần Hưng Đạo, Vincom đã nhanh chóng nhận ra tiềm năng từ những lô đất tương tự.

Giờ đây, hàng chục ha đất vàng của Hà Nội đã thuộc về các doanh nghiệp mà Vincom có cổ phần chi phối, trong đó đáng chú ý là các dự án Royal City và Times City, được triển khai trên nền đất của Nhà máy Công cụ số 1 và Nhà máy Dệt 8/3 trước đây.

Để có được lô đất rộng 12ha của Nhà máy Công cụ số 1, chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển địa ốc Hoàng Gia do Vincom nắm cổ phần chi phối (51%) đã trả một khoản tiền lên tới 1.300 tỷ đồng. Tính trung bình, mỗi mét vuông đất tại đây có giá hơn 10 triệu đồng.

Số tiền mà Công ty Cổ phần Phát triển đô thị Nam Hà Nội, cũng do Vincom nắm cổ phần chi phối (55,95%), đã trả để có được khu đất của Nhà máy Dệt 8/3 không được công bố, nhưng theo đánh giá của một số chuyên gia về bất động sản, có thể cũng ở mức giá tương ứng.

Để triển khai dự án Vincom Village, Vincom cũng đã góp 51% vốn trong Công ty Đầu tư và Phát triển đô thị Sài Đồng, mà theo nhận định của nhiều người thì phần vốn góp này cũng là để đổi lấy quyền khai thác lô đất rộng tới hơn 183 ha trước đó được quy hoạch làm khu công nghiệp.

Trở lại với dự án Royal City, lô đất mà chủ đầu tư nhận được đủ để xây dựng một tổ hợp gồm 4.000 căn hộ, 200 ngàn m2 trung tâm thương mại và 300 ngàn m2 bãi đậu xe. Với mức giá trung bình trên 40 triệu đồng/m2 căn hộ và quyền khai thác lâu dài khu trung tâm thương mại cũng như bãi đậu xe, không khó để hình dung về lợi ích của chủ đầu tư từ dự án này.

Dễ hiểu là nhiều nhà đầu tư khác cũng đang cố gắng đi theo cách làm của Vincom. Hoặc, có những nhà máy buộc phải di dời, nhưng họ cũng muốn tự đầu tư, thay vì nhận tiền “bồi thường” và nhường lại đất vàng cho chủ đầu tư mới.

Lô đất của Công ty Cao su Sao Vàng, rộng 6 ha tại 231 Nguyễn Trãi, cũng đang được lãnh đạo công ty này cân nhắc phương án đầu tư. Theo tính toán của công ty này, để có thể di dời nhà máy thì công ty phải dừng sản xuất ít nhất 18 tháng và chi phí để di dời cũng như đầu tư nhà máy mới là khoảng 800 tỷ đồng.

Tại đại hội cổ đông mới đây, ban lãnh đạo công ty cho biết đã ký thỏa thuận với một đối tác về việc khai thác lô đất này. Đối tác chưa lộ mặt này cho biết có thể chấp nhận mức “bồi thường” vào khoảng 700 tỷ đồng.

Hàng trăm nhà máy, cơ sở công nghiệp tại Hà Nội thuộc diện cần phải di dời và quá trình này đã được tiến hành liên tục trong thời gian qua. Đây là một xu hướng tất yếu trong quá trình phát triển đô thị. Tuy nhiên, việc khai thác hiệu quả quỹ đất mà các cơ sở này để lại như thế nào, lại là một bài toán khó.

Vào năm 2009, UBND thành phố Hà Nội đã đưa ra kế hoạch di dời toàn bộ 422 cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm. 422 cơ sở này có tổng diện tích sử dụng đất là 887,7 ha, trong đó có 209 cơ sở nằm trong các quận nội thành và thị xã Sơn Tây, hầu hết đều là những khu "đất vàng".

Nhiều dự án chuyển đổi đã được thực hiện thông qua thỏa thuận giữa các bên liên quan và với sự chấp thuận của chính quyền thành phố, chứ không qua đấu giá để các nhà đầu tư có thể cạnh tranh sòng phẳng với nhau trong quá trình tiếp cận.

Từ phía các cơ quan quản lý nhà nước, bất cập này không phải là không được ghi nhận. Chẳng hạn, trong một báo cáo mới đây về tình hình thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng kiến nghị rằng các địa phương “cần nghiêm túc thực hiện quy định về lựa chọn chủ đầu tư các dự án phát triển nhà ở thương mại bằng hình thức đầu thầu dự án theo quy định của Nghị định 71/2010/NĐ-CP”.

Bộ này cho rằng, đã đến lúc cần mở rộng phương thức Nhà nước tổ chức giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật sau đó đấu giá quyền sử dụng đất sạch để đảm bảo công khai minh bạch, loại bỏ hoàn toàn cơ chế “xin-cho”, và đảm bảo khoản chênh lệch địa tô thu vào ngân sách.

Theo Vneconomy

Xem tiếp...