19 thg 3, 2011

BĐS Hà Nội - 75% dùng tiền đi vay để mua nhà

Báo cáo ngành BĐS 2011 của Vietnam Rport cho thấy, trong số 400 mẫu điều tra, trong đó có 45% vay tiền mua nhà từ ngân hàng, 30% từ nguồn vay khác và chỉ có 25% là tiền tự có.

Theo báo cáo ngành BĐS 2011 của Vietnam Report, chủ yếu là về đánh giá nhu cầu nhà ở và các yếu tố quyết định hành vi vay vốn mua nhà của người dân trên địa bàn Hà Nội và xu hướng thị trường nhà ở năm 2011.

Theo điều tra của Công ty này đối với 400 người tiêu dùng và nhà đầu tư trên 7 quận, huyện tại Hà Nội. Kết quả cho thấy, 45% người mua nhà có kế hoạch đi vay ngân hàng, 25% có kế hoạch tự mua bằng tiền của mình và 30% có kế hoạch vay mượn từ các nguồn khác.

Loại hình bất động sản quan tâm là đất và chung cư, đối tượng có thu nhập trung bình dưới 20 triệu đồng/tháng phần lớn chọn loại hình nhà chung cư để mua (chiếm tỷ lệ 47%), các loại hình khác như nhà xây trên nền móng riêng và mua đất để tự xây chiếm tỷ lệ nhỏ hơn khoảng một nửa (26%).

Những người có thu nhập dưới 20 triệu đồng/tháng, đa số chọn tỷ lệ vay dưới 20% giá trị ngôi nhà (chiếm 55%). Đối với những người có thu nhập trong các khoảng trên 20 triệu đồng/tháng, chủ yếu chọn tỷ lệ vay từ 30 - 50% giá trị ngôi nhà.

Người tiêu dùng có thu nhập cao dường như có quyết định tiếp tục vay ngân hàng trong tương lai.

Nhận định về nguồn cung nhà ở trên thị trường Hà Nội trong vòng 2 năm tới, có đến 67% các doanh nghiệp cho rằng sẽ tăng nhanh và chỉ có 33% cho rằng sẽ tăng vừa phải.

Đối với nhà ở trong mức giá dưới 1,5 tỷ đồng, hầu hết các doanh nghiệp tham gia vào cuộc điều tra đều cho rằng nhu cầu về loại hình nhà ở này sẽ tăng mạnh trong năm 2011 (chiếm 60%), chỉ có 40% cho rằng nhu cầu sẽ tăng vừa phải.

Theo VNR500

Xem tiếp...

18 thg 3, 2011

Nhà giá rẻ...nhưng không hề rẻ

Được hưởng nhiều ưu đãi, nhưng dự án nhà ở dành cho người có thu nhập thấp tại Hà Nội có giá bán ngang bằng giá nhà ở thương mại tại TP.HCM…


Giá bán nhà thu nhập thấp tại Dự án Khu đô thị Đặng Xá Gia Lâm (Hà Nội) do Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng Viglacera làm chủ đầu tư là 11,6 triệu đồng/m2 (đã bao gồm thuế VAT).

Ông Lê Ngọc Ước, Phó giám đốc Công ty cho biết, đây là mức giá hợp lý do doanh nghiệp tiết giảm được chi phí đầu vào như: chi phí tư vấn thiết kế, vật liệu xây dựng mua thẳng từ nhà máy của Tổng công ty Thuỷ tinh và Gốm xây dựng (Viglacera) và được vay vốn ưu đãi.

Trong các dự án nhà ở dành cho người có thu nhập thấp đang nhận hồ sơ bán nhà ở Hà Nội, chỉ có dự án nêu trên đã công bố giá bán. Còn các dự án khác như: Dự án Khu tái định cư Kiến Hưng do Liên danh Công ty cổ phần Bê tông và Xây dựng Vinaconex Xuân Mai và Công ty cổ phần Xây dựng số 21 Vinaconex làm chủ đầu tư, Dự án tại lô NO10A và NO12 - 3 Khu đô thị Sài Đồng, Long Biên do Công ty cổ phần Đầu tư phát triển nhà Hà Nội số 3 làm chủ đầu tư hiện chưa công bố giá bán. Nhiều thông tin cho rằng, giá bán tại các dự án này đang được điều chỉnh tăng lên khoảng 14 triệu đồng/m2.

Dù giá nhà dành cho người có thu nhập thấp là hơn 11 triệu đồng hay 14 triệu đồng/m2 thì đây đều làø mức giá khá cao, cao hơn gấp 2 lần nhà dành cho người có thu nhập thấp tại một số địa phương khác như TP.HCM (từ 5,8 đến 8 triệu đồng/m2), Đà Nẵng (5,5 triệu đồng/m2).

Trong khi đó, các dự án nhà ở thương mại tại TP.HCM đang được chào bán với mức giá chỉ từ 12 đến 14 triệu đồng/m2. Rõ ràng là, mức chênh lệch quá cao giữa Hà Nội và các địa phương khác đang là một câu hỏi khó trả lời cho các doanh nghiệp tham gia dự án xây nhà giá rẻ.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) cho rằng, giá bán nhà cho người có thu nhập thấp bị ảnh hưởng bởi rất nhiều yếu tố đầu vào như việc tăng giá vật liệu xây dựng, nhân công, xăng dầu, điện..., nên doanh nghiệp có đề xuất tăng thêm giá nhà là điều dễ hiểu.

Ngoài các yếu tố trên, giá thành căn hộ dành cho người có thu nhập thấp cũng phải chịu các chi phí khác, như đầu tư xây dựng hạ tầng, giải phóng mặt bằng, các công trình phúc lợi công cộng… Tuy nhiên, nếu tăng quá cao lên đến 14 triệu đồng/m2 thì phải xem lại liệu có tình trạng doanh nghiệp "tát nước theo mưa" hay không?

Vấn đề đặt ra là, những dự án nhà ở dành cho người có thu nhập thấp được hưởng nhiều ưu đãi, như được miễn tiền sử dụng đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, được tăng tỷ lệ và mật độ xây dựng và được vay vốn ưu đãi của Chính phủ.

Đó là chưa kể, một số chủ đầu tư còn có ưu thế sử dụng vật liệu “cây nhà lá vườn” như Công ty cổ phần Bê tông và Xây dựng Vinaconex Xuân Mai và Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng Viglacera.

Trước thông tin về giá nhà dành cho người có thu nhập thấp khoảng 14 triệu đồng/m2, ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng khẳng định, trong khi giá vật liệu xây dựng, nhất là xi măng vẫn ổn định, mức giá nhà thu nhập thấp hiện khoảng 10 triệu đồng/m2 là phù hợp. Nếu thông tin về mức giá 14 triệu đồng/m2 đối với nhà giá thấp là có thực, Bộ Xây dựng sẽ cho tiến hành kiểm tra, xem xét và có ý kiến.
Còn ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục quản lý nhà ở và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, mức giá bán nhà dành cho người có thu nhập thấp mà doanh nghiệp đưa ra đều phải căn cứ vào các quy định cụ thể, giá bán phải tính đúng, tính đủ để doanh nghiệp không bị lỗ.

Sở Xây dựng Hà Nội có nhiệm vụ thẩm định đơn giá của các đơn vị, đơn vị nào làm sai sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Theo báo đầu tư


Xem tiếp...

Nhu cầu nhà ở dưới 1,5 tỷ đồng sẽ tăng mạnh

Ngày 18/3, nhóm nghiên cứu của Vietnam Report giới thiệu báo cáo "Đánh giá nhu cầu nhà ở và các yếu tố quyết định hành vi vay vốn mua nhà của người dân trên địa bàn Hà Nội và xu hướng thị trường nhà ở năm 2011".

Nhà chung cư vẫn là lựa chọn số 1 của những người có thu nhập dưới 20 triệu đồng/tháng.

Kết quả 400 điều tra tại thị trường Hà Nội cho thấy, 45% người mua nhà ở có kế hoạch đi vay ngân hàng, 2%5 có kế hoạch tự mua bằng tiền của mình và 30% có kế hoạch vay mượn từ các nguồn khác.

Hai loại hình bất động sản là nhà chung cư và đất vẫn là lựa chọn số 1. Trong đó, 47% những người thu nhập trung bình dưới 20 triệu đồng/tháng chọn mua nhà chung cư, 26% chọn mua nhà xây trên nền móng riêng và đất để tự xây.

Những người có thu nhập dưới 20 triệu đồng/tháng, đa số chọn tỷ lệ vay dưới 20% giá trị ngôi nhà (chiếm 55%). Đối với những người có thu nhập trong các khoảng trên 20 triệu đồng/ tháng, chủ yếu chọn tỷ lệ vay từ 30 - 50% giá trị ngôi nhà.

Về nguồn cung nhà ở trong hai năm tới, có đến 67% doanh nghiệp tham gia điều tra cho rằng sẽ tăng nhanh và chỉ có 33% cho rằng sẽ tăng vừa phải. 60% doanh nghiệp cho rằng nhu cầu về loại hình nhà ở có mức giá dưới 1,5 tỷ đồng sẽ tăng mạnh.

Theo Vneconomy

Xem tiếp...

13 thg 3, 2011

Mất nhà vì Hợp đồng ủy quyền

Gần đây, nhiều người dân gửi đơn đến tòa soạn Tiền Phong, tố cáo họ bị chiếm đoạt nhà đất bởi các hợp đồng ủy quyền gian dối. Vụ việc của bà Nguyễn Thị Tiêu (51 tuổi, trú tại số 75 ngách 264/17 đường Âu Cơ, Nhật Tân, Tây Hồ, Hà Nội) là một trường hợp điển hình.
Theo đơn bà Tiêu, tháng 11-2009, con gái bà bị tai nạn nằm viện dài ngày. Để trang trả viện phí, bà đặt sổ đỏ vay 280 triệu đồng của một phụ nữ kinh doanh cầm đồ cùng làng, lãi 25% một tháng. Giật gấu vá vai trả lãi được 180 triệu đồng, bà Tiêu không vay đâu được nữa. Tháng 7-2010, chủ nợ cộng gốc và lãi, tuyên bố bà Tiêu nợ tròn 700 triệu đồng.

Bán đất trả nợ

Theo bà Tiêu, gia đình bà phải bán đi 50m2 đất cho chị Tú cùng làng, giá 1,5 tỷ đồng. Chị Tú trả 1,2 tỷ đồng, giữ lại 300 triệu “khi nào tách sổ trả nốt”. Giao nhận tiền, vợ chồng bà Tiêu viết giấy biên nhận, rồi ký vào một văn bản mà họ nghĩ là “hợp đồng mua bán nhà đất”.

Trả nợ xong, vợ chồng bà Tiêu xây hai ngôi nhà ba tầng (38m2 và 32m2) trên phần đất còn lại. Xong phần thô thì hết tiền, gia đình bà phải bán ngôi nhà diện tích 38m2, lấy tiền hoàn thiện ngôi nhà 32m2.

Trước Tết Tân Mão, ngôi nhà 32m2 hoàn thiện gần xong. Bà Tiêu đã đặt ban thờ, kê đệm tầng ba cậu út ngủ, dự định dọn đồ vào. Bỗng đâu sự việc ập đến…

“Nhà này của tao”?!

Một ngày sát Tết, một số người xuất hiện. Họ đuổi thợ cùng cậu út của bà Tiêu ra, khóa cửa không cho ai được vào, tuyên bố ngôi nhà 32m2 là “tài sản hợp pháp của chúng tao”(?!).

Thấy quá ngang trái, ông Minh chồng bà Tiêu phá khóa vào nhà. Những người kia lại ập đến, khóa lại bằng ổ mới!

Bà Tiêu báo Công an phường. Cán bộ đến, những người chiếm nhà bà chìa ra “hợp đồng ủy quyền”. Cán bộ yêu cầu “giữ nguyên hiện trạng để pháp luật giải quyết”. Bà Tiêu có nhà mới nhưng đón Tết trong túp lều dựng nhờ vườn hàng xóm.

Ra Tết, ông Minh lại phá khóa vào nhà. Những cành đào nở muộn, ông Minh cắt về để trong nhà mới…
Tối đó, những người chiếm nhà lại ập đến. Xót của, ông Minh ngăn lại, bị một gã phi một cành đào trúng mắt phải, ông Minh đi cấp cứu bệnh viện Xanh Pôn.

Tài liệu ít ỏi

Ngoài đơn tố cáo, gia đình nông dân mất nhà không có nhiều tài liệu về vụ việc.

Thương tích của ông Minh, sổ y bạ bệnh viện Xanh Pôn ghi “rách da dưới mắt phải”, vết rách khoảng 3cm. Khi tới báo Tiền Phong kêu cứu, mắt phải ông Minh vẫn sưng húp, bầm tím.

Đáng chú ý trong các tài liệu bà Tiêu cung cấp là bản “Hợp đồng uỷ quyền” lập ngày 17-8-2010, có dấu công chứng. Theo văn bản này, ông Minh bà Tiêu đã ủy quyền cho bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga (trú cùng phường Nhật Tân) được “quản lý, sử dụng, cho thuê, xây dựng, chuyển nhượng” toàn bộ nhà đất của gia đình bà Tiêu, và còn được ủy quyền lại cho bên thứ ba làm các công việc này.


Vì sao ký?

Trả lời câu hỏi “Vì sao ông bà ký vào bản hợp đồng đó?”, bà Tiêu trình bày: Bữa chị Tú đến nhà trả tiền, dẫn theo một người đàn ông, giới thiệu “cán bộ công chứng”. Người này không đưa văn bản cho ông bà đọc, chỉ bảo ký vào phía dưới những tờ giấy đánh máy sẵn. Nghĩ đây là hợp đồng bán nhà, ông Minh bà Tiêu ký luôn.

Người ta cầm đi, không giao bản nào cho ông Minh bà Tiêu. Sau khi bị chiếm nhà, bà Tiêu mới được người ta đưa một bản phô tô “Hợp đồng ủy quyền” này.

Bà Tiêu và con gái lập tức đến Văn phòng công chứng N.T., đề nghị được gặp công chứng viên ký tên trong hợp đồng. Họ ngỡ ngàng nhận ra đó không phải là người đã đến nhà mình hôm nào…

Bà Tiêu đã gửi đơn tố cáo những đối tượng có hành vi cho vay nặng lãi, lừa đảo, cố ý gây thương tích và công nhiên chiếm đoạt tài sản đến Công an và Viện KSND quận Tây Hồ. Những uẩn khúc trong vụ việc này sẽ được làm rõ, khi các cơ quan chức năng có kết luận.

Theo Tiền Phong


Xem tiếp...

Hà Nội - Khởi công dự án hơn 1.000 căn hộ cao cấp

Ngày 12/3/2011, Công ty Cổ phần Đầu tư Mai Linh tổ chức khởi công tổ hợp văn phòng, trung tâm thương mại và khu căn hộ cao cấp Golden Palace (xã Mễ trì, Từ Liêm, Hà Nội).

Phối cảnh dự án Golden Palace

Dự án này nằm trong quy hoạch tổng thể của khu công viên văn hóa thể thao Tây Nam - Hà Nội, do Công ty Cổ phần Đầu tư Mai Linh làm chủ đầu tư.

Đối tác đầu tư dự án là Công ty Cổ phần Địa ốc MB (MBLand); tổ chức tư vấn thiết kế với nhà thầu chính là DA Group (Hàn Quốc), nhà thầu phụ là Công ty Cổ phần Kiến trúc KITAKA (Việt Nam); nhà thầu xây dựng là Keangnam Enterprises (Hàn Quốc).

Dự án Golden Palace đặt tại K1- đường Mễ Trì, xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm, Hà Nội; có diện tích 16.333m2 với quy mô tòa nhà 3 tòa tháp cao 30 tầng và 4 tầng hầm; vốn đầu tư khoảng 3.150 tỷ đồng.

Golden Palace là tổ hợp bao gồm trung tâm thương mại, trung tâm vui chơi giải trí và dịch vụ ăn uống; khu căn hộ cao cấp với hơn 1.000 căn hộ nằm tại khối tháp của công trình bao gồm nhiều loại căn hộ điển hình và hơn 20 Penthouse cao cấp được thiết kế hiện đại; khu văn phòng cao cấp nằm tại khối đế của công trình.

Kiến trúc của Golden Palace được thiết kế dựa trên hình tượng 3 bông hoa sen, thể hiện cho văn hóa truyền thống của người Việt, kết hợp với kiến trúc hiện đại tạo ra 3 tòa tháp hình chữ V, tạo những góc nhìn từ 4 phía.

Công trình này được thiết kế 4 tầng hầm đỗ xe; 8 thang máy trên một tầng điển hình và tổng số 24 thang máy cho 3 tòa tháp.

Dự kiến dự án sẽ hoàn thành vào cuối năm 2013. Đơn vị phân phối là MBLand và Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Hà Nội Xanh.


Xem tiếp...