15 thg 7, 2011

Bất động sản gặp khó khăn: Tín dụng vô can ?

Khi được hỏi về nguyên nhân khiến chuyện làm ăn của mình gặp khó khăn, nhiều chủ đầu tư bất động sản ở Hà Nội có chung quan điểm: “Siết tín dụng như thế thì doanh nghiệp nào sống nổi?”.

Thoạt nghe cũng không phải là chuyện phi lý bởi xưa nay, doanh nghiệp địa ốc và ngân hàng được biết là có mối quan hệ khá mật thiết. Với các dự án có triển vọng, ngân hàng rót vốn làm dự án, rồi lại cho khách hàng vay đến 70% tiền mua nhà của chính dự án đó. Suy cho cùng, ở không ít dự án, ngân hàng mới chính là ông chủ thực sự.

Đâu là nguyên nhân?

Thế nhưng, trong bối cảnh thị trường bất động sản Hà Nội đang lâm vào khó khăn (mà đa phần đều đổ lỗi do ngân hàng siết tín dụng), vào ngày 13/7 vừa qua, UBND thành phố Hà Nội đã công bố bản báo cáo về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, ngân hàng trên địa bàn thành phố.

Theo đó, trong 6 tháng đầu năm, tổng dư nợ tín dụng của các tổ chức tín dụng trên địa bàn Hà Nội đạt khoảng 555.283 tỷ đồng.

Nhưng điều đáng nói ở đây, trong số hơn 555 nghìn tỷ đồng nói trên, cho vay để đầu tư, kinh doanh bất động sản chỉ chiếm khoảng 7% tổng dư nợ, tương đương khoảng 38 nghìn tỷ đồng. Một con số không quá nhiều đột biến so với nhiều năm trước

Câu hỏi đặt ra là, việc hàng loạt dự án bất động sản tại Hà Nội bị đình lại, chậm tiến độ hiện nay liệu có mối liên hệ gì đến việc siết tín dụng của ngân hàng? Chắc chắn không quá khó để có câu trả lời khi mà dư nợ bất động sản tại Hà Nội trong nhiều năm gần đây - dù “siết’ hay không “siết” - cũng chỉ chiếm trên dưới 10%.

Trao đổi với VnEconomy về mâu thuẫn nói trên, ông Tống Văn Nga, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam thừa nhận, thực tế nguyên nhân khiến các doanh nghiệp bất động sản lâm vào khó khăn như hiện nay là do thiếu sự hợp sức giữa các doanh nghiệp, đặc biệt là trong bối cảnh năng lực tài chính của các doanh nghiệp vẫn nhiều hạn chế.

Hơn nữa, theo ông Nga, dường như chiến lược đầu tư kinh doanh của không ít các doanh nghiệp trong thời gian qua là không hợp lý, thiếu sự điều tra, khảo sát nhu cầu thị trường, khả năng chi trả của đại bộ phận người tiêu dùng.

Và khi tính thanh khoản trên thị trường quá thấp, nhiều dự án cao cấp không bán được hàng, khiến chủ đầu tư không thể quay vòng được vốn. Trong bối cảnh đó, gặp lúc nền kinh tế lâm vào khó khăn, lạm phát tăng cao, ngân hàng thắt chặt cho vay... khiến các doanh nghiệp địa ốc khó khăn theo.

Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Minh nói thêm, một nguyên nhân không kém phần quan trọng khiến không ít dự án bị đình lại, chậm tiến độ là do chỉ đạo của cơ quan chức năng.

Cụ thể là vào cuối năm 2009, Chính phủ đã chỉ đạo thành phố Hà Nội dừng triển khai trên 700 đồ án, dự án để chờ khớp nối với quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội sắp được phê duyệt. Chính điều này đã khiến nhiều doanh nghiệp dù có khả năng về tài chính vẫn phải “đắp chiếu” dự án, khiến thị trường rối loạn, khách hàng hiểu sai về năng lực chủ đầu tư.

Người trong cuộc nói gì?

Trao đổi với VnEconomy về nguyên nhân dẫn đến khó khăn của doanh nghiệp bất động sản hiện nay, ông Trần Tuấn Dương, Tổng giám đốc Tập đoàn Hòa Phát, cho rằng có yếu tố của việc thắt tín dụng, song quan trọng hơn là do yếu tố tâm lý của khách hàng trên thị trường.

Theo ông Dương, đành rằng người Hà Nội cũng như người miền Bắc nói chung không có thói quen vay tiền ngân hàng mua nhà, song tâm lý của người mua để ở và mua để kinh doanh là khác nhau, thế nên mới có chuyện giá bất động sản giảm nhưng thanh khoản thị trường vẫn kém.

“Thông thường, nếu mua nhà để ở thì giá xuống người ta sẽ mua, nhưng với nhà đầu tư, họ phải nhìn vào xu hướng thị trường. Khi tất cả mọi người đều nói thị trường đang khó khăn kéo dài thì họ kỳ vọng vào thị trường sẽ giảm nữa, khó mà tăng giá trong tương lai gần”, ông Dương nói.

