12 thg 8, 2011

Bất động sản: Bán ở mức giá nào cũng có lãi ?

Giá cho thuê đất bình quân tại TP HCM chưa đến 1 triệu đồng/m2, cộng thêm chi phí xây dựng 6 triệu đồng/m2, xây xong căn hộ, bán giá nào cũng có lãi.

Đây là nhận định của ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai.

Giá bất động sản tại Việt Nam đang giảm mạnh, có nơi giảm đến 40% so với hồi đầu năm 2010. Có chuyên gia cảnh báo, giá bất động sản sẽ còn giảm thêm 50% nữa, nhưng có vị lãnh đạo doanh nghiệp tại TP. HCM lại dám "đánh cược" rằng, không thể xảy ra điều đó.

Cho đến thời điểm này, không ai có thể khẳng định đâu là "đáy" của bất động sản, nhưng có một điều chắc chắn rằng, với khó khăn hiện tại của các doanh nghiệp cũng như khó khăn của các nhà đầu cơ, thì giá bất động sản sẽ còn tiếp tục giảm trong thời gian tới.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, theo khảo sát của Bộ, giá bất động sản trên thị trường thực tế có sự suy giảm, nhưng giá ở thời điểm cuối tháng 5/2011 vẫn còn cao hơn giá bất động sản vào thời điểm tháng 1/2010 và vẫn cao hơn giá thành tạo lập nên bất động sản. Do đó, thị trường có xu hướng giảm, nhưng khả năng thanh toán cũng như giá trị của bất động sản vẫn nằm trong giới hạn an toàn và các doanh nghiệp bất động sản vẫn có khả năng thanh toán và trả nợ ngân hàng.

"Tôi cho rằng không có khả năng xảy ra vỡ bong bong bất động sản, nếu có thì chỉ xì hơi một tí, tức là có giảm sút về giá và các giao dịch...", Thứ trưởng Nam nói.

Theo ông Nam, giá bất động sản ở Việt Nam mới chỉ bắt đầu giảm. Mức độ giảm chỉ diễn ra mạnh ở một số dự án và khu vực tăng nóng trước đây. Khi giá bất động sản giảm ở mức độ như hiện nay thì các nhà đầu tư và doanh nghiệp bất động sản mới chỉ lãi ít hoặc mất lãi chứ chưa đến mức thua lỗ. Bằng chứng là các doanh nghiệp bất động sản vẫn có thể bán được hàng với mức giá thấp hơn giá niêm yết khoảng 10 - 15% và nhiều dự án vẫn đồng loạt ra hàng.

Trước những đề xuất, kiến nghị "giải cứu" thị trường bất động sản, ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, cứ để thị trường bất động sản như hiện nay là tốt hơn, vì giá bất động sản chưa xuống dưới giá sàn nên nhà đầu tư vẫn còn có lãi. Còn doanh nghiệp khó khăn về vốn, họ có thể "xoay" bằng việc chuyển giao dự án theo nhiều cách khác nhau.

"Có nhiều doanh nghiệp đã huy động vốn theo nhiều cách rồi. Khi thị trường gặp khó một chút, nếu Nhà nước nghe doanh nghiệp kêu mà cứu thì lạm phát sẽ tăng ngay", ông Võ nói và nhận định, thị trường bất động sản đi xuống như hiện nay không có nguy cơ tác động vào thị trường tài chính, mà ngược lại, chỉ có nguy cơ thị trường tài chính mất khả năng thanh toán tác động đến thị trường bất động sản.

Thật khó xác định đâu là "đáy" thực của thị trường bất động sản, bởi nó còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như tính vùng miền, phân khúc thị trường (đất nền, chung cư…), chất lượng công trình, chất lượng dịch vụ…

Tại TP. HCM, nơi mà giá đất được xem là rẻ hơn tại Hà Nội, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, người từng hạ giá bán các căn hộ do ông đầu tư xuống gần 40% trong năm 2009, vẫn tuyên bố trong tháng 4 vừa qua rằng: "Giá đất bình quân chưa đến 1 triệu đồng/m2, cộng thêm chi phí xây dựng 6 triệu đồng/m2, xây xong căn hộ, bán giá nào cũng có lãi". Tuyên bố của ông Đức diễn ra trong bối cảnh thị trường bất động sản điêu đứng vì hàng chục ngàn căn hộ không bán được.

Còn theo ông Nguyễn Mạnh Huy, Trợ lý Tổng giám đốc Tập đoàn Nam Cường, tại Hà Nội, thị trường bất động sản sẽ chạm đáy khi tiếp tục giảm khoảng 30% nữa. Thời gian trước đây, yếu tố đầu cơ đã đẩy giá bất động sản vượt quá giá trị thực. Một số dự án mới bước vào giai đoạn đầu tư, nhà đầu tư đã đặt quá nhiều kỳ vọng, dốc tiền để đầu tư. Bên cạnh đó, việc đầu tư dàn trải cũng xảy ra trong giai đoạn tín dụng nới lỏng.

Tuy nhiên, những người đang chịu áp lực của việc giảm giá là các nhà đầu tư trên thị trường tự do. Còn đối với các chủ đầu tư thực sự thì mức giảm hiện nay không đáng lo ngại. "Ví dụ như Tập đoàn Nam Cường, thời điểm năm 2008 - 2009 đã chào bán Khu đô thị Dương Nội với mức giá khoảng 20 triệu đồng/m2. Chủ đầu tư chỉ chốt được mức giá đó vì đã cam kết trên hợp đồng. Còn mức giá giao dịch trên thị trường có khi lên đến 30 - 40 triệu đồng/m2", ông Huy cho biết.

Theo ĐTCK


Xem tiếp...

8 thg 8, 2011

Chưa đến mức phải cứu thị trường bất động sản ?

Năm nay là năm phòng thủ, tích cốc phòng cơ, doanh nghiệp bất động sản hãy tập trung nguồn lực quản lý đồng tiền, tập trung hoàn thiện các dự án dang dở thành sản phẩm hoàn thiện để bán thu hồi vốn, từ nay đến cuối năm 2011, các doanh nghiệp bất động sản chưa thể thoát khỏi sự khó khăn.


Ngoại trừ khu vực trung tâm, hiện giá bất động sản đã giảm rất sâu.
Đây là chia sẻ của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, tại Hội thảo những giải pháp khơi thông thị trường bất động sản hướng tới an sinh xã hội vừa diễn ra tại Tp.HCM.

Chỉ đặt mục tiêu tồn tại

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Tp.HCM cho biết, năm nay, hầu hết các doanh nghiệp bất động sản chỉ đặt mục tiêu nỗ lực vượt qua khó khăn để tồn tại. Tại Tp.HCM, trong 6 tháng đầu năm 2011, chỉ có 5 dự án được khởi công, thấp nhất từ trước tới nay. Các DN chỉ cung ứng 1.691 căn hộ, trong đó, căn hộ cao cấp chiếm 34,3% với 580 căn hộ.

Ngoại trừ khu vực trung tâm, hiện giá bất động sản đã giảm rất sâu. Cùng với đó, ưu thế trên thị trường bất động sản cũng đang thuộc về phía người mua, trong khi các doanh nghiệp có nhiều tiềm lực tài chính mạnh cũng có nhiều cơ hội sở hữu được những mặt bằng tốt bằng việc mua lại các dự án và chuẩn bị quỹ đất trong tương lai.

Theo dự báo của nhiều chuyên gia bất động sản, những tháng còn lại của năm 2011, thị trường bất động sản vẫn sẽ rất khó khăn do thắt chặt tín dụng. Vì vậy, rất cần những biện pháp để tháo gỡ cho thị trường.

Để tháo gỡ bớt khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản, ngày 5/8, Hiệp hội bất động sản Tp.HCM đã có công văn kiến nghị gửi Văn phòng Chính phủ, UBND thành phố, Bộ Xây dựng và các bộ ngành liên quan.

Các kiến nghị của Hiệp hội bao gồm: thứ nhất, kiến nghị Chính phủ có lộ trình giảm dần lãi suất, giảm dần xuống mức 15-16% và xem bất động sản là ngành kinh doanh có điều kiện nên 1 số dự án mang tính phục vụ an sinh xã hội vẫn được tiếp cận vốn vay ngân hàng.

Thứ hai, điều chỉnh sửa đổi các Nghị định 69/2009/NĐ-CP, Nghị định 120/2010/NĐ-CP, Thông tư 93 /2011/TT-BTC về cách tính tiền sử dụng đất và khấu trừ sử dụng đất theo hướng áp dụng phương pháp sử dụng hệ số điều chỉnh giá đất để tính tiền sử dụng đất. Thứ ba, tập trung phát triển căn hộ cho thuê giá rẻ, và chương trình căn hộ bán trả góp dài hạn. Thứ tư, thành lập quỹ tiết kiệm nhà ở, quỹ đầu tư BĐS, thị trường tái thế chấp...

Tính đến tháng 6/2011, Tp.HCM đã có 149 dự án căn hộ được hoàn thành đưa vào sử dụng 36.860 căn hộ, trong đó phân khúc trung bình chiếm 38%. So với cuối năm 2010, giá nhà trong thời gian qua không ổn định, giá nhà hạng sang có giá chào trung bình 84,64 triệu đồng/m2, giảm 1,35%; căn hộ cao cấp là 30,36 triệu đồng/m2, giảm 17,27%, căn hộ trung bình là 22,46 triệu đồng/m2 tăng 16,97%; căn hộ bình dân là 12,74 triệu đồng m2, giảm 10,28%.

Trên thị trường căn hộ giá thấp chiếm 66,3% giao dịch thành công. Những căn hộ rộng 60-90m2/căn có giá bình quân 16 triệu đồng/m2 được người dân lựa chọn.

Cần chính sách nâng đỡ

Ông Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc Gia nhận định, nhà ở không còn là chuyện của cá nhân mà của toàn xã hội, vì nó ảnh hưởng đến các vấn đề của xã hội bởi không an cư thì khó lập nghiệp. Chính sách nhà ở cho người thu nhập thấp phải linh hoạt, tức là nhà phải có giá thấp hơn chứ nhà 500-600 triệu/căn là dạng có thu nhập trung bình.

Đồng thời, ông Nghĩa cho rằng, bất động sản là thị trường quan trọng, thiết yếu, nhiều người quan tâm và có yếu tố nóng lạnh thất thường nên “nhất cử nhất động” của bất động sản đều tác động mạnh đến các ngành nghề khác.

Theo quan điểm của ông Lê Chí Hiếu, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Thủ Đức House, giá thành nhà ở hiện cao không do đầu cơ mà lỗi ở cơ cấu giá thành, từ tiền đất quá cao, vốn đầu tư chịu áp lực lãi vay cao chót vót, thời gian thực hiện dự án dài... Cho nên nếu lãi suất có giảm xuống còn 14 – 15% cũng không giải quyết được vấn đề, bên cạnh giảm lãi suất thì cần có chính sách hỗ trợ cho cả phía cung lẫn cầu.

Dù thị trường bất động sản đang gặp nhiều khó khăn nhưng theo quan điểm của ông Nghĩa, thị trường bất động sản Việt Nam chưa đến mức gay gắt bể bong bóng, cả chục năm tới quả bóng bất động sản vẫn chưa thể vỡ, vì thu nhập người dân còn thấp lắm. Vì vậy, không cần phải nói cứu vì chưa đến mức cứu. Công việc hiện giờ là làm cho quả bong bóng ấy xẹp hơi.

Đồng tình, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho là, nếu những chính sách nào cho thị trường bất động sản nào chưa đúng mức thì doanh nghiệp cần phản biện . Các chính sách đã đưa ra có mặt được và không được. Nên phải có lộ trình để từ các ý kiến kiến nghị trình lên các cơ quan chức năng xem xét. Tuy nhiên, sửa luật là cả vấn đề. Bởi vậy, cần một tiếng nói chung, kiên trì, giải thích và vận động của cộng đồng doanh nghiệp bất động sản.


Xem tiếp...

7 thg 8, 2011

Phát hiện ổ nhóm làm giả hồ sơ dự án Vân Canh

Bước đầu đã có 9 bị hại đến cơ quan công an khai báo. Họ đã đặt cọc cho Hà Anh Tuấn số tiền hơn 10 tỷ đồng, nhưng đã bị Tuấn chiếm đoạt và sử dụng vào mục đích khác.

Đội chống vi phạm sở hữu trí tuệ, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Công an Hà Nội vừa triệt phá một ổ nhóm làm giả hồ sơ để lừa đảo những khách hàng có nhu cầu mua biệt thự chia lô tại khu đô thị Vân Canh.

Bằng thủ đoạn này, chỉ trong một thời gian ngắn, hàng loạt người đã bị lừa đảo, chiếm đoạt hàng tỷ đồng. Cơ quan điều tra xác định nhiều hồ sơ giả của Tổng công ty phát triển nhà và đô thị Việt Nam HUD – chủ đầu tư khu đô thị Vân Canh, Hoài Đức, Hà Nội và Trung tâm quản lý bay dân dụng, Cục hàng không VN làm để lừa đảo khách hàng.

Đối tượng Hà Anh Tuấn, hộ khẩu thường trú tại khu 4, Chu Hóa, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ - chủ mưu của ổ nhóm lừa đảo này thừa nhận đã dùng hồ sơ thật, sau đó dùng kỹ xảo để cắt, dán dấu và chữ ký vào những giấy tờ, hồ sơ có nội dung giả do các đối tượng tự soạn ra để tạo lòng tin đối với những người có nhu cầu mua biệt thự chia lô.

Với thủ đoạn này, hàng loạt khách hàng đã nộp tiền đặt cọc cho Hà Anh Tuấn để được ký những hợp đồng mua bán giả với hy vọng sẽ được mua biệt thự chia lô với giá rẻ.

Theo Trung tá Hà Thế Hùng, Phòng Cảnh sát điều tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, công an Hà Nội, người có nhu cầu mua nhà trong trường hợp này cần phải lưu ý là không nên mua bán theo kiểu thỏa thuận, ký hợp đồng bên ngoài. Mọi giấy tờ này cần phải được ký, nhận tại trụ sở chính của chủ đầu tư. Kể cả nộp tiền đặt cọc cũng vậy. Trước khi ký và mua cần phải tham khảo thông tin của chính quyền địa phương, của cơ quan chức năng, không nên vì hám lợi mà vội vã, dẫn tới bị lừa đảo…

Bước đầu đã có 9 bị hại đến cơ quan công an khai báo. Họ đã đặt cọc cho Hà Anh Tuấn số tiền hơn 10 tỷ đồng, nhưng đã bị Tuấn chiếm đoạt và sử dụng vào mục đích khác.

Cơ quan chức năng đề nghị các bị hại còn lại trọng vụ lừa đảo này tiếp tục ra khai báo, cung cấp thông tin và chứng cứ để xử lý đối tượng theo quy định của pháp luật.

Theo VTV


Xem tiếp...