Theo ông, chính điều này đã khiến cho thị trường chững lại, cộng với phân khúc căn hộ cao cấp của một số doanh nghiệp bán chậm trong thời gian qua đã khiến các chủ đầu tư gặp khó khăn, do đồng vốn không quay vòng được.

Nói về thực lực tài chính của doanh nghiệp bất động sản nói chung, theo ông Dương, không ai có thể nắm rõ được bằng chính các doanh nghiệp đó. Tuy nhiên, ông thừa nhận tình trạng “tay không bắt giặc” của doanh nghiệp bất động sản là có, nhưng tỷ lệ không nhiều.

“Thực ra cung bất động sản hiện nay mà chia cho những người có nhu cầu thì vẫn thiếu, nhưng nếu chia cho những người có khả năng thanh toán thì có phần thừa. Ngành xây xựng trong một vài năm tới sẽ còn khó khăn”, ông Dương nhận định.

Trong khi đó, chia sẻ với người viết về nguyên nhân của khó khăn trên thị trường bất động sản hiện nay, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Hà Nội Nguyễn Trường Tiến lại nghiêng về yếu tố chủ quan nhiều hơn.

Theo ông, nguyên nhân sâu xa khiến thị trường khó khăn như hiện nay là do chúng ta để tồn tại một thị trường không thật, một thị trường thiếu sự kiểm soát của cơ quan quản lý. Từ đó đã đẩy giá bất động sản vượt quá giá trị của đồng tiền.

Cũng theo ông Tiến, lâu nay chúng ta chỉ tính có bao nhiêu tiền để làm dự án, mà thiếu đi sự kiểm soát chặt chẽ cũng như thiếu sự định hướng thị trường bất động sản. Cùng với đó là một cuộc chơi thiếu sự minh bạch, nên giờ đây khó khăn là có lỗi của tất cả những người tham gia cuộc chơi. Doanh nghiệp không có quyền trách cứ bất kỳ ai.

“Chúng ta sai từ gốc chứ không phải chúng ta thiếu tiền. Mà một khi đã sai từ gốc thì không thể nên ngọn được, không thể ra hoa, kết trái được”, ông Tiến nói.

Theo vneconomy


Xem tiếp...

13 thg 7, 2011

3 năm nữa bất động sản tăng trở lại ?

Theo giới phân tích, trong bối cảnh nền kinh tế hiện nay, thị trường bất động sản của Việt Nam phải đến 3 năm nữa mới có thể chạm đáy rồi quay trở lại đà tăng trưởng và phát triển.


Diễn biến thị trường bất động sản trong vài tháng trở lại đây đã sụt giảm rất mạnh. Điều này khiến nhiều nhà đầu tư đưa ra phán đoán rằng với mức sụt giảm 10-15 triệu đồng/m2, liệu rằng thị trường đang trong giai đoạn dò đáy hay không?

Theo phân tích của các chuyên gia công ty TNHH Savills – một trong những công ty tư vấn bất động sản chuyên nghiệp cho rằng, bản chất thị trường bất động sản có quy luật và mang tính chu kỳ. Đối với thị trường Mỹ chu kỳ thường kéo dài 18 năm, thị trường Úc 6 năm. Qua nghiên cứu số liệu, bất động sản Việt Nam đang vận động theo một quy luật hình sin mà đỉnh của nó là năm 2008, thời điểm hiện tại đang là giai đoạn hai - giai đoạn điều chỉnh xuống để chuyển sang một chu kỳ mới.

“Trong tình trạng nền kinh tế vẫn chưa kiểm soát được tình hình lạm phát, thì giai đoạn này có thể phải kéo dài tới 3 năm mới kết thúc. Tức là, nếu trong tình hình kinh tế như hiện tại, thị trường nhà đất của Việt Nam phải 3 năm nữa mới có thể chạm đáy và quay trở lại đà phát triển” ông Trần Như Trung, Giám đốc Bộ phận nghiên cứu và tư vấn của Savills Việt Nam cho biết,

Tuy nhiên, quá trình xuống đáy và quay trở lại đà phát triển này có thể được rút ngắn và thúc đẩy bởi sự chuyển biến trong tâm lý của nhà đầu tư khi họ đã xác định lại mức lợi nhuận kỳ vọng phù hợp hơn.

Theo ông Trung, kênh đầu tư bất động sản vẫn luôn là sự lựa chọn số 1. Nếu giá cả bất động sản trên thị trường hợp lý hơn, tính thanh khoản sẽ được cải thiện. Hiện lãi suất ngân hàng đang ở mức cao vì vậy nhiều người lựa chọn cách “ném” tiền vào ngân hàng để hưởng lãi suất. Tuy nhiên, khi kinh tế ổn định, lãi suất giảm, sau một thời gian giá bất động sản chắc chắn sẽ tăng lên.

Nhận định về triển vọng thị trường bất động sản Việt Nam trong thời gian tới, ông Neil- MacGregor – Phó tổng giám đốc Savills cho rằng, khối lượng tiền lưu động đổ vào Châu Á chiếm 20% trong đó dòng tiền “nóng” đang chảy vào Việt Nam – đất nước có tốc độ phát triển nhanh trong khu vực. Bên cạnh đó, tổng vốn đầu tư doanh nghiệp tư nhân chiếm 22%. Vốn FDI cũng đang tập trung vào bất động sản. Đây là một trong những yếu tố hấp dẫn của Việt Nam.

Ngoài ra, Việt Nam đang có tỷ lệ đô thị hóa tăng nhanh và làn sóng di dân ra các thành phố ngày càng nhiều, dân số trẻ với số lượng người ở độ tuổi lao động rất lớn và nhu cầu tách hộ tăng mạnh. Đây là yếu tố tác động mạnh nguồn cầu thị trường. Trong ngắn hạn, từ giờ đến cuối năm, nếu ngân hàng nới lỏng tín dụng, tiền được giải ngân thì thị trường sẽ khởi sắc trở lại.

Theo Vnmedia


Xem tiếp...

12 thg 7, 2011

Hà Nội hoàn tất đền bù khu đất vàng với giá kỷ lục

Các hộ gia đình còn lại sống tại khu đất vàng trên địa bàn quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) vừa chấp thuận phương án đền bù của chủ đầu tư.


Khu đất "vàng" nằm tại ngã tư Hàng Bài - Hai Bà Trưng đối diện Trung tâm thương mại Tràng Tiền.

Theo đó, cả 5 hộ gia đình sống tại 22 - 24 Hàng Bài và 25 - 27 phố Hai Bà Trưng đã ký vào biên bản nhận tiền đền bù của Công ty Cổ phần Thời đại mới T&T, với số tiền là 47 tỷ đồng.

Thỏa thuận của các hộ gia đình với chủ đầu tư cũng ghi rõ, sau khi nhận khoản tiền đền bù trên, các hộ dân phải di chuyển người và tài sản ra khỏi khu vực để bàn giao diện tích đất trên cho chủ đầu tư, đồng thời phải tự lo chỗ tái định cư.

Đại diện Công ty Cổ phần Thời đại mới T&T, ông Trần Hồng Sơn, Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị, cho hay trong số 47 tỷ đồng, có 37,8 tỷ dành cho việc đền bù với diện tích nhà, đất của 5 hộ còn lại tại khu đất này (chỉ 2 hộ có sổ đỏ).

Phương án đền bù được tính theo 3 mức: diện tích đất có mặt tiền ở tầng 1 được thỏa thuận với giá 500 triệu đồng/m2; tầng 1 không có mặt tiền giá 300 triệu đồng/m2; tầng 2 giá 200 triệu đồng/m2.

Theo sơ đồ mặt bằng đền bù được chủ đầu tư công bố, tổng diện tích đất tầng 1 có mặt tiền là 21,7m2; tầng 1 không có mặt tiền là 34,8m2.

Riêng hộ ông Hoàng Đình Trung (93 tuổi) là gia đình liệt sĩ, có công với cách mạng được chủ đầu tư hỗ trợ thêm 9,2 tỷ đồng. Hộ ông Trung cũng là hộ duy nhất có diện tích mặt bằng ở mặt tiền tầng 1 (số 22 Hàng Bài) trong số các hộ còn lại.

Dự án trung tâm thương mại - văn phòng cho thuê của Công ty Cổ phần Thời đại mới T&T được phê duyệt từ năm 2004. Tuy nhiên, do vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng, đến nay dự án vẫn chưa thể triển khai.

Đặc biệt, vào cuối năm 2010, dự án tại khu đất "vàng" này đã gây được sự chú ý của dư luận khi một số hộ dân trong phạm vi dự án yêu cầu được bồi thường với mức1 tỷ đồng/m2 nhưng không được chủ đầu tư và cơ quan chức năng thành phố chấp thuận.

14 hộ dân khác trong khu vực dự án khi đó đã chấp nhận mức đền bù 500 triệu đồng/m2, với tổng cộng khoản đền bù trên 100 tỷ đồng.

5 hộ dân còn lại, sau một thời gian không đạt được thỏa thuận, ngày 7/7 vừa qua, UBND quận Hoàn Kiếm đã quyết định nếu không chấp nhận phương án đền bù, việc cưỡng chế thu hồi đất sẽ được tiến hành vào ngày 12/7.

Với việc 5 hộ dân còn lại ký vào biên bản nhận tiền đền bù, toàn bộ diện tích 3.600m2 đất của dự án trên đã hoàn tất công tác đền bù, giải phóng mặt bằng.

Theo lãnh đạo quận Hoàn Kiếm, so với khung trần giá đất tại Hà Nội năm 2011 là 81 triệu đồng/m2, mức giá đền bù 500 triệu đồng/m2, dự án trung tâm thương mại - văn phòng cho thuê nói trên trở thành một trong những dự án có mức đền bù kỷ lục tại Hà Nội vào thời điểm này.

Theo Vneconomy


Xem tiếp